Bất cập công tác trùng tu di tích
Nghệ An là một trong những tỉnh có nhiều di tích thắng cảnh mang nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. Tuy nhiên, công tác trùng tu, tôn tạo di tích đang có nhiều bất cập, không ít di tích đang dần bị mai một hoặc đã có chủ trương trùng tu, tôn tạo nhưng trên thực tế lại gặp không ít khó khăn từ vấn đề kinh phí, giải tỏa.
(Baonghean) - Nghệ An là một trong những tỉnh có nhiều di tích thắng cảnh mang nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. Tuy nhiên, công tác trùng tu, tôn tạo di tích đang có nhiều bất cập, không ít di tích đang dần bị mai một hoặc đã có chủ trương trùng tu, tôn tạo nhưng trên thực tế lại gặp không ít khó khăn từ vấn đề kinh phí, giải tỏa.
Di tích trở thành… phế tích?
Nằm ngay giữa lòng Thành phố Vinh, Diệc Cổ Tùng Lâm (chùa Diệc) nằm trên địa bàn phường Quang Trung đã từng lưu giữ nhiều hiện vật và đồ tế khí có từ khoảng 600 năm trước, khi chùa được khởi dựng. Nhưng đến nay, chùa Diệc chỉ còn lại vẻn vẹn khu tam quan hình tháp 3 tầng. Nhìn qua có thể thấy khu tam quan hiện giờ đã hư hỏng phần nào, vôi vữa bị bong tróc gần như toàn bộ mặc dù kiến trúc vẫn được giữ nguyên. Khu thờ tự chính trước đây cũng không còn nữa mà được chuyển đặt phía sau tam quan. Nhìn ngôi chùa chỉ khoảng vài chục mét vuông như hiện nay, có ai biết được trước đây chùa Diệc từng là một khuôn viên rộng lớn thuộc bậc nhất nhì xứ Nghệ.
Chùa Diệc từng là khuôn viên rộng lớn giờ chỉ còn khu tam quan.
Không được may mắn như chùa Diệc, di tích Văn miếu Vinh (thuộc phường Hồng Sơn, TP.Vinh) vốn rộng lớn, bao gồm các khu thờ tự như tam quan, thượng điện, hạ điện và hai dọc hành lang kéo dài hai bên, ở giữa có giếng trời… Nhưng toàn bộ những hệ thống cổ xưa đó nay đã không còn. Hiện tại, Văn miếu Vinh chỉ còn lại một ban thờ tự được Công ty in Nghệ An – đơn vị nắm quyền sử dụng mảnh đất này dựng lên rất tạm bợ.
Một di tích khác cũng chịu chung tình trạng xuống cấp trầm trọng, đó là đền Vua Lê tại xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên. Hiện tại, đền vẫn giữ được những đồ tế khí và hiện vật gốc nhưng đang bị dấu vết của thời gian làm hư hỏng khá nghiêm trọng. Hệ thống cột trụ, hoành xà cũng như các biển ngạch, hoành phi, câu đối viết bằng chữ Hán đã bị mối mọt và bong hết lớp sơn son.
Chùa Diệc, Văn miếu Vinh hay đền Vua Lê chỉ là 3 trong rất nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đang bị xuống cấp và có nguy cơ mất hết các giá trị vốn có về văn hóa và lịch sử. Tuy đã có không ít chủ trương quy hoạch trùng tu, tôn tạo và phục dựng các di tích được đưa ra nhưng việc thực hiện đang gặp những khó khăn từ những vấn đề thực tế như giải tỏa và kinh phí tôn tạo.
Đáp án nào cho bài toán kinh phí?
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết từ tháng 1/2011, UBND tỉnh đã ký quyết định đầu tư công trình tôn tạo di tích đền vua Lê ở huyện Hưng Nguyên. Thế nhưng, đến giờ, việc tôn tạo di tích cũng chỉ dừng lại ở hai cổng lớn của đền. Hai cổng lớn đã xây lại và quét vôi trắng nhưng các hiện vật phía trong gian thờ tự, những thứ mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa của đền thì vẫn nguyên tình trạng xuống cấp như ban đầu mà chưa có sự tu bổ, tôn tạo nào. Vậy do đâu mà dự án tôn tạo một di tích mang nhiều tính lịch sử như đền vua Lê lại bị bỏ dở như vậy?
Phía trong của đền Vua Lê (Hưng Nguyên) dùng hàng rào tạm bợ.
Trước thực trạng này, ông Đoàn Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VHTT&DL tỉnh cũng đã thẳng thắn thừa nhận: “Vấn đề đầu tiên và cốt yếu nhất cho công tác tôn tạo, tu bổ di tích là kinh phí. Nguồn vốn cấp về cho việc tu bổ, tôn tạo di tích thì có hạn, mà Nghệ An lại là tỉnh có nhiều di tích nên việc chia nhỏ quỹ tôn tạo di tích cũng là điều khó tránh khỏi. Vì thế mới có tình trạng một số di tích đang tôn tạo thì phải bỏ dở và “đắp chiếu” chờ đợt cấp kinh phí tiếp theo”.
Ngoài vấn đề về kinh phí thì sự thống nhất trong các bước để bảo tồn di tích cũng là một điều băn khoăn. Đơn cử như việc phục dựng di tích Văn miếu Vinh. Nhận thấy tầm quan trọng và ảnh hưởng của di tích này đến đời sống văn hóa và tinh thần, các cấp có thẩm quyền cũng đã ra các quyết định về việc phục dựng khu di tích Văn miếu Vinh. Tuy nhiên, từ khảo sát đến quy hoạch và thiết kế phục dựng di tích, những người chịu trách nhiệm đã gặp rất nhiều khó khăn. Đó là việc lựa chọn giữa hai phương án là phục dựng di tích ở ngay tại địa điểm phát hiện hay dời di tích và phục dựng ở một nơi khác? Nếu dời di tích Văn miếu Vinh sang một địa điểm khác thì có thể thực hiện được nhưng liệu giá trị về lịch sử cũng như văn hóa của di tích có còn như trước đây? Còn nếu phục dựng di tích ngay tại địa điểm phát hiện thì là điều gần như không thể thực hiện vì công tác giải tỏa, đền bù để có thể phục dựng Văn miếu Vinh ngay tại phường Hồng Sơn lại tốn rất nhiều kinh phí, nếu không nói là khó có thể đáp ứng được. Và cuối cùng, câu chuyện phục dựng lại Văn miếu Vinh lại quay về bài toán kinh phí!
Cùng chung trăn trở này, ông Đoàn Văn Nam chia sẻ thêm: “Việc phục dựng di tích phải thống nhất từ các khâu khảo sát, quy hoạch di tích và hướng đến quản lý sau quy hoạch. Thực hiện đồng bộ những điều đó sẽ tháo gỡ được một phần khó khăn trong công tác bảo tồn di tích, nhằm phát huy hết các giá trị về văn hóa cũng như tinh thần mà di tích mang lại cho đời sống người dân”.
Bài, ảnh: Thái Anh