Nhà thơ Hoàng Trần Cương: "Chuốt ruột mình thành giải lụa sông Lam"

28/01/2013 11:09

Nhà thơ Hoàng Trần Cương- tác giả của Trường ca “Trầm tích” được đánh giá là một trong những gương mặt tiêu biểu của thi ca Việt Nam thời Hậu chiến. Viết về ông, đến nay đã có hơn 50 bài báo, hầu hết là của các “đại gia” trong làng văn, làng báo và ngót chục công trình luận án, luận văn. Từ lâu, tôi cũng ấp ủ mong muốn được viết về ông, về một nhà thơ đậm đặc chất Nghệ, một người con xa quê luôn đau đáu, trăn trở mỗi khi hướng về nơi chôn rau, cắt rốn.

(Baonghean) Nhà thơ Hoàng Trần Cương- tác giả của Trường ca “Trầm tích” được đánh giá là một trong những gương mặt tiêu biểu của thi ca Việt Nam thời Hậu chiến. Viết về ông, đến nay đã có hơn 50 bài báo, hầu hết là của các “đại gia” trong làng văn, làng báo và ngót chục công trình luận án, luận văn. Từ lâu, tôi cũng ấp ủ mong muốn được viết về ông, về một nhà thơ đậm đặc chất Nghệ, một người con xa quê luôn đau đáu, trăn trở mỗi khi hướng về nơi chôn rau, cắt rốn.



Hoàng Trần Cương sinh năm 1948 ở xã Đặng Sơn - Đô Lương (Nghệ An). Mảnh đất này trước kia gọi là miền Đô Đặng (gồm các xã Nam-Bắc-Đặng ngày nay), nằm bên hữu ngạn dòng Lam - một vùng quê sơn thủy hữu tình, địa linh nhân kiệt. Ông thuộc dòng dõi họ Mạc, là hậu duệ đời thứ 21 của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (đời Trần). Người dân Đặng Sơn hiện vẫn còn lưu truyền câu đối: “Đô Đặng địa linh sinh tuấn kiệt/ Đặng Lâm thiên miếu dưỡng nhân tài” (Miền Đô Đặng đất thiêng sinh người tuấn kiệt/ Làng Đặng Lâm (có) miếu cổ nuôi dưỡng nhân tài).

Thuở nhỏ, Hoàng Trần Cương từng theo cha ra sinh sống và học lớp 1 tại Hà Nội, sau đó về học đến cấp 3 ở Đô Lương. Đến lớp 9, cả gia đình cậu di cư ra huyện Quế Võ- Bắc Ninh. Vì lẽ đó, có người đã gọi Hoàng Trần Cương là “Người mang sóng của 3 dòng sông” (sông Lam, sông Hồng và sông Cầu). Năm 1970, đang học năm cuối Trường Đại học Tài chính- Kế toán, Hoàng Trần Cương tình nguyện lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sỹ pháo cao xạ của Trung đoàn 282 anh hùng thuộc Sư đoàn Pháo cao xạ 367. Người lính quê Nghệ ấy đã từng vào sinh ra tử khắp các chiến trường, từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Bản Đông- Đường Chín Nam Lào, rồi trở ra thủ đô, lên Đồng Mỏ (Lạng Sơn) để chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội trong chiến dịch “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” (1972). Năm 1975, Hoàng Trần Cương vinh dự được đứng trong đoàn quân trùng trùng điệp điệp tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân lịch sử.

Rời quân ngũ, Hoàng Trần Cương trở lại trường học tiếp năm cuối chương trình đại học. Tốt nghiệp ra trường, Hoàng Trần Cương được phân công vào miền Nam tham gia công tác đổi tiền và cải tạo tư bản tư doanh (1976- 1980). Hoàn thành nhiệm vụ, ông lại được điều động ra Hà Nội làm việc với các nhiệm vụ: chuyên viên Bộ Tài chính, Bộ Lương thực, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, và sau đó là Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam. Hiện tại, ông nghỉ hưu cùng gia đình ở Thủ đô Hà Nội.



Nhà thơ Hoàng Trần Cương (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà văn Việt Nam trong chuyến thăm Thủ đô Vác-sa-va (Ba Lan).

Thi sỹ Hoàng Trần Cương được biết đến với các tập thơ: “Đường chân trời”, “Dấu vết tháng ngày”, “Trầm tích” và “Qùa tặng hành tinh”. Nhưng hầu hết mọi người đều có chung nhận định rằng, cái làm nên tên tuổi của Hoàng Trần Cương hôm nay chính là trường ca “Trầm tích”. Tác phẩm này từng giành giải Nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ (1989 - 1990), Giải thưởng VHNT của Bộ Quốc phòng (1994-1999), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000, giải Đặc biệt Giải thưởng Hồ Xuân Hương của Hội VHNT Nghệ An (1997-2002). Mới đây, trường ca “Trầm tích” dành giải thưởng Cúp Bông Lúa Vàng (1980-2010) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức, nhằm tôn vinh những tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài “tam nông”. Điều quan trọng hơn, “Trầm tích” đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả, là tác phẩm có sức sống vượt thời gian. Với 19 chương và khoảng 2.000 câu thơ, trường ca “Trầm tích” chính là sự lắng đọng, kết tinh của truyền thống lịch sử, văn hóa và nghĩa tình, là món quà tác giả muốn dâng lên với quê hương xứ Nghệ.

Suốt chiều dài của trường ca “Trầm tích”, chúng ta luôn bắt gặp hình ảnh của cuộc sống lam lũ, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, địch họa: “Gió bão thù chi với mảnh đất này/ Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen sì ngoài biển/ Mưa giờ ngọ chưa qua gió giờ mùi đã đến/ Cay đắng lắng vào quả ớt lúc còn xanh/ Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh/ Ngẩng mặt đụng trời xanh nhức mắt”. Và đây, cái vất vả, nhọc nhằn cùng bao nỗi lo âu của người dân xứ Nghệ, người dân miền Trung thêm một lần được hình tượng hóa: “Miền Trung/ Câu ví dặm nằm nghiêng/ Trên nắng và dưới cát/ Đến câu hát cũng hai lần sàng lại/ Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm.../ Bao giờ em về thăm/ Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt/ Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mọc trắng mặt người”. Qua “Trầm tích”, Hoàng Trần Cương còn cho chúng ta thấy những “vỉa tầng” của truyền thống văn hóa quê hương. Ở đó có mái đình rêu phong, bóng cây đa nghìn năm tuổi, điệu ví câu hò, dòng sông Lam miệt mài bồi đắp phù sa, những câu chuyện cổ tích của bà, sự tích con cá gỗ... Đặc biệt, qua hệ thống hình tượng nghệ thuật giàu sức gợi, tác giả đã khái quát hóa những đức tính, phẩm chất của con người xứ Nghệ: cần cù, hiếu học, khí khái, trọng nghĩa tình, quyết đoán, nhân hậu, bao dung và có phần cực đoan. Hãy ngẫm ngợi những câu thơ sau: “Như bát cà trắng muốt/ Mặn mà và giòn tan/ Như nước chè xanh đặc/ Chát môi lại đậm lòng”. Và: “Sông đặt tên sông Lam/ Mộng trùm xanh biển cả/ Núi thì kêu rú Quyết/ Chí vững tựa thạch bàn/ Ôi! Xứ Nghệ, xứ Nghệ/ Đất vàng của xưa sau/ Giữa mưa bào nắng phế/ Lung linh vẫn giữ màu”.

Hình tượng nghệ thuật lặp đi lặp lại với tần suất cao trong “Trầm tích” là bóng dáng của người bà và người mẹ. Trước tiên, đó là người bà, người mẹ của chính tác giả được khắc họa với một tình cảm thắm thiết và đầy xúc động, trở thành một điểm tựa tinh thần: “Mẹ vén vun cưng nựng nụ cười/ Trên gương mặt bầy con mùa giáp hạt”, rồi: “Mẹ ngồi nhen lửa dưới mưa/ Nuôi tôi giữa nước và trời”. Đó còn là sự hiện thân của quê hương, xứ sở với một niềm biết ơn sâu sắc của tác giả. Nói cách khác, hình tượng người bà, người mẹ chính là quê hương, dù ở xa nhưng tác giả luôn dõi về quê hương với nỗi lo lắng trước bao biến động, thăng trầm của cuộc sống và một niềm tự hào không bao giờ vơi cạn: “Mẹ là trầm tích của làng quê hoa trái/ Cất trữ mọi giấc mơ rồi có mặt trên đời/ Mẹ là trầm tích của bạt ngàn thương mến/ Xanh mát màu trời đượm ấm hương quê/ Đưa ngọn gió trở về xóm nhỏ/ Đưa cơn mưa xuống mạch giếng làng/ Đưa mây trắng về trời khêu lại nắng/ Đưa nỗi buồn ra khỏi thôn trang”.

Ngay từ khi trường ca “Trầm tích” ra đời, tác phẩm đã được bạn đọc đón đợi nồng nhiệt, bạn bè và đồng nghiệp cũng dành tặng những lời khen hết mực chân thành. Sinh thời, nhà thơ Hoàng Cầm đã không tiếc lời khen “Trầm tích” và người đã sinh thành ra nó: “Tác giả Trầm tích là một thi sĩ đích thực, một nhà thơ lớn. Phải yêu quê hương, gắn bó máu thịt với quê hương đến mức nào thì mới viết được như thế... Thơ Hoàng Trần Cương đậm đặc chất miền Trung, chất xứ Nghệ. Chúng ta có thể nhặt ra từng câu thơ như những viên kim cương lấp lánh. Tôi đọc ba lần, lần nào cũng phát hiện ra được những chi tiết đắt giá”. Còn Nguyễn Trọng Tạo - một nhà thơ đa tài từng bộc bạch: “Tôi đã có Trường ca Đồng Lộc (“Con đường của những vì sao”) và vẫn ấp ủ một trường ca về đất và người xứ Nghệ, nhưng khi đọc trường ca “Trầm tích”, tôi đã từ bỏ ý định của mình vì biết rằng không thể viết về xứ Nghệ hay hơn Hoàng Trần Cương”. Và có lẽ vì những lý do đã nêu nên nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiểu đã dành cho Hoàng Trần Cương và “Trầm tích” một vị trí trang trọng trong bộ sách “Thi nhân Việt Nam hiện đại”. Ở đó, nhà phê bình không ngần ngại khi đưa ra nhận định: “Trầm tích là thiên trường ca có lẽ là hay nhất trong các trường ca hay của nửa cuối thế kỷ XX đầy giông bão, máu lửa”. Được biết, “Trầm tích” đã được dịch sang tiếng Anh và ở Mỹ từng diễn ra hội thảo về trường ca đặc sắc này. Thật sự, niềm vinh dự ấy không phải người cầm bút nào cũng có được.

Đọc “Trầm tích”, tôi thấy ở đó không chỉ có ý và lời, mà còn là nỗi niềm gan ruột của tác giả đối với quê hương xứ Nghệ, đúng như lời của nhà thơ Thanh Thảo: “Đã lâu, tôi mới được đọc những dòng thơ vừa hào sảng vừa cay đắng như thế khi viết về quê hương. Tuốt xác ra mà thơ, quê hương trong Hoàng Trần Cương không đèm đẹp kiểu “Quê hương là chùm khế ngọt”, nó vật vã, tướp táp, vặn xoắn, thắt ngực, buốt lòng”. Và một khi đã đọc “Trầm tích”, hẳn không ai có thể quên được câu thơ: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”. Còn tác giả “Trầm tích” cho biết thêm, ông đang hy vọng và mong ước có đủ sức lực, trí tuệ để tiếp tục dõi về quê hương, tiếp tục chiêm nghiệm cuộc sống để viết nên những áng thơ mới về mảnh đất xứ Nghệ trong quá trình đổi mới và hội nhập, sánh vai cùng bè bạn. Đó cũng là cách để nhà thơ trả “món nợ” ân tình với quê hương, vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt, cuộc sống còn gian khó nhưng luôn ấm áp, sâu nặng và chan chứa nghĩa tình.


Bùi Công Kiên