Phát triển bền vững nghề hương trầm Quỳ Châu

04/02/2013 18:14

(Baonghean) - Tình cờ được phát hiện cách đây hơn nửa thế kỷ và chỉ với mấy hộ làm thử, nhưng như một cơ duyên, sản phẩm hương trầm đã bén rễ và trở thành một nghề với hàng trăm cơ sở sản xuất. Để đến hôm nay, nói đến hương trầm là nói đến Quỳ Châu.

Con trai ông Võ Lê Hải (tên thường gọi là Phó Hải) ở khối 2B, Thị trấn Tân Lạc là một trong những ông “tổ nghề” hương trầm Quỳ Châu kể lại: Gia đình ông là 1 trong 7 hộ dân từ Diễn Châu di dân lên Quỳ Châu định cư. Hương trầm được phát hiện rất tình cờ vào khoảng năm 1960, bố ông trong một lần đốt lửa sưởi ấm đã phát hiện một loại cây gỗ khô phát ra mùi thơm rất cuốn hút. Dần dà, sau khi phát hiện là gỗ cây trầm hương, một loại cây quý, ông và một số gia đình mới chú ý khai thác, dành dụm để ngày Tết cuốn hương biếu tặng bạn bè thắp thử cho đỡ nhớ nhà. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hàng trăm cơ sở sản xuất và mỗi cơ sở có một bí quyết, công thức pha trộn bột hương khác nhau.

Cùng với thời gian, cây trầm hương ngày càng hiếm và đắt nên cùng với việc tìm cây tương tự để thay thế (cây rễ hương), bông trầm ngày nay có thêm thành phần khác. Ngoài tăm hương (còn gọi là chu) được làm từ cây lùng hoặc nứa và rễ hương còn có thêm hoa hồi, bã mía, thảo quả, quế chi....

Theo ông Hải, để cây trầm cháy hết và có vòng tròn đẹp theo quan niệm tâm linh, từ khi chọn chu làm tăm hương phải lựa kỹ càng và kỳ công. Ngay từ tháng 2 âm lịch hàng tháng, khi cây nứa, lùng đang còn lá đuôi én đã phải mua về để ngâm; sau vài tháng vớt lên xử lý, chẻ nhỏ và phơi khô cất đến chính vụ mới làm. Hiện nay, do nguyên liệu ngày càng khan hiếm, con cái đã trưởng thành và chi phí nhân công cao nên ông chỉ làm quy mô ít, mỗi năm từ 30 đến 40 vạn cây để bán và cho tặng.

Ông Vương Đình Sửu, Hội trưởng Hội hương trầm Thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu thì cho biết: Sau khi được công nhận Làng nghề hương trầm vào năm 2009, mỗi năm nghề này mang lại doanh thu trên dưới 15 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông nhàn, thu nhập 150 đến 200 ngàn đồng/người/ngày. Trước đây, cây rễ hương - nguyên liệu chính làm nên hương trầm, có rất nhiều ở rừng Quỳ Châu và chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, do nạn khai thác tận diệt nên cây rễ hương đang cạn kiệt và phải mua từ nơi khác về. Bình quân mỗi năm các làng nghề thị trấn phải bỏ ra hơn 6 tỷ đồng để mua rễ hương, trong đó 70% mua từ các huyện khác.



Vườn cây rễ hương 13 tháng tuổi của ông Hồ Viết Thắng (bản Tân Hương 2, Thị trấn Tân Lạc).

Vì lý do trên, ông Hồ Việt Thắng ở bản Tân Hương 2, Thị trấn Tân Lạc, sau một thời gian sản xuất hương trầm đã quay sang tìm hiểu, sưu tầm cây rễ hương bản địa để nhân giống. Hiện tại, trong vườn của ông có khoảng 1 ha rễ hương có tuổi từ 1 tháng đến 6 tháng và lớn nhất là 13 tháng tuổi. Ông Thắng cho biết: Cây rễ hương rất phù hợp với đất Quỳ Châu, trồng khoảng 2 năm là thu hoạch được, tuổi càng cao thì càng có giá trị. Năng suất bình quân khoảng 16 tấn/ha. Với giá rễ mỗi kg khô 47 ngàn đồng (16 ngàn đồng/kg rễ tươi) thì tiềm năng và giá trị kinh tế của cây rễ hương là rất lớn. Ông Thắng mong muốn Nhà nước sẽ có sự hỗ trợ kịp thời để từ đó hình thành vùng nguyên liệu rễ hương, đảm bảo nguyên liệu sản xuất cho các làng nghề trên địa bàn.

Cũng vì mục tiêu thúc đẩy nghề hương trầm phát triển và nhất là trở thành nhãn hiệu hàng hóa có vùng xuất xứ được bảo hộ, sau khi thành lập Hội sản xuất hương trầm thị trấn, anh Đậu Công Hà, Chủ nhiệm HTX hương trầm Tân Lạc đồng thời là chủ một cơ sở sản xuất hương trầm lớn của thị trấn đã đứng ra vận động các hộ và làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hương trầm Quỳ Châu với Cục Sở hữu trí tuệ. Anh cho biết: Dù có tới hàng trăm cơ sở sản xuất nhưng nhờ công khai địa chỉ, điện thoại các cơ sở sản xuất trên bao bì nên đã bước đầu hình thành sự cạnh tranh khá lành mạnh trong sản xuất sản phẩm, cơ sở nào sản xuất có chất lượng thì tồn tại, thậm chí không bao giờ có hàng tồn; ngược lại, nếu hàng kém chất lượng sẽ bị khách hàng trả lại và rất khó tồn tại. Tuy nhiên, vì kinh phí hạn hẹp và phần đa các hộ sản xuất còn nhỏ lẻ nên khâu quảng bá thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường còn khó khăn. Hiện tại, ngoài thị trường nội tỉnh, hương trầm mới chỉ đến được thị trường Hà Tĩnh và một số nơi ở Hà Nội…

Toàn huyện Quỳ Châu có 7 làng nghề thuộc 5 xã, thị trấn sản xuất hương trầm, trong đó riêng Thị trấn Tân Lạc có 3 làng nghề, 2 làng có nghề sản xuất hương trầm với 98 hộ; bình quân mỗi năm cung cấp hàng triệu cây hương ra thị trường. Để giảm chi phí và giá thành, hiện nay một số cơ sở sản xuất hương trầm lớn đã đầu tư máy móc hiện đại để nghiền trộn bột hương, cắt giấy bản cuốn trầm, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm…

Theo ông Vương Đình Sửu, Hiệp hội hương trầm Tân Lạc thì để làng nghề hương trầm phát triển bền vững, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, một trong những giải pháp lâu dài cho nghề sản xuất hương trầm Quỳ Châu là phải chủ động được “đầu vào” bằng quy hoạch và phát triển được vùng nguyên liệu ổn định, nhất là cây rễ hương và các nguyên liệu phụ khác. Chỉ có như vậy thì hương trầm Quỳ Châu mới phát triển bền vững và khai thác được lợi thế của mình và tạo ra việc làm, nâng cao đời sống người dân.


Nguyễn Hải