Cần có bia dẫn tích tại vùng Bãi Tập

12/03/2013 21:57

(Baonghean) - Bãi Tập là vùng đất bằng hiếm hoi của huyện Quỳ Hợp bao gồm 2 xã Tam Hợp và Đồng Hợp. Cái tên Bãi Tập được hình thành gắn liền với tên tuổi, sự lớn mạnh của nghĩa quân Lam Sơn cách đây gần 600 năm. Theo cuốn “Căn cứ địa Nghệ An trong khởi nghĩa Lam Sơn” của Giáo sư Phan Huy Lê và một số tư liệu sử học khác: Sau 1 năm hòa hoãn với địch, khoảng cuối năm 1423, nghĩa quân Lam Sơn chuyển từ Thanh Hóa sang vùng Bãi Tập, Bãi Dinh (Quỳ Hợp, Nghệ An) để hoạt động. Nghĩa quân Lam Sơn đã đóng quân, luyện tập trong vòng 2 đến 3 năm, đến năm 1426 khi thế lực đã đủ, thì mở rộng địa bàn hoạt động và vùng giải phóng.



Ao voi đầm của nghĩa quân Lam Sơn
tại xóm Dinh, Tam Hợp.

Chính vùng Bãi Tập, Bãi Dinh là địa điểm đầu tiên trên hành trình tiến quân của nghĩa quân Lam Sơn vào Nghệ An nên có ý nghĩa rất lớn về mặt chiến lược. Nhờ thế đứng chân vững chắc này, nghĩa quân Lam Sơn đã làm nên trận “Bồ Đằng sấm vang chớp dật” (nay thuộc địa bàn xã Châu Nga, Quỳ Châu) và “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” (ở Con Cuông) làm bọn giặc kinh hoàng khiếp sợ. Tiếp đó, nghĩa quân mở rộng vùng giải phóng sang Hà Tĩnh và xuống đồng bằng, đánh chiếm vùng Tân Bình - Thuận Hóa, chiếm thành Nghệ An, Tây Đô và cuối cùng là thành Đông Quan, giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của nhà Minh.

Vào những ngày đầu Xuân Quý Tỵ, chúng tôi đã có chuyến khảo sát, điền dã về lại xã Tam Hợp để thăm vùng đất xưa kia nghĩa quân Lam Sơn đã đóng quân. Ông Hoàng Xuân Ngư, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho hay trên địa bàn xã còn có một số ô vuông mà tương truyền là đấu đong (đếm) quân của nghĩa quân Lê Lợi. Tại khu vực xóm Dinh, trước đây, người dân khi cày ruộng còn đào được các binh khí, chiêng trống... thời nghĩa quân Lam Sơn.

Khi biết ý định của chúng tôi về việc tìm lại di tích vùng Bãi Tập trong khởi nghĩa Lam Sơn, nhiều người dân Quỳ Hợp cho biết bản thân đã nghe về nguồn gốc tên gọi Bãi Tập từ lâu qua câu chuyện của ông cha kể lại. Tuy nhiên, khi chúng tôi bày tỏ ý định muốn hiểu thêm các dấu tích trên thì nhiều người, kể cả người quản lý chuyên môn đều bối rối vì chưa có công trình nào ghi lại một cách cụ thể. Có thể nói, từ lâu, Bãi Tập đã là một vùng đất được ghi vào sử sách nên việc chưa được công nhận là di tích lịch sử và chưa có bia dẫn tích để ghi lại là một thiếu sót không nhỏ.



Khu đất dự định đặt bia dẫn tích Bãi Tập.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Cảnh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Quỳ Hợp cho biết: "Hạng mục xây dựng bia dẫn tích Bãi Tập của nghĩa quân Lam Sơn tại xã Tam Hợp đã được huyện đưa vào là một trong những hạng mục đầu tư thuộc Đề án phát triển văn hóa huyện từ nay đến 2015. Tuy vậy, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy một trong những khó khăn trong xây dựng hồ sơ để công nhận di tích hay đơn giản nhất là dựng bia dẫn tích là các dấu tích trên thực địa còn lại rất ít, tư liệu lại chưa cụ thể nên xã và huyện chưa biết bắt đầu từ đâu. Bên cạnh đó, mặc dù đã có kế hoạch đầu tư xây dựng bia dẫn tích khu vực Bãi Tập vài năm nay nhưng do huyện thiếu kinh phí nên chưa làm được. Dự kiến công trình sẽ phải trông chờ từ chương trình mục tiêu và nguồn xã hội hóa"…

Thiết nghĩ, để đáp ứng nguyện vọng thiết tha của người dân trong việc xây dựng bia dẫn tích Bãi Tập của nghĩa quân Lam Sơn, huyện Quỳ Hợp cần lập hồ sơ khảo sát, tổ chức hội thảo mời các chuyên gia cho ý kiến đóng góp để trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án và địa điểm đặt bia dẫn tích cho phù hợp. Đây là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, nêu cao ý thức giữ gìn những di sản, dấu tích mà cha ông để lại cho các tầng lớp nhân dân.


Bài, ảnh: Nguyễn Hải