Rộn ràng nhịp Xuân...

24/01/2013 17:42

(Baonghean) - Năm nay, dẫu kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng những ngày cuối năm nhu cầu mua sắm tăng lên từng ngày. Để có đủ lượng hàng cung ứng thị trường Tết, các làng nghề cũng “tăng tốc” sản xuất ngày đêm. Không khí của Tết vì thế lại càng thêm rộn ràng...

Nhộn nhịp hoa Tết


Trong cái se lạnh những ngày cuối năm, những người dân làm nghề trồng hoa, cây cảnh ở các làng hoa ven thành phố như Trung Mỹ (Hưng Đông), Kim Chi (Nghi Ân), xóm 4 (Nghi Liên)... đang tất bật các công đoạn chăm sóc hoa phục vụ Tết. Ở làng hoa Trung Mỹ (Hưng Đông) nhiều hộ trồng hoa năm nay đã mạnh dạn trồng thử các giống mới: Ly Hà Lan, Tuy-líp, Mi-mo-sa... Anh Trần Ngọc Quyết, chủ hộ trồng hoa làng Trung Mỹ cho biết: “Ngoài các loại hoa truyền thống cúc, thược dược, hồng thì năm nay, gia đình đưa các giống mới vào trồng. Hoa cao cấp, giá cả sẽ cao, được nhiều người ưa chuộng. Để đảm bảo có hoa đẹp phục vụ Tết, từ cuối tháng 9 âm lịch, chúng tôi đã liên hệ các chủ vườn ở Hà Nội, Đà Lạt đặt giống. Vụ hoa Tết này, nhà tôi đã đầu tư hơn chục triệu đồng mua bao ni lông, lưới và thuốc kích thích tăng trưởng và đất phù sa để về đổ nhằm tăng độ phì nhiêu cho đất và đầu tư hơn 45 triệu đồng để mua 3000 củ giống hoa ly về trồng...”.



Người dân Nghi Ân chăm sóc hoa phục vụ Tết.

Tết Nguyên đán được coi là mùa làm ăn của người dân làng hoa. Cách Tết cả tháng trời, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung vào việc trồng, chăm sóc, tạo thế... trăn trở làm sao để có những chậu hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất, kịp bán vào dịp Tết. Trung bình mỗi vụ hoa Tết, nhà ít thì lãi mươi triệu đồng, nhà trồng nhiều có khi lãi cả trăm triệu đồng. Không chỉ trồng hoa, nhiều tư thương trong làng còn tìm ra tạn Hà Nội, Nam Định, Đà Lạt mua cây cảnh, hoa cao cấp cung ứng cho thị trường. Nhiều hộ còn trồng các chậu cảnh nhỏ trang trí nhà cửa như tía tô cảnh, cây sống đời, xương rồng... Đến quãng Rằm tháng Chạp, người dân làng hoa lại tất bật chở hoa vào thành phố tiêu thụ, làm đẹp cho muôn nhà khi Tết đến, Xuân về...

Những ngày này, ở các cửa hàng sách, các siêu thị, chợ đầu mối, các tư thương trên địa bàn tỉnh đã bày bán hoa khô với nhiều chất liệu, kiểu dáng khác nhau, giá cả dao động từ 70.000đ đến cả triệu đồng. Ngoài những chậu hoa, bình hoa được cắm theo phong cách thường thì dịp Tết kiểu cắm theo phong cách “độc” được người mua quan tâm. Hoa được cắm trong các giỏ nhựa hình xe đạp, hình mô tô; những chậu mai, chậu đào, hoa tuy-líp chất liệu cao-su đặc biệt, trông rất mềm mại, màu sắc tươi tắn giống như hoa thật có giá 300.000-1.200.000đ/chậu (tùy mức độ to hay nhỏ). Chị Nguyễn Quỳnh Trâm, chủ cửa hàng hoa khô ki-ốt 26, đình chính chợ Vinh cho biết: “Mới đầu tháng Chạp nhưng đã có rất nhiều người đến mua hoa về trang trí nhà cửa. Công nghệ làm hoa giả được cải tiến với nhiều chất liệu, mẫu mã đẹp đang “hút” khách. Ngoài hoa chậu, các loại hoa dây trang trí lan can, cửa sổ... được nhiều người lựa chọn. Tết này, cửa hàng chúng tôi đã nhập về gần 300 triệu đồng tiền hàng, đã có nhiều đại lý ở các huyện lấy sỉ về bán...”.

Năm nay, chơi hoa voan nghệ thuật đang trở thành “mốt” trong giới trẻ. Gần các cổng trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều ki ốt bán hoa voan. Chủ các ki-ốt bán hoa voan hầu hết là sinh viên, họ nhập nguyên liệu về và tự làm hoa, tự cắm hoa và bán. Những ngày gần Tết, rất nhiều sinh viên trong trường đặt hàng làm quà cho gia đình nên các chủ ki-ốt phải tuyển thêm nhân viên làm bán thời gian.

Rộn rã làng nghề...

Đối với những người con xứ Nghệ xa quê, sau chuyến về Tết thường mang theo quà quê ra biếu bạn bè, đồng nghiệp nhân dịp đầu năm mới. Đó có thể là những hộp nhút Thanh Chương, măng chua Quỳ Châu, chục bánh đa làng Vịnh hoặc những phong kẹo lạc giòn tan làng Đông Nhật (Hưng Châu, Hưng Nguyên). Do đó, càng gần Tết thì các làng nghề càng tấp nập, nhộn nhịp chuẩn bị hàng. Chị Nguyễn Thị Thủy (làng Vịnh, Thanh Chương) cho biết: “Từ đầu tháng 12 âm lịch đã có rất nhiều gia đình đến đặt bánh làm quà cho con cháu về quê ăn Tết. Bánh làm quà nên cũng “đặc biệt” hơn: dày hơn, nhiều vừng hơn, gia vị ngon hơn. Những hộ tráng bánh trong làng đều chuẩn bị hàng trước đó hàng tháng, vì thời gian đó, bánh được nắng sẽ thơm hơn, ngon hơn, cuối năm thời tiết rét, mưa nhiều rất khó có bánh ngon...”. Những chồng bánh đa được cất giữ trong sạp từ tháng Bảy, tháng Tám nay được các bà, các mẹ đem ra, buộc lại theo chục, theo trăm trong lá chuối tươi, dùng vật nặng đè lên để “ép” bánh nhỏ gọn, dễ bỏ vào ba-lô, túi xách mang đi.

Làng kẹo lạc Đông Nhật những ngày này cũng rộn rã tiếng máy cắt kẹo, tiếng đảo mật đều tay, tiếng lách cách giấy bóng kính gói kẹo... Kẹo lạc Hưng Châu cũng được nhiều người lựa chọn làm quà là mang đi xa biếu bạn bè, đồng nghiệp. Cuối năm, để chuẩn bị đủ hàng phục vụ Tết, khi gà gáy canh ba, các gia đình trong làng đã đỏ lò nấu kẹo. Hiện trong tổng số 103 hộ của làng thì có đến 70 hộ theo nghề làm bánh đa, kẹo lạc. Nhiều gia đình đã tạo dựng nên thương hiệu riêng cho mình từ nghề nấu kẹo như kẹo lạc Hồng Phú của gia đình ông Nguyễn Xuân Tùng; kẹo lạc Hà Thịnh... Làng nghề làm kẹo quanh năm nhưng cao điểm nhất là vào quãng tháng Chạp đến tháng Ba âm lịch, đó được coi là “mùa chiến dịch” của làng nghề bởi đây là mùa lễ hội, lượng đơn đặt hàng tăng đột biến. Riêng tháng cuối năm, mỗi ngày trung bình mỗi cơ sở chế biến được từ 2-3 tạ kẹo.

Không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết là chén rượu nếp khai vị. Giáp Tết, làng rượu Nghi Ân tấp nập hơn. Rượu nếp Nghi Ân được nấu theo phương pháp truyền thống, nên dù có nồng độ khá cao (khoảng từ 50 đến 55 độ) vẫn êm dịu, thơm ngon và tuyệt đối không bị nhức đầu… Rượu Nghi Ân đã trở thành “thương hiệu” được nhiều người ưa thích. Nếu ngày thường, các hộ nấu rượu ở Nghi Ân chỉ nấu 1 mẻ rượu và một mẻ cơm thì những ngày Tết, mỗi nhà nấu đến 20-30 kg gạo nếp mới đáp ứng đủ nhu cầu, rượu nấu ra mẻ nào hết mẻ đó. Những người ở xa phải đặt hàng cách đó cả tuần lễ.

Khắp các làng nghề, nơi nào cũng đang tất bật đợi Tết về. Các sản phẩm làng nghề theo những người con xa quê đi khắp nơi trên mọi miền đất nước, nên ngoài việc đưa thương hiệu ngày càng vươn xa, mùa Tết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các làng nghề truyền thống phát triển mạnh hơn, đồng thời cũng giữ lại những nét văn hóa đặc trưng của các vùng quê.


Thanh Phúc