Hội nghị toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

08/01/2013 14:54

(Baonghean.vn) - Sáng 8/1, tại Hà Nội, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Sinh Hùng- Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Lê Hồng Anh- Thường trực Ban bí thư, Ủy viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Đinh Thế Huynh - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đồng chí Uông Chu Lưu- Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Điểm cầu Nghệ An do đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.



Đại biểu tham gia tại điểm cầu Nghệ An

Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng năm 1986 đề ra. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là cơ sở để thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, đến nay đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn sâu sắc và phức tạp đòi hỏi Hiến pháp cần phải thay đổi và bổ sung một số điều để Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đáp ứng được một số yêu cầu thực tiễn trong tiến trình phát triển đất nước, đảm bảo híến pháp thực sự là đạo luật cơ bản có tính ổn định, lâu dài.

Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trình bày Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi hiến pháp, Hội nghị đã nghe đồng chí Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo về những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp giảm1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Để đảm bảo tính ổn định lâu dài của Hiến pháp và nâng cao chất lượng kỹ thuật lập hiến, Dự thảo đã có một số thay đổi về mặt kết cấu. Cụ thể như trên cơ sở kế thừa Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1992, Dự thảo lời nói đầu được sửa đổi theo hướng khái quát, cô đọng và súc tích hơn về truyền thống, lịch sử đất nước, dân tộc, lịch sử lập hiến của nước ta, nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, mục tiêu xây dựng đất nước và thể hiện mạnh mẽ hơn ý nguyện của nhân dân ta trong việc ban hành và sửa đổi Hiến pháp.

Các đại biểu dự Hội nghị đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến nhằm thống nhất và làm rõ, cụ thể hơn Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm đảm bảo hiệu quả, thiết thực, dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tránh hình thức.Một số ý kiến cho rằng, để thể hiện đầy đủ chủ quyền nhân dân cần quy định theo hướng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua với đa số tuyệt đối thì phải được trưng cầu ý dân trước khi có hiệu lực. Quy định như vậy nhằm xác lập chủ quyền nhân dân để nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Hiến pháp.

Theo kế hoạch, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố lấy ý kiến nhân dân sẽ được đăng tải trên Báo nhân dân, Trang thông tin điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Cá nhân, cơ quan tổ chức lấy ý kiến đóng góp qua cơ quan hoặc gửi ý kiến đóng góp trực tiếp bằng văn bản đến Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, số 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội. Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo bắt đầu từ ngày 2/1/2013 cho đến hết ngày 31/3/2013.


Thanh Lê