Gạo dự, nếp rồng

24/01/2013 17:33

“Nghệ Yên Thành...” - quê tôi thuần nông, người dân cần mẫn, ruộng nương bốn mùa khoai lúa. Tôi lớn lên từ hạt gạo, củ khoai với dòng sông, cánh đồng, con đường quê nồng nồng mùi rơm rạ... Dẫu xa quê bao năm, tôi vẫn không quên mùi thơm của cơm gạo dự, xôi nếp rồng.

(Baonghean) - “Nghệ Yên Thành...” - quê tôi thuần nông, người dân cần mẫn, ruộng nương bốn mùa khoai lúa. Tôi lớn lên từ hạt gạo, củ khoai với dòng sông, cánh đồng, con đường quê nồng nồng mùi rơm rạ... Dẫu xa quê bao năm, tôi vẫn không quên mùi thơm của cơm gạo dự, xôi nếp rồng.

Gạo lúa dự quê tôi thơm dẻo như gạo tám xoan ở vùng châu thổ sông Hồng. Riêng nếp rồng được trồng nhiều nhất ở xã Hoa Thành – là vùng đất trung tâm của huyện thì còn thơm, rền (mềm và dẻo) ngon hơn cả nếp cái miền Bắc.

Lúa dự thích hợp với những chân ruộng vừa nước, đất ngấu bùn thân cây hóa cứng, màu xanh, gốc tím. Mùa lúa trổ, mùi thơm nồng thoảng trong gió thành hương đồng nội dịu ấm, thân quen. Lúa dự hạt tròn đều, gạo màu trắng trong. Cơm gạo dự để cả ngày vẫn thơm và dẻo. Thời ấy, mẹ tôi dành những chum sành to để đựng lúa dự. Ngày lễ, Tết mới xay lúa lấy gạo để làm cơm cúng, gọi là dâng lên tổ tiên, ông bà hương chất ngũ cốc của hạt ngọc đồng quê.



Thu hoạch nếp làm cốm. Ảnh: A.V(st)

Nếp rồng khi mùa về, lúa đơm bông hạt mẩy nặng trĩu, mỗi hạt lúa thường có một sợi râu. Mùa gặt, những bông lúa dài chín rộm vàng, hơi xoắn lại như những con rồng nhỏ quấn vào nhau tạo thành những thảm vàng óng ả. Nếp rồng có năng suất cao, hạt bám vào cuộng rơm rất chắc, thời gian trục một mẻ nếp phải bằng hai, ba lần một mẻ lúa tẻ. Vào mùa thu hoạch, các bà, các chị thường lựa lại những mẻ lúa non, rang trên chảo vừa lửa, ủ nóng rồi giã làm cốm. Cốm làm xong có màu xanh nhạt, vị ngọt, vừa dẻo, lại vừa thơm. Rang lên một lần nữa thì giòn tan, thơm mát. Chế biến với mật, đường, hương liệu thành bánh cốm hảo hạng. Hương cốm thơm lừng là kí ức tuổi thơ mà chúng tôi mang theo suốt cả cuộc đời. Gạo nếp rồng hạt to đều, có màu trắng ngần dùng làm xôi, làm bánh, làm quà, thơm ngon nổi tiếng. Từ xôi nếp đậu xanh, đến bánh chưng, bánh trôi, bánh mật, chè hạt sen nếp... Đã có một thời gian rất dài, nếp rồng, gạo dự là thứ đặc sản không thể thiếu được của người dân quê tôi vào các dịp lễ, Tết.

Một thời khó khăn, chúng ta thiếu trầm trọng cái ăn, cái mặc. Quê tôi thuần nông đất lúa mà người dân vẫn phải ăn khoai, ăn sắn thay cơm. Đủ lương thực trở thành nhu cầu số một của cuộc sống. Có ai nghĩ rằng: sẽ đến một thời giá một cân gạo ngon bằng hai, ba lần một cân gạo thường. Nông nghiệp quê tôi đã bỏ mất hai giống lúa quý! Cho đến bây giờ gạo dự, nếp rồng chỉ còn lại trong kí ức của thế hệ người xưa...

Đổi mới, hội nhập đã thực sự làm cho đất nước biến đổi kỳ diệu. Từ một quốc gia thiếu lương thực trầm trọng, năm 2012 nước ta đã vươn lên tốp hàng đầu thế giới (vượt Thái Lan, sau Ấn Độ) về xuất khẩu gạo. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm nay đạt trên 7, 6 triệu tấn, với giá trị kim ngạch gần 3,7 tỷ USD. Việt Nam đang trở thành một quốc gia có vị thế quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực thế giới.

Tuy nhiên, trong mạch sống đổi mới, hội nhập của làng quê thời công nghiệp hoá, cùng với đồng ruộng mênh mông, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, người dân vẫn mơ về những giống lúa đặc sản, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường đang mong chờ sự liên kết đầu tư, góp sức của cả “ bốn nhà ”!...

Tết đến Xuân về, nhắc đến gạo dự, nếp rồng như một hoài niệm để nhớ, mà ấp ủ, mà hy vọng về tiềm năng một vùng đất, đến một mùa vàng bội thu gạo thương phẩm chất lượng cao làm giàu cho, quê hương.


Phan Tất (90, Võ Thị Sáu - TP. Vinh)