Kí ức của người cựu binh về một trận đánh trên đất Lào

23/12/2012 18:04

Đã hơn bốn mươi năm trôi qua nhưng trong kí ức của cựu chiến binh Võ Hưng Đạo (quê ở xã Kim Liên, Nam Đàn) vẫn nhớ mãi về trận đánh được thực hiện vào cuối mùa khô năm 1972 ở nước bạn Lào. Trận đánh diễn ra ở cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xiêng Khoảng...

(Baonghean.vn) - Đã hơn bốn mươi năm trôi qua nhưng trong kí ức của cựu chiến binh Võ Hưng Đạo (quê ở xã Kim Liên, Nam Đàn) vẫn nhớ mãi về trận đánh được thực hiện vào cuối mùa khô năm 1972 ở nước bạn Lào. Trận đánh diễn ra ở cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xiêng Khoảng...

Tôi may mắn được gặp ông tại buổi lễ gặp mặt của các cựu binh Sư đoàn 316 nhân dịp kỉ niệm 68 năm ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và nhân Năm đoàn kết hữu nghị Việt Lào.

Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ kí ức của những ngày ông còn là cậu thanh niên 17 tuổi. Khi ấy, cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của Việt Nam đang trong giai đoạn ác liệt, ở phía bên kia nước bạn Lào, Mỹ cũng đang leo thang bắn phá ác liệt. Trong hoàn cảnh đó, tuy chưa đủ tuổi nhập ngũ nhưng ông đã xung phong ra chiến trận và nhanh chóng được bổ sung vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Nhập ngũ, huấn luyện được hai tháng, ông cùng đồng đội được điều động sang Lào, làm nhiệm vụ đặc biệt.

Lần đầu đặt chân đến nước bạn, người chiến sỹ trẻ hết sức hoang mang bởi không lường được phía trước hiểm nguy là gì. Thế nhưng đến nơi, tận mắt thấy cảnh bom đạn tàn phá hàng ngày ông mới thấy hết sự khắc nghiệt của chiến tranh: " ... Lúc đi đang còn trẻ tôi không biết chiến trường là gì, nhưng qua Lào thấy chiến trường là biết sẽ không có ngày trở về" – ông nhớ lại. Đóng quân tại cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, một trong ba địa bàn chiến lược quan trọng bậc nhất trên chiến trường Đông Dương, nơi Mỹ tham vọng biến đây là căn cứ quân sự lớn nhất của chúng ở Lào nên không thể kể hết được sự khốc liệt. Theo nhiều tài liệu sau này ghi lại: Trong suốt những năm chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, dường như không ngày nào Cánh đồng Chum ngớt tiếng bom đạn Mỹ, không ngày nào không có cảnh chết chóc tang thương. Đặc biệt vào Đông Xuân 1971-1972, Mỹ huy động tới 33 tiểu đoàn bộ binh và pháo binh Thái Lan và lực lượng Vàng Pao, trong đó quân đội Thái Lan là nòng cốt, cùng sự chi viện hoả lực mạnh của không quân, pháo binh, tăng, thiết giáp, nhằm huỷ diệt toàn bộ khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Đây cũng chính là thời điểm mà đơn vị ông đang tập kết ở đó. Hôm ấy nhận được thông tin mật có thể Mỹ sẽ tiến hành một trận đánh bất ngờ nhằm chiếm giữ được chốt 1863 trên dãy núi Phuphaxay nên lệnh của Sư đoàn cho quân tập trung trước. Nhiệm vụ hết sức quan trọng nên quá trình chuẩn bị hết sức bí mật, công sự được chuẩn bị rất chu đáo. Hơn một ngày nằm ròng rã trên chốt thì đến khoảng 10 giờ sáng tiểu đội của ông phát hiện được một đội quân khoảng 100 người đang hùng hổ tiến về phía chốt. Mục tiêu đã gần kề, trước một đội quân hùng mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại nhưng ông và năm anh em khác đang nấp trong chốt hết sức bình tĩnh.

Theo kinh nghiệm của những người đi trước, khi đó các ông được lệnh chỉ bắn bọn binh lính còn phải giữ lại tên chỉ huy bởi đó sẽ là cơ sở lôi kéo được hết quân địch vào tầm ngắn. Và quả thật, dưới sự chỉ đạo của tên cầm đầu, lần lượt từng đoàn quân đi lên, các ông tổ phục trong chốt dương súng bắn. Từng mục tiêu một, mỗi một lần đạn nổ là một lần “bách phát bách trúng”. Mất phương hướng, mất quân, cả đoàn quân đánh thuê của Mỹ rơi vào trạng thái hoảng loạn, rã đám. Đến khi tiêu diệt gần gọn cả tiểu đoàn các ông mới rời cây súng, nhìn nhau không tin được mình đã có một chiến thắng vẻ vang. Chiến thắng đó, sau này được ghi như một chiến tích vẻ vàng của Sư đoàn 316 trong những ngày tham gia chiến đấu ở Lào. Và đó cũng là chiến thắng của lòng quả cảm, mưu trí, góp phần quan trọng làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Lào và làm hạn chế tham vọng chiếm lĩnh ba nước Đông Dương.

Với riêng ông Võ Hưng Đạo, đó là một kỉ niệm đẹp mà đến nay sau gần nửa thế kỉ ông vẫn nhớ như in để hàng năm vào mỗi một dịp gặp mặt Sư đoàn, ông lại có dịp kể lại và nghĩ về một thời thanh niên sôi nổi, không thể nào quên.


Mỹ Hà