Tết yêu thương ở làng trẻ SOS...

04/02/2013 21:50

Những ngày cuối năm, làng trẻ SOS (TP.Vinh) như chộn rộn hơn bởi không khí chuẩn bị Tết. Những đứa con đi học, đi làm ăn xa về làng đón Tết trong vòng tay ấm áp của những bà mẹ, các đoàn từ thiện mang quà Tết đến cho các em nhỏ tại làng; những bà mẹ, bà dì tất bật sửa soạn để các con có cái Tết tinh tươm, bọn trẻ trong làng vệ sinh, dọn dẹp đón năm mới... Một mùa xuân đầy ước vọng, một cái Tết đầy yêu thương, ấm cúng đang đến với các em.

(Baonghean) - Những ngày cuối năm, làng trẻ SOS (TP.Vinh) như chộn rộn hơn bởi không khí chuẩn bị Tết. Những đứa con đi học, đi làm ăn xa về làng đón Tết trong vòng tay ấm áp của những bà mẹ, các đoàn từ thiện mang quà Tết đến cho các em nhỏ tại làng; những bà mẹ, bà dì tất bật sửa soạn để các con có cái Tết tinh tươm, bọn trẻ trong làng vệ sinh, dọn dẹp đón năm mới... Một mùa xuân đầy ước vọng, một cái Tết đầy yêu thương, ấm cúng đang đến với các em.

Mấy ngày nay, mẹ Đinh Thị Nghiệm (nhà số 1, làng SOS) bận luôn tay. Nào muối dưa hành, nào làm tương ớt, rồi đi chợ chuẩn bị thực phẩm khô, mua bánh kẹo, hạt dưa để cả nhà đón Tết. Nhà của mẹ có 10 con, đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi. Năm nay, những đứa con lớn của mẹ, đứa đang là sinh viên, đứa đã đi làm, đứa lập gia đình đều về đón Tết cùng mẹ và các em. Mẹ vui lắm. Thế là các con đều có mặt đông đủ. Mẹ Đinh Thị Nghiệm, cho biết: “Các con là những trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Tết là dịp để sum họp gia đình, các con kém may mắn, không được đoàn tụ với người thân, thật thương cho chúng. Làm sao để chúng có được cảm giác ấm áp, thân thương trong những ngày Tết là điều bất kỳ bà mẹ mẹ nào, bà dì nào trong làng cũng mong. Năm nào cũng vậy, tôi và các con mình đều mua vật liệu về rồi cùng nhau làm bánh, mứt. Năm nay, nhà tôi sẽ làm mứt gừng, mứt dừa để có quà tiếp khách khi gia đình có người đến thăm và chúc Tết.” Năm nay, các con về đông đủ, gia đình sum họp nên chị sẽ gói nhiều bánh chưng, bánh tét hơn, làm nhiều mứt hơn, nấu nhiều tương ớt hơn, để ra Giêng, khi các con đi, mẹ còn có quà gửi cho chúng. Em Nguyễn Thị Liên, con của gia đình số 5, hiện là sinh viên năm nhất Học viện Bưu chính viễn thông, cho biết: “Em mồ côi từ nhỏ, lớn lên trong tình yêu thương, che chở của làng. Ngay khi nhà trường có lịch nghỉ Tết, em vội bắt xe về làng để đón Tết. Trở về, gặp lại mẹ, gặp lại các em, được ăn Tết trong ngôi nhà của mình, trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của mẹ, em rất hạnh phúc....”



Gia đình của mẹ Đinh Thị Nghiệm muối dưa hành

Ngôi nhà của gia đình số 6 mấy ngày nay cũng nhộn nhịp không kém. Bọn trẻ sau giờ đến trường đều tranh thủ trang hoàng lại nhà cửa, vườn tược để đón Xuân. Những dây xúc –xắc do các em tự xếp được treo lên làm mành cửa; những chiếc đèn lồng làm bằng giấy bóng kính đỏ do các em tự dán; rồi những bài thơ Xuân, những tranh vẽ hoa, cỏ của các em đã làm cho ngôi nhà thêm màu sắc. Em Lê Thị Mai Ánh cho biết: “Bố mất, mẹ bỏ đi biệt xứ, em được gửi vào đây từ lúc 6 tuổi, đã là lần thứ 4 em đón tết ở làng. Em thấy vui, ấm áp. Tết bọn em được đón giao thừa, được hái lộc Xuân, được nhận lì xì; được vui văn nghệ... Năm nay, em sẽ tự tay làm và tặng mẹ tấm thiệp với lời nhắn “Con xin gửi đến mẹ lời cảm ơn vì mẹ đã tận tình chăm sóc dạy dỗ con những năm qua, con chúc mẹ dồi dào sức khỏe để tiếp tục nuôi các con nên người”.

Đã thành lệ, từ chiều 28 Tết, tất cả các gia đình trong làng sẽ tổ chức gói bánh tét. Đây là công việc mà tất cả trẻ trong làng đều thích. Trẻ sẽ tự cột dây bánh, rồi quây quần bên bếp lửa hồng, cùng mẹ và anh chị em trong nhà thức luộc bánh, kể tâm tình cùng nhau. Còn với các mẹ, điều mà họ mong chờ nhất là các con ở xa về đông đủ, sum họp gia đình, tạo được không khí ấm cúng, hạnh phúc của ngày xuân. Mẹ Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Đêm giao thừa năm nào cũng vậy, sau khi vui chung ở hội trường làng, mỗi nhà đều tự tổ chức mâm cỗ cùng giao thừa và các trò chơi. Và năm nào, các mẹ cũng tằn tiện thu nhập của mình, mua quà mừng tuổi cho các con. Đứa cuốn sách, đứa tấm áo, đứa cây bút, đứa hộp sáp màu... với mong muốn các con chăm ngoan, học giỏi. Các con tặng mẹ những chiếc khăn len tự đan, những bức tranh tự vẽ cùng những lời chúc cảm động...”. Và đó cũng chính là niềm hạnh phúc lớn lao mà hơn 50 bà mẹ, bà dì trong làng, những người đã cả đời hi sinh vì các con, có những người gắn bó với làng hơn 20 năm nay, thì cũng là 20 cái Tết họ xa gia đình, hi sinh sự đoàn viên với người thân để lo cho niềm vui con trẻ. Bởi các con, các mẹ, các dì ở làng là người thân duy nhất, chỗ dựa vững chãi nhất trong suốt cuộc đời này...

Hiện tại, làng có 20 gia đình với 245 cháu, riêng năm 2012, làng tiếp nhận mới 18 cháu. Để các cháu có cái Tết ấm áp, yêu thương, ban lãnh đạo làng đã có kế hoạch cụ thể, chu đáo. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc làng cho biết: “Các con vốn là những mảnh đời kém may mắn, chúng tôi luôn cố gắng làm sao để các con có cái Tết ấm áp, trọn vẹn, tin yêu. Những ngày vui Tết, đón Xuân cũng chính là những ngày mà các con cần có sự sẻ chia, quan tâm nhiều nhất. Bởi vậy ngoài việc lo cho các con có một cái tết đủ đầy, tươm tất với bánh kẹo, hoa quả, bánh chưng, quất, đào… thì cán bộ, nhân viên của làng còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ để động viên tinh thần các con...”

Từ đầu tháng Chạp, lãnh đạo làng đã lên kế hoạch chuẩn bị cho Tết một cách chu đáo. Lãnh đạo làng phát động phong trào làm báo tường với chủ đề “Mùa xuân dưới mái ấm yêu thương”, làm văn cảm nhận về mẹ và mùa xuân. Đêm giao thừa, tất cả những đứa trẻ nơi đây đều được sum vầy bên mái ấm gia đình trong vòng tay yêu thương của mẹ. Sáng mồng Một Tết, các em được nghe thư chúc mừng năm mới, được phát quà lì-xì đầu năm; được các đội sinh viên tình nguyện tổ chức các trò chơi, giao lưu văn nghệ. Làng đã phát cho mỗi gia đình 1,4 triệu đồng để mua sắm Tết, ngoài ra, làng còn kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để các cháu có cái Tết no đủ.

Chia tay làng trẻ SOS trong lây rây mưa bụi, phía trước mỗi nhà, đào đã khoe sắc thắm, một mùa xuân nữa lại về, từ sự chăm lo, quan tâm của làng, của các mẹ, các dì, các em được đón một cái Tết đầy yêu thương...


Bài, ảnh: Thanh Phúc