Cựu lãnh đạo Khmer Đỏ khét tiếng Ieng Sary đã chết

14/03/2013 18:39

Cựu lãnh đạo Khmer Đỏ Ieng Sary, một trong những đầu sỏ chịu trách nhiệm cho cuộc diệt chủng hơn 1,7 triệu người Campuchia vào những năm 1970, đã chết. Nhân vật 87 tuổi này chết giữa phiên tòa xét xử các lãnh đạo Khmer Đỏ đã kéo dài hàng năm trời.

Hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn phiên tòa Lars Olsen xác nhận cái chết của Ieng Sary sáng 14-3. Từng là bộ trưởng ngoại giao chế độ Khmer Đỏ, Ieng Sary là một trong những nhân vật được biết đến nhiều nhất của chế độ này trên trường quốc tế. Các chính sách tàn bạo của Khmer Đỏ đã dẫn tới cái chết của 1,7 triệu người Campuchia vì đói, bệnh tật, lao động quá sức và bị xử tử.



Ieng Sary trước tòa - Ảnh: eccc.gov.kh

Ieng Sary thành lập nhà nước Khmer Đỏ ở Campuchia giai đoạn 1975-1979 cùng với Pol Pot, anh rể ông ta. Năm 1996, nhiều năm sau khi chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ và những lãnh đạo trốn vào rừng, Ieng Sary trở thành nhân vật đầu tiên trong giới lãnh đạo cấp cao ra đầu thú, mang theo hàng nghìn binh sĩ.

Động thái này giúp Ieng Sary có được sự tha thứ giới hạn và trở thành một nhân vật trung gian với các lãnh đạo cấp cao khác của Khmer Đỏ. Tuy nhiên, là một thành viên trong ban chấp hành trung ương của Khmer Đỏ, Ieng Sary “đã khuyến khích công khai và nhiều lần, cũng như tạo điều kiện cho những vụ bắt giữ và hành quyết trong bộ ngoại giao của ông ta và khắp Campuchia” - AP dẫn lời Steve Heder, một chuyên gia về tội ác Khmer Đỏ đồng thời đang làm việc cho phiên tòa của Liên Hiệp Quốc.

Biệt danh “đồng chí Van”, Ieng Sary biết đầy đủ về những hành vi tra tấn và thảm sát hàng loạt của Khmer Đỏ, theo Trung tâm Lưu trữ tài liệu Campuchia. “Rõ ràng ông ta là một trong những lãnh đạo nhận được mọi thông tin từ cấp làng trở lên”, giám đốc trung tâm Young Chhang nói với AP.

Ieng Sary bị bắt năm 2007 và bị xét xử cùng với Nuon Chea, Khieu Samphan trong phiên tòa quốc tế với các cáo buộc tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và diệt chủng, từ năm 2011. Vợ Ieng Sary, cựu bộ trưởng xã hội Khmer Đỏ Ieng Thirith, cũng bị truy tố nhưng được tòa phán quyết là không đủ điều kiện ra hầu tòa vì một vấn đề thần kinh, có thể là bệnh Alzheimer.


Theo Tuổi trẻ - ĐT