Bước đột phá của ngành giáo dục

04/01/2013 20:32

Năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình trường tiểu học mới Việt Nam (VNEN) tại 1.447 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành trên cả nước từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2015. Mô hình VNEN thuộc Dự án GPE-VNEN, được thực hiện bằng nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại của Quỹ Giáo dục toàn cầu. Tại tỉnh ta, mô hình này được triển khai ở 73 trường tiểu học của 20 huyện, thành, thị. Qua 1 học kỳ thí điểm, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, thay đổi lối dạy đọc - chép.

(Baonghean) Năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình trường tiểu học mới Việt Nam (VNEN) tại 1.447 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành trên cả nước từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2015. Mô hình VNEN thuộc Dự án GPE-VNEN, được thực hiện bằng nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại của Quỹ Giáo dục toàn cầu. Tại tỉnh ta, mô hình này được triển khai ở 73 trường tiểu học của 20 huyện, thành, thị. Qua 1 học kỳ thí điểm, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, thay đổi lối dạy đọc - chép.

Đều đặn mỗi ngày, sau tiếng trống báo hiệu giờ vào học, Hội đồng tự quản các lớp của Trường Tiểu học Lê Hồng Sơn (xã Xuân Hòa, Nam Đàn) khởi động tiết học mới bằng một bài hát tập thể hoặc trò chơi, kiểm tra bài cũ và đọc mục tiêu bài học trước khi giáo viên chủ nhiệm vào lớp. Tham gia một tiết học Toán của học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Lê Hồng Sơn, cảm nhận không khí lớp học thật sôi nổi, kiến thức được truyền tải một cách nhẹ nhàng, học sinh thảo luận, đưa ra các cách giải khác nhau có 3 chữ số... Nhiều nhóm, phần thảo luận đến hồi gay cấn đã giơ phao cứu trợ nhờ cô chủ nhiệm can thiệp. Cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết: “Mô hình giáo dục này, học sinh giữ vai trò trung tâm, giáo viên chỉ là người đồng hành giúp các em tự tìm hiểu kiến thức. Với cách học này, tất cả học sinh đều được tham gia phát biểu xây dựng bài, đều phải làm việc tích cực, thay vì thụ động tiếp nhận kiến thức như trước”.



Mô hình Thư viện thiên nhiên ở Trường Tiểu học Nghi Phú 2. Ảnh: K.L.

Điểm mới của mô hình trường học mới là học sinh được sắp xếp chỗ ngồi học theo nhóm (mỗi nhóm 6 - 8 em tùy sĩ số của lớp); phòng học được bố trí giống như phòng học bộ môn, thư viện linh động với đồ dùng dạy học sẵn có và tự làm để khi cần học sinh có thể lấy. “Việc xếp chỗ ngồi học theo nhóm giúp các em hình thành kỹ năng mới thông qua quá trình học tập mang tính hợp tác, thuận tiện hơn khi tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể, từ đó phát huy tính tự lập và khả năng sáng tạo. Giáo viên có thể đến từng học sinh để giải đáp thắc mắc chứ không chỉ đứng trên bục giảng truyền thụ một chiều. Cách trang trí lớp học hết sức thân thiện, tạo hứng thú cho học sinh”, thầy Hoàng Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Sơn khẳng định.

Học sinh là đối tượng trung tâm của quá trình dạy-học, nên Hội đồng tự quản lớp do học sinh tự bầu chọn thay vì cô giáo chủ nhiệm chỉ định như trước đây. Tiêu chí bầu Hội đồng tự quản lớp gồm 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch và 6 thành viên các ban (gồm: học tập, thư viện, đối ngoại, tư vấn, văn nghệ - thể dục thể thao, sức khỏe - vệ sinh) phải là người học giỏi, năng động, tích cực, có khả năng giao tiếp trước đám đông. Với cách bầu chọn trên, lớp sẽ có đội ngũ tự quản uy tín, năng lực để tổ chức các hoạt động tự học, tự giáo dục theo yêu cầu của mô hình trường học mới. Việc để học sinh tự bình bầu hội đồng tự quản dần hình thành cho các em ý thức, trách nhiệm, “dám làm, dám chịu” khi đưa ra một quyết định. Nếu như trước đây Ban cán sự lớp chỉ nghe theo mệnh lệnh của giáo viên chủ nhiệm để điều hành, thì nay Hội đồng tự quản lớp đảm nhiệm toàn bộ các hoạt động, chỉ thật sự cần thiết mới báo cáo giáo viên để được hỗ trợ, giúp đỡ. Em Nguyễn Nữ Hoàng Thục, Chủ tịch Hội đồng tự quản lớp 3C, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP.Vinh) cho biết: “Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng tự quản, con thấy mình nhanh nhẹn hơn, linh hoạt hơn, tự tin hơn trong giao tiếp và biết cách huy động tất cả các thành viên trong nhóm tham gia xây dựng bài”.



Mô hình “Hộp thư vui” ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thành phố Vinh). Ảnh: T.P

Tài liệu dạy học mới có hình thức tài liệu “hướng dẫn học tập” các môn: Tiếng Việt, Toán và Tự nhiên xã hội (các môn khác sẽ học bình thường). Tài liệu này được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên chương trình, nội dung sách giáo khoa hiện hành cũng như chuẩn kiến thức, kỹ năng. Tài liệu được biên soạn lại, mỗi bài có 3 hoạt động: Hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành và hoạt động ứng dụng. Trong các bài học, từng hoạt động sẽ được thiết kế theo nhiều kiểu riêng biệt, tùy theo từng bộ môn, từng bài học như: hoạt động cá nhân, đội, nhóm (từ 3 người trở lên), cả lớp… Cái hay nhất của tài liệu này là được sắp xếp “ba trong một”: Sách giáo khoa, sách giáo viên và sách hướng dẫn học sinh tự học gộp làm một tài liệu chung. Vì vậy, chỉ cần một quyển sách, học sinh có thể tự học, tự làm bài, giáo viên hướng dẫn trên đó và cả phụ huynh cũng có thể sử dụng để hướng dẫn con em mình mà không cần bất cứ một tài liệu hỗ trợ nào khác. Trong thời gian thực hiện dự án, tài liệu này sẽ được phát miễn phí cho tất cả các học sinh. Tài liệu chỉ biên soạn phương pháp dạy - học sao cho hiệu quả, nên giáo viên phải thay đổi tư duy về dạy học trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình. “Thời gian đầu, giáo viên khá vất vả vì trước đây chỉ đứng trên bục giảng, giảng chung cho cả lớp thì nay phải hướng dẫn, kèm cặp theo nhóm, giải thích thắc mắc, băn khoăn cho từng học sinh. Đồng thời, phải sáng tạo trong làm đồ dùng dạy học, đọc nhiều tài liệu... Song càng về sau, khi Hội đồng tự quản của lớp đi vào nền nếp, làm chủ được lớp học, tổ chức bài bản 10 bước của chương trình, thì giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng cho học sinh...”, cô Nguyễn Thị Hường, Tổ trưởng chuyên môn khối 2, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP.Vinh) cho biết.

Về phía phụ huynh từ chỗ ngần ngại thì nay đã dành thời gian, kinh phí cùng giáo viên chủ nhiệm trang trí lớp, góc học tập cho con em mình theo đúng quy định của mô hình trường tiểu học mới, tạo hứng thú học tập cho con em. Anh Vi Khang Chiến (bản Hội 3) có con đang học lớp 2, Trường Tiểu học Châu Hội (Quỳ Châu) cho biết: “Năm học này, nhà trường triển khai dạy học theo mô hình trường tiểu học mới. Bản thân tôi rất ủng hộ. Với cách học này, học sinh, nhất là các em dân tộc thiểu số sẽ được rèn kỹ năng giao tiếp, chủ động, linh hoạt hơn. Từ đầu năm học, phụ huynh trong lớp đã phát
động phong trào làm đồ dùng trưng bày tại góc cộng đồng; cắt dán, trang trí lớp học.”



Học sinh Trường Tiểu học Châu Hội 1 (Quỳ Châu) tham gia trò chơi dân gian.
Ảnh: T.P

Không gian lớp 2A, Trường Tiểu học Châu Hội 1 với các góc: Cộng đồng, Toán, Tiếng Việt, Hộp thư vui... rực rỡ sắc màu. Những chiếc khăn piêu, váy Thái, ví thổ cẩm, đai lưng... do tay mẹ, tay bà tự thêu; những chiếc pí, chiếc khèn, giỏ cá, rìu, rựa... do tay cha tự làm mang đến tặng lớp học đã giáo dục cho các em ý thức, trách nhiệm về lao động sản xuất; giáo dục các em niềm tự hào, ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Còn ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP.Vinh), bước đầu để khắc phục thiếu sách giáo khoa theo mô hình mới, phụ huynh đã bỏ tiền túi phô - tô tài liệu, cùng UBND phường Quán Bàu đầu tư kinh phí mua sắm bàn ghế cho học sinh để thuận lợi với việc học theo nhóm.

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết: “Đây là một mô hình hoàn toàn mới (từ phương pháp giảng dạy đối với giáo viên, cách học của học sinh, tài liệu, phương thức tổ chức lớp học...) nhưng 73 trường tiểu học trực thuộc 20 phòng Giáo dục đều đón nhận mô hình với sự hứng khởi, quyết tâm vào cuộc cao. Để tháo gỡ khó khăn khi bước đầu triển khai mô hình, cuối tháng 7/2012, Bộ GD - ĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn dạy học theo mô hình trường học mới cho các chuyên viên phụ trách công tác tiểu học của các phòng GD-ĐT, giáo viên cốt cán của các trường áp dụng mô hình trường học mới. Về phía Sở GD - ĐT đã chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên theo hướng tự học, tự bồi dưỡng, tự làm đồ dùng dạy học, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp qua sinh hoạt chuyên môn tại tổ, trường và cụm trường. Có thể nói đây là bước đột phá trong tư duy giáo dục...”.

Tuy nhiên, khi triển khai chương trình này, các trường học đã gặp phải không ít khó khăn như: Phải trang bị cơ sở vật chất, bàn ghế đúng chuẩn để có thể tổ chức các hoạt động theo yêu cầu, trong khi trường vẫn còn khó khăn; một bộ phận phụ huynh còn e ngại với lượng kiến thức trong tài liệu sẽ không đủ để con em họ thi vào trường chuyên lớp chọn, nên chưa hỗ trợ hết mình; số học sinh một lớp còn khá đông nên khó thiết kế các hoạt động nhóm đúng yêu cầu...

Đây là một mô hình giáo dục hay, nếu triển khai thành công và nhân ra diện rộng sẽ tạo nên bước đột phá trong sự phát triển toàn diện của học sinh.


Thanh Phúc