Hệ lụy từ việc khai thác vàng sa khoán ở Tương Dương

24/01/2013 17:16

Vì sao sông Lam quanh năm vẩn đục?

Vì sao sông Lam quanh năm vẩn đục?

Đợt rồi lên xã Bình Chuẩn (Con Cuông) công tác, vì đường từ trung tâm huyện lên Bình Chuẩn đang bị dừng thi công do thiếu vốn, chúng tôi phải rẽ lên Khe Bố đi vào xã Nga My sang Bình Chuẩn, qua các xã Yên Na, Yên Hòa, đi dọc theo các con khe Ngân (xã Yên Hòa), khe Puông (Yên Na) hay khe Hội Nguyên... và đã bắt gặp không ít tổ, nhóm và các đối tượng dùng máy Đông Phong (Trung Quốc) có đầu hút khai thác trái phép vàng sa khoáng. Nhìn những dòng suối bị moi móc tận đáy sâu, để lại những lổn nhổn đá cuội, nhìn dòng suối nước vẩn đục đặc quánh bùn chầm chậm chảy đổ ra sông Lam, chúng tôi mới hiểu rõ tại sao dòng sông Lam vốn trong xanh hiền hòa chảy cả ngàn năm nay, cung cấp nước sinh hoạt cho cả hàng triệu người dân xứ Nghệ, nay quanh năm bị vẩn đục.

Mặc dù chính quyền huyện Tương Dương thường xuyên tổ chức các đoàn công tác truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác trái phép vàng sa khoáng, nhưng nạn khai thác trái phép vẫn không giảm, ngược lại càng đuổi càng thêm nhiều? Đuổi chỗ này, họ dạt sang nơi khác tiếp tục khai thác. Một anh bạn công tác ở trên Tương Dương cho biết: Từ chủ trương tận thu vàng sa khoáng của Thủy điện Bản Vẽ và Thủy điện Khe Bố trước đây, trên địa bàn các xã trên có hơn 600 tàu khai thác vàng quanh năm đào xới các lòng khe, nhiều nhất là ở khe Huội Nguyên - một nhánh chính chảy ra sông Lam. Việc cả hàng trăm tàu khai thác vàng ngày đêm liên tục đào khoét, đãi thải ra hàng vạn tấn bùn đất, làm cho dòng sông Lam quanh năm vẫn đục.

Hệ lụy từ khai thác vàng

Việc khai thác vàng thượng nguồn sông Lam ở Tương Dương ngoài làm cho nước sông quanh năm ngầu đỏ, đã thêm các hóa chất thủy ngân dùng để lọc vàng làm cho dòng nước bị ô nhiễm nặng, không thể dùng sinh hoạt được. Nếu như mấy năm trước trên dòng sông Lam có hàng ngàn bè nuôi cá lồng, thì nay gần như không còn. Ngay cả tại huyện Con Cuông, tại làng Tân Hòa, xã Bồng Khê, mấy năm trước có cả trăm nhà làm lồng nuôi cá, nay các lồng bị bỏ không vì cá nuôi không được, nhiều người phải bỏ thuyền, bó lưới đi làm thuê kiếm sống.



Do ảnh hưởng của việc đào đãi vàng ở thượng nguồn, sông Lam đoạn chảy qua Thị trấn Con Cuông quanh năm nước đục ngầu.

Trước đây, vào mùa hè dòng sông Lam là nơi tắm mát, mấy năm nay không ai còn dám tắm vì nước cay và xót. Ngay cả trâu, bò cũng không dám uống nước sông nữa. Rong rêu trên sông là nguồn thực phẩm quý, đặc sản của bà con các dân tộc Thái, cũng bị chết sạch do nước sông bị ô nhiễm. Nguồn cá trên sông cũng bị mất nguồn thức ăn và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Một lão ngư ở thôn Tân Hòa (Bồng Khê, Con Cuông) cho biết: Trước kia bà con ngư dân ở đây thường đánh bắt được nhiều cá. Câu ví “ Biển thu, đao/ Rào rầm, mát” thì nay các loại cá rầm, cá chày, cá bọp, cá nịch… không còn nữa. Nguồn thu được từ vàng không biết có giúp gì nhiều cho nền kinh tế, nhưng việc dòng sông bị hủy hoại, nguồn cá, nguồn nước bị ô nhiễm, bị hủy diệt là một mất mát không thể bù đắp nổi.

Một hệ lụy khác để lại từ việc khai thác vàng sa khoáng là làm cho nhiều thanh niên hư hỏng. Tệ nạn ma túy, rượu chè, cờ bạc cũng ngày thêm nhiều. Tại vùng giáp ranh hai huyện Tương Dương và Con Cuông mấy năm nay tệ nạn thanh niên sử dụng, buôn bán, vận chuyển ma túy phát triển mạnh. Hôm chúng tôi lên tiếp xúc cử tri tại Bình Chuẩn, cử tri đưa ra một con số khiến chúng tôi bất ngờ: nhiều thanh niên vùng Nga My, Xiêng My (Tương Dương) và Bình Chuẩn (Con Cuông) lâm vào nghiện hút mà nguyên nhân do tham gia khai thác vàng, có tiền sinh ra chơi bời hút xách. Ngoài ra, các tệ nạn trộm cắp, gây gổ đánh nhau, rượu chè, cờ bạc… cũng đang làm cho thế hệ trẻ nơi đây bị suy thoái tư tưởng, vi phạm đạo đức và nguy hại hơn là tư tưởng sống gấp, không ước mơ, không hoài bão, các hoạt động Đoàn, Hội, Đội cũng bê trễ, thậm chí mất trắng.

Nếu ai đó có dịp lên Tương Dương công tác, đi dọc các xã Yên Na, Yên Hòa, Yên Thắng, dọc theo khe Huội Nguyên, khe Ngân, khe Puông… trước đây Nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để khai hoang, phục hóa tạo ra nhiều cánh đồng lúa nước, vừa sản xuất ra hàng trăm tấn lương thực, cung cấp cho bà con ăn no giữ rừng, thì nay do khai thác vàng, những ruộng lúa ven khe suối trước đây nay không còn, thay vào đó là những bãi đá ngổn ngang. Nhìn dòng suối vẩn đục quặn mình chảy, không ít người thắt ruột.

Vẫn biết rằng việc khai thác tài nguyên để tăng thêm nguồn thu ngân sách là việc phải làm. Nhưng khai thác phải gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo cho cuộc sống, sinh hoạt của cộng đồng. Còn khai thác theo kiểu “hủy diệt” như trên làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, làm hủy diêt môi trường là điều cấm kỵ. Rất mong các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan chức năng vào cuộc, ngăn chặn ngay việc đào đãi vàng, trả lại dòng sông và dòng nước sinh hoạt cho nhân dân.


Chính Trực