Phát triển quyền con người, quyền công dân
(Baonghean) - Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định quyền con người, quyền công dân tại Chương II, từ Điều 15 đến Điều 52 (37 điều), có 5 điều hoàn toàn mới (Điều 16, 21, 44, 45, 46), 30 điều được sửa đổi bổ sung. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(Baonghean) - Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định quyền con người, quyền công dân tại Chương II, từ Điều 15 đến Điều 52 (37 điều), có 5 điều hoàn toàn mới (Điều 16, 21, 44, 45, 46), 30 điều được sửa đổi bổ sung. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Có thể thấy, Hiến pháp Việt Nam năm 1992 đã ghi nhận được hầu hết các quyền căn bản trong các công ước quốc tế về quyền con người. Tuy nhiên, khi xem xét các quy định trong các văn bản luật và các văn bản dưới luật cho thấy, đối với một số quyền, nhất là các quyền chính trị, chúng ta đã coi trọng tính đặc thù hơn là tính phổ quát. Cách thức quy định quyền con người và quyền công dân chưa phù hợp, cụ thể:
- Các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam không được tập trung trong một chương mà nằm rải rác từ Chương I đến Chương V. Sự phân bổ như vậy vừa không hợp lý, vừa gây khó khăn cho việc theo dõi.
- Quy định tại Điều 50 Hiến pháp năm 1992: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” là thiếu chính xác, vì nội hàm quyền con người rộng hơn nội hàm quyền công dân. Những người không phải là công dân Việt Nam cũng có các quyền con người theo các cam kết quốc tế của Việt Nam.
- Một số quyền ghi nhận theo công thức: Công dân có quyền… theo quy định của pháp luật. Đây là cách quy định có thể phát sinh nguy cơ ngăn cản quyền con người, quyền công dân với cái cớ là chưa có quy định pháp luật, hoặc có đưa ra quy định nhưng lại cản trở và hạn chế quyền con người, quyền công dân.
- Có tình trạng một điều luật đồng thời quy định quá nhiều nghĩa vụ cơ bản của công dân (chẳng hạn, từ Điều 77 đến Điều 80), hoặc quy định cả quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (ví dụ: Điều 55 - quyền và nghĩa vụ lao động, Điều 59 - quyền và nghĩa vụ học tập và Điều 61 - quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe và nghĩa vụ thực hiện các quy định về vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng). Quy định như vậy làm cho điều luật vừa nặng nề, vừa không còn chỗ để đưa nghĩa vụ của Nhà nước bảo đảm quyền công dân.
- Có điều luật quy định rất nhiều quyền tự do của con người, của công dân. Chẳng hạn, Điều 69 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Các quyền tự do này của con người, của công dân do tầm quan trọng và ý nghĩa của chúng cần được khẳng định trong những điều luật riêng.
Việc sửa đổi chế định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp nhằm mục đích:
Thứ nhất, Thể hiện rõ vị trí quyền con người trong Hiến pháp.
Thứ hai, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về chế định quyền con người và quyền cơ bản của công dân là nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bất cập trong các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền công dân.
Thứ ba, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về chế định quyền con người và quyền cơ bản của công dân là nhằm ghi nhận, thể hiện quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam - đảng cầm quyền ở Việt Nam về quyền con người, quyền công dân.
Thứ tư, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về chế định quyền con người và quyền cơ bản của công dân là nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người.
Thứ năm, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 về chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo mô hình hiến pháp hiện đại. Càng về sau này, các hiến pháp hiện đại càng thể hiện rõ hơn các yêu cầu về bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Các hiến pháp theo mô hình hiện đại như Hiến pháp Ba Lan, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi... có xu hướng xây dựng chế định về quyền con người, quyền công dân chi tiết hơn so với các hiến pháp thuộc mô hình hiến pháp cũ. Các hiến pháp hiện đại không chỉ tuyên bố quyền mà còn ghi nhận cơ chế, cách thức bảo đảm thực hiện quyền - điều mà các hiến pháp trước đây hầu như không đề cập.
Thứ sáu, bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là hai công ước: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966. Các điều ước quốc tế xác lập những tiêu chuẩn tối thiểu về quyền con người mà các quốc gia thành viên cần “nội luật hóa” ít nhất ở mức ngang bằng. Việc bảo đảm sự tương thích của Hiến pháp với các điều ước quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng về mặt đối nội, đối ngoại. Chế độ xã hội ở Việt Nam là một chế độ xã hội tốt đẹp, tất cả vì con người. Bởi vậy, Việt Nam cần là thành viên có trách nhiệm đầy đủ trước người dân của mình, trước cộng đồng thế giới về thực hiện quyền con người.
Thứ bảy, đưa các quy định về quyền con người đang nằm rải rác trong các chương khác của Hiến pháp năm 1992 về một chương để bảo đảm tính hệ thống, logíc và thuận lợi cho các chủ thể trong việc áp dụng.
Nguyễn Trọng Hải (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An)