Thiếu tướng Cao Xuân Khuông và những lá thư đi cùng năm tháng

14/12/2012 22:53

(Baonghean) - Một buổi chiều mùa Đông, chúng tôi ghé thăm Thiếu tướng Cao Xuân Khuông (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4) và được ông kể cho nghe những kỷ niệm về cuộc đời binh nghiệp. Nhìn dáng vẻ và nụ cười, chắc hẳn không mấy ai nghĩ ông là một vị tướng từng kinh qua bao trận mạc, có những giờ phút đối mặt với không ít hiểm nguy, sự sống- cái chết chỉ cách nhau gang tấc...

(Baonghean) - Một buổi chiều mùa Đông, chúng tôi ghé thăm Thiếu tướng Cao Xuân Khuông (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4) và được ông kể cho nghe những kỷ niệm về cuộc đời binh nghiệp. Nhìn dáng vẻ và nụ cười, chắc hẳn không mấy ai nghĩ ông là một vị tướng từng kinh qua bao trận mạc, có những giờ phút đối mặt với không ít hiểm nguy, sự sống- cái chết chỉ cách nhau gang tấc...


Ký ức người lính trận


Thiếu tướng Cao Xuân Khuông, sinh năm 1942 tại xã Lĩnh Sơn- Anh Sơn, một vùng quê được xem là nơi ươm mầm những "hạt giống đỏ". Năm 1960, khi vừa tròn 18 tuổi, cũng như biết bao bạn bè cùng thế hệ, Cao Xuân Khuông rời gia đình, mái trường và quê hương lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ non sông. Gần 50 năm cuộc đời binh nghiệp, từ một tân binh đến đến một vị thiếu tướng nắm giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu, dấu chân người lính Cao Xuân Khuông đã in khắp các chiến trường ác liệt. Những trận đánh cân não, một mất một còn với bọn lính phỉ Vàng Pao ở thượng Lào, rồi chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Đường 9- Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào đều có sự góp mặt của người lính đến từ quê hương Lĩnh Sơn, một vùng ở miền Tây quê Nghệ.



Thiếu tướng Cao Xuân Khuông

"Cuộc sống và chiến đấu của thế hệ những người lính như chúng tôi, không thể kể hết những hiểm nguy, gian khổ, có những lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau ở chiếc cò súng. Nhưng bằng niềm tin và nghị lực, với nghĩa tình đồng chí, đồng đội đã giúp chúng tôi có đủ tinh thần và sức mạnh để vượt qua"- Thiếu tướng Cao Xuân Khuông mở đầu dòng tâm sự. Dành gần trọn một buổi chiều trò chuyện, tướng Khuông đã kể chúng tôi nghe biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về tình đồng đội, tình quân dân cũng như tinh thần, ý chí của người lính trong những ngày tháng cả đất nước cùng ra trận, mỗi làng quê là một pháo đài. Ông vẫn còn nhớ như in những ngày chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972), Tiểu đoàn 8 của ông là đơn vị vào vị trí chiến đấu đầu tiên và cũng là đơn vị rút lui cuối cùng. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt và không cân sức, địch tập trung hỏa lực gây cho ta không ít thương vong. Trong đơn vị, có đồng chí Nguyễn Duy Bình (quê Hoài Đức- Hà Nội) bị đạn cối găm vào mắt. Người lính này đã tự tay mình rút mảnh đạn ra khỏi mắt rồi tự băng bó vết thương và quyết định xin cấp trên được tiếp tục ở lại cầm súng chiến đấu. Người lính ấy hiện đang ở Hà Nội và sắp được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong cuộc đối đầu khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị, ngoài việc thường xuyên đối mặt với hiểm nguy từ bom đạn, ông và đồng đội thường xuyên phải chịu cảnh đau ốm và thiếu đói. Dưới những căn hầm lầy thụt, người lính trận vẫn đun nước sôi trong chiếc ăng-gô, bi- đông để nấu cháo rồi chia nhau từng thìa một. Rồi những cánh thư vào từ hậu phương, cuộc chiến quá ác liệt nên có những bức thư đến được đơn vị thì chủ nhân đã hy sinh. Những người đồng đội còn sống phải thường xuyên thay nhau viết thư phúc đáp gửi về với nội dung đồng đội của họ đang bận công tác xa hay đang làm nhiệm vụ bí mật, chưa có thời gian hồi âm. Vì thế, gia đình, hậu phương cứ yên tâm sinh sống và làm ăn sản xuất, chờ ngày chiến thắng người lính ấy sẽ trở về. Sau khi kết thúc chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tiểu đoàn của ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng.


Lần khác, đại đội ông chiến đấu ở vùng rừng núi Quảng Trị, do mải mê truy đuổi địch nên bị mất liên lạc với trung đoàn hơn một tháng. Ông và các đồng đội phải băng rừng tìm đường ra trong cảnh địch thường xuyên vây ráp. Trong một trận chiến đấu giáp lá cà, Đại đội trưởng Cao Xuân Khuông bị thương ở cánh tay và được đồng đội kịp thời cứu chữa. "Phải ăn củ chuối, lá rừng để cầm hơi và chiến đấu, thuốc thang đã cạn kiệt, nhưng tất thảy anh em trong đơn vị đều dốc sức, dốc lòng cứu chữa, quyết không để vết thương của tôi bị nhiễm trùng"- Ông Khuông nhớ lại. Sau đó, đơn vị ông tìm được một ngôi làng của người dân tộc Pa Cô và được đồng bào bao bọc, chở che đến lúc liên lạc được với trung đoàn và trung đoàn cử lực lượng vào giải vây. Tại đây, các anh bộ đội đều được bà con yêu quý, xem như thành viên trong gia đình. Đại đội trưởng Khuông lúc ấy chưa đầy 30 tuổi, dáng vẻ hiền lành, thư sinh nên nhiều cô gái Pa Cô đem lòng thương mến. Có cô gái đẹp nhất làng, đã có chồng và một đứa con đã ghé tai ông nói nhỏ một cách rất đỗi hồn nhiên và chân thành: "Mình thích Khuông lắm, nhưng chồng mình chưa... chết!".

Và những lá thư không tuổi


Thiếu tướng Cao Xuân Khuông chia sẻ: "Nhiều lần, tôi đã khẳng định, cuộc đời mình có hai cái may mắn mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Đó là hơn 15 năm xông pha trận mạc, nhiều lần dấn thân vào "cửa tử" nhưng vẫn sống sót để trở về đoàn tụ với gia đình, quê hương. Thứ nữa, tôi có được một người vợ hiền, chung thủy, giàu đức hy sinh để mình vững tin trước hòn tên, mũi đạn, đặc biệt là trong mỗi giờ phút hiểm nguy".

Vợ tướng Khuông là bà Hoàng Thị Đạm, sinh ra và lớn lên ở đất Lĩnh Sơn- Anh Sơn. Hai ông bà cùng tuổi, cùng làng, lại học chung một lớp và đã cảm mến nhau từ những ngày cùng sánh bước đến trường. Đất nước lâm nguy, học hết cấp 2, người con trai lên đường nhập ngũ, cô gái ở nhà lao động sản xuất rồi gia nhập vào đoàn dân công tải đạn phục vụ cho chiến trường Lào. Dù chưa nói lời ước hẹn, cả hai người đều cùng hướng đến một ngày tính chuyện trăm năm. Một lần, họ đã có cuộc hội ngộ ở xã Nậm Cắn- huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nơi có đường biên của hai nước Việt- Lào. Thời gian đó, người lính trẻ Cao Xuân Khuông vừa hoàn thành huấn luyện tân binh và được điều về Tiểu đoàn 925 đóng ở Kỳ Sơn, có nhiệm vụ tiễu phỉ, duy trì sự ổn định vùng núi rừng biên giới xứ Nghệ. Còn cô gái Hoàng Thị Đạm đang trên đường gùi lương, tải đạn sang bên kia biên giới để phục vụ chiến trường. Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong chốc lát, bởi người lính phải theo kịp đơn vị trên đường tuần tra, cô gái cũng phải theo kịp đoàn dân công ra hỏa tuyến nhưng với cả hai người phút giây ấy đã trở thành vĩnh cửu...


Thời lửa đạn, sợi dây nối kết tình cảm giữa tiền tuyến và hậu phương chính là những cánh thư. Vợ chồng tướng Khuông cũng vậy, những cánh thư đi về chính là động lực, niềm tin và niềm hy vọng giúp họ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ để có được ngày đoàn viên. "Ngay cả trong những ngày chiến đấu ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị, tôi vẫn mong ngóng thư của bà ấy. Thời gian giữa hai trận đánh, tôi tranh thủ ngồi viết thư gửi về. Vì thế, ở nơi gian khổ và ác liệt nhất, tôi vẫn nuôi mầm hy vọng và thấy cuộc đời càng thêm ý nghĩa"- Thiếu tướng Cao Xuân Khuông tâm sự.

Còn người vợ của ông chia sẻ: "Thời đó, tôi ở nhà vừa sản xuất, vừa tham gia trực chiến, lại một nách 4 đứa con thơ nên vất vả, bận rộn lắm. Nhưng hàng đêm, công việc đã xong, các con đã ngủ, tôi đưa thư của ông ấy ra đọc lại và ngồi viết thư hồi âm. Việc viết thư và chờ thư của ông ấy đã giúp tôi quên đi những vất vả, nhọc nhằn...". Điều đáng nói, là đã gần nửa thế kỷ đi qua, những lá thư năm xưa vẫn được ông bà cất giữ cẩn thận. Tướng Khuông đưa cho chúng tôi xem một tập thư dày, có đến hàng trăm lá thư được ông sắp xếp theo thứ tự thời gian, mỗi năm ông lại xếp thành những tập nhỏ và ghi chú bên ngoài cẩn thận. Những lá thư ấy đã ngả màu thời gian, nét chữ vẫn còn rất rõ ràng như tình cảm của hai người luôn nồng nàn, sâu đậm và tươi mới trước dòng chảy của cuộc đời.

Thiếu tướng Cao Xuân Khuông bộc bạch: "Nghỉ hưu thường rảnh rỗi nên thỉnh thoảng tôi lại mở đọc những bức thư cũ để được sống lại những tháng ngày sôi nổi trong chiến hào khói lửa và giá trị của những phút giây chờ đợi trong tình cảm yêu đương và tình nghĩa vợ chồng". Và chúng tôi đã xin phép trích một đoạn trong bức thư ông viết năm 1972, những ngày chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị: "Em Đạm và 2 con nhớ, thương, yêu! Anh mới biên thư cho con và em cách đây nửa tháng, nhân lúc nhận được 2 thư của em gửi em hồi tháng 5+6 của năm trước, để đáp lại mong muốn của em là viết thư nhiều và đều đặn cho em, hôm nay anh lại viết tiếp thư này. Không gì hơn là gửi tới em tất cả nỗi lòng nhớ thương và yêu quý của anh. Mong em luôn khỏe và vượt qua những giây phút nhớ thương... ".


Chứng kiến cảnh vợ chồng Thiếu tướng Cao Xuân Khuông ấm áp, tươi cười và tình tứ bên những lá thư cũ, chúng tôi thực sự "ngộ" ra điều mà người đời thường nói: "Tình yêu đích thực thì không có tuổi". Và chúng tôi gọi đó là những lá thư đi cùng năm tháng...


Công Kiên