Ngư dân không mặn mà mua bảo hiểm tàu cá

07/02/2013 20:09

(Baonghean) - Nếu như ở các tỉnh phía Nam, ngư dân mua bảo hiểm tàu cá dễ dàng, thì ở Nghệ An, đa số các tàu cá không được mua bảo hiểm. Nên đến khi gặp tai nạn, bà con phải gánh chịu hậu quả nặng nề…

Thời gian gần đây, tình trạng các chủ tàu cá phía Nam mặc dù đã mua bảo hiểm tàu cá, khi mua thì dễ dàng thuận lợi nhưng khi có sự kiện bảo hiểm xẩy ra thì người mua mới thấy rắc rối, phiền hà, bị từ chối chi trả tiền bảo hiểm với muôn vàn lý do. Chẳng khác nào các công ty bảo hiểm “móc túi” ngư dân.
Ở Nghệ An cũng do thủ tục rườm rà và do nhận thức, ngư dân rất ngại mua bảo hiểm.

Nghệ An có hơn 4000 tàu cá, trong đó tàu công suất lớn trên 90 CV khoảng 1/3. Những năm trước đây, được chính sách hỗ trợ tiền dầu, chính quyền đã lồng ghép kêu gọi ngư dân mua bảo hiểm tàu cá và bảo hiểm thuyền viên. Nhưng ba năm lại nay, chính sách hỗ trợ dầu của Chính phủ không còn, ngư dân ra khơi gặp muôn vàn khó khăn, bà con không có tiền mua bảo hiểm. Và hơn hết là bà con rất “ngán” các thủ tục rườm rà khi đi thanh toán nhận tiền bảo hiểm khi xẩy ra tai nạn.



Nhiều tàu cá ở Diễn Châu chưa mua bảo hiểm tàu và thuyền viên
vẫn hoạt động.

Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy - Quỳnh Lưu, anh Hoàng Nghiệp cho biết: Cả xã có 364 tàu, trong đó tàu từ 90CV - 700CV là 178 tàu, nhưng không có ai mua bảo hiểm tàu cá. Trước đây bà con có mua nhưng nay không mua nữa do đời sống khó khăn, khai thác chi phí đắt đỏ, giá cá lại thấp nên nhiều chủ tàu không có lãi, họ không mặn mà mua bảo hiểm. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Kế - Chủ tịch Hội nghề cá xã Tiến Thủy, cho biết: “Từ 2008 - 2010, các tàu cá ở Tiến Thủy - Quỳnh Lưu mua bảo hiểm đạt 100%, do Chính phủ hỗ trợ tiền dầu và bảo hiểm. Nhưng sau đó chính sách không còn”. Từ 2012-2015, theo Quyết định số 09/2012 của UBND tỉnh Nghệ An về hỗ trợ nông nghiệp thì ngân sách chỉ hỗ trợ 50% kinh phí bảo hiểm thuyền viên đối với ngư dân là hộ nghèo. Còn bảo hiểm tàu cá thì không.

Bảo hiểm tàu cá ở Tiến Thủy - một xã có nghề khai thác mạnh ở Quỳnh Lưu, hiện nay hầu như không có ai tham gia. Nhưng cũng từ đó, nhiều chuyện rắc rối đã xẩy ra. Năm 2012, tàu của ông Nguyễn Quang Hân khi về đất liền, cách bờ chỉ còn 70 hải lý, bị sổ nước, tàu chìm, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Tháng 1/2013, tàu ông Trương Công Sáu ở xóm Đức Xuân- Tiến Thủy cũng bị sổ nước, chìm xuống biển. Một thuyền viên bị mất tích, số còn lại thì được tàu Thanh Hóa cứu. Tàu của ông Nguyễn Văn Hồng ở xã Tiến Thủy cũng bị chìm năm 2013, may mắn được nhiều tàu khác đến cứu, rồi thuê trục vớt kéo về sửa chữa lại, nhưng cũng tốn kém hàng trăm triệu đồng. Thiệt hại lớn như vậy, nhưng các chủ tàu trên đều không được bồi thường bởi không tham gia mua bảo hiểm, vì vậy phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Anh Thanh, một chủ tàu cá ở Tiến Thủy – Quỳnh Lưu cũng bị tai nạn năm 2012 cho hay: “Cứ nghĩ là không bị, chứ ai biết là lại gặp nạn. Khi gặp nạn chạy tá hỏa chẳng ai giúp mình được”.

Ở Quỳnh Dị - Quỳnh Lưu, được biết hiện không có chủ tàu nào mua bảo hiểm tàu cá. Quỳnh Dị có 72 tàu cá nhưng chỉ có một số mua bảo hiểm thuyền viên, còn tàu thì không mua. Nguyên nhân được anh Nguyễn Đức Xân- một chủ tàu cá ở Quỳnh Dị cho hay, một phần là do nhận thức, còn phần nữa là bà con rất ngại khi đi làm các thủ tục phiền hà, rườm rà của các công ty bảo hiểm khi nhận tiền bảo hiểm. Bà con vẫn rỉ tai nhau về người này, người kia ba bốn năm trước mua bảo hiểm nhưng khi gặp tai nạn thì đi đòi bồi thường rất khó khăn. Tàu cá lại mua qua bán lại nên các chủ tàu mới cũng không thiết mua bảo hiểm.

Tình trạng không mua bảo hiểm tàu cá hiện nay ở Nghệ An là khá phổ biến. Điều đó cũng đặt ra vấn đề quản lý tàu cá. Nếu như các cơ quan liên quan có chính sách ràng buộc kiểm tra chặt chẽ các tàu trước khi ra khơi, yêu cầu xuất trình bảo hiểm thuyền viên và tàu cá mới được ra khơi thì cũng đã hạn chế được tình trạng “trắng” bảo hiểm tàu cá. Đồng thời, các cơ quan bảo hiểm khi bán bảo hiểm cũng cần tư vấn, hướng dẫn cho ngư dân đầy đủ các loại bảo hiểm, thời hạn, điều kiện mua, điều kiện bồi thường để ngư dân cảm thấy “dễ thở” khi tham gia bảo hiểm và đảm bảo quyền lợi của mình khi có sự kiện bảo hiểm xẩy ra.


Bài, ảnh: Châu Lan