Bài cuối: Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

16/01/2013 15:41

Mục đích huy động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục được đưa ra rất rõ ràng, đó là phục vụ cho học sinh, cho chính con em phụ huynh. Do đó, việc xây dựng được niềm tin, sự tin tưởng đối với cha mẹ học sinh là rất quan trọng. Vấn đề quan trọng nhất là việc chi đảm bảo đúng mục đích, phục vụ trực tiếp đến việc học của học sinh để tạo sự tin tưởng đối với cha mẹ học sinh.

> Xem Bài 2: Những khoản chi chưa đúng chỗ!

Mặc dù đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn công tác thu chi trong các trường học, trong đó có qui định cụ thể về việc sử dụng nguồn xã hội hóa. Song qui định đó được thực hiện như thế nào trên thực tế thì chưa có sự giám sát từ ngành.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT thừa nhận: “Công tác thanh tra các khoản thu đầu năm học 2012-2013 chưa thực hiện được. Vả lại, việc thanh, kiểm tra cũng chỉ thực hiện theo xác suất ở một số trường chứ không thể kiểm tra được 100% đơn vị...”. Vậy nên, đi kèm với việc ban hành hướng dẫn, qui định thì cần thiết phải có sự giám sát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, đáng lưu ý là sau thanh, kiểm tra phải có cơ chế xử lý rõ ràng, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, kỷ luật thiếu nghiêm minh, không có tính răn đe.



Một tiết học âm nhạc của học sinh Trường MN Cửa Nam (TP.Vinh).

Năm học 2011-2012, sau một đợt thanh tra đã phát hiện 31 trường thực hiện sai quy định (gồm 8 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 9 trường THCS; 5 trường THPT). Theo đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã yêu cầu các đơn vị vi phạm phải tổ chức hoàn trả các khoản thu không đúng quy định cho học sinh, cha mẹ học sinh; tổ chức kiểm điểm, phê bình đối với Hiệu trưởng các trường có vi phạm; yêu cầu tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phù hợp đối với những đơn vị có sai phạm lớn. Nhưng trên thực tế chỉ có một số ít trường thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định theo kết luận của Giám đốc Sở, còn các đơn vị còn lại đều phớt lờ. Đó là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng lạm thu, lạm chi trong các trường học.

Xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục là nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư cho sự nghiệp “trồng người”. Thế nhưng, qua số liệu huy động xã hội hóa ở các trường học cho thấy, nguồn thu từ xã hội hóa đang “bổ đầu” phụ huynh, “chia đều” cho số học sinh mà chưa huy động được sự chung sức của các nhà hảo tâm hoặc có thì cũng rất hạn chế. Do đó, nhiều phụ huynh có ý kiến nên quay lại việc đóng góp xây dựng như cũ. Nhiều nhà quản lý giáo dục cũng cho rằng, hiện nay, để vận động xã hội hóa, giáo viên và nhà trường hết sức vất vả, không cẩn thận rất dễ “mang tiếng”.

Do đó, nên chăng đưa ra mức sàn đóng góp xây dựng cơ sở vật chất đầu năm học đối với tất cả phụ huynh, đồng thời chú trọng hướng đến đối tượng là doanh nghiệp, nhà hảo tâm và những cha mẹ học sinh có điều kiện để vận động thêm. Ông Thái Khắc Tân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Vinh chia sẻ: “Ý kiến cá nhân tôi cho rằng, tốt nhất là quay trở lại quy định nghĩa vụ đóng góp quỹ xây dựng trường đối với học sinh từng cấp học như trước đây. Nếu không được như thế mà vẫn phải tiếp tục thực hiện vận động theo phương thức xã hội hoá giáo dục thì nên đi theo hai hướng: với cha mẹ học sinh, cần đưa ra một mức sàn huy động đối với từng người; mặt khác mỗi trường có cách làm riêng của mình để vận động, thu hút nguồn lực đầu tư cho nhà trường từ các nhà hảo tâm, từ các lực lượng ngoài cha mẹ học sinh”.

Một điều cần lưu tâm nữa là hiện tại, các nhà trường chỉ chăm vào việc huy động đóng góp bằng tiền mặt, coi nhẹ việc huy động đóng góp ngày công, hiện vật nên chưa thu hút được nguồn lực từ các tổ chức xã hội. Đối với những trường học đứng chân trên địa bàn khó khăn, đời sống của người dân còn thấp thì việc huy động ngày công lao động, đóng góp nguyên vật liệu... sẽ có hiệu quả hơn và được người dân tích cực hưởng ứng.

Được biết, HÐND tỉnh vừa có NQ số 76/NQ-HĐND về xây dựng chương trình hoạt động giám sát năm 2013, trong đó có nội dung giám sát công tác xã hội hóa trong các trường công lập. Bà Tôn Thị Cẩm Hà, Phó Trưởng ban Ban VH-XH, HĐND tỉnh cho biết: “Có thể hoạt động giám sát công tác xã hội hoá giáo dục sẽ được thực hiện trong quý I năm 2013. Trên cơ sở đó, Ban sẽ làm việc với Sở GD&ÐT và các ngành liên quan để có giải pháp chỉ đạo cho năm học 2013-2014, kiên quyết chấn chỉnh tình trạng lạm thu, lạm chi ở các trường học; đồng thời sẽ yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra việc thu, chi của các nhà trường, đảm bảo cuộc vận động xã hội hoá giáo dục đi đúng quỹ đạo, nhằm góp phần cải thiện về cơ sở vật chất học đường, tạo điều kiện tốt hơn cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh”.


Thanh Phúc