Tháo gỡ khó khăn trong cơ chế để làm tốt công tác xúc tiến thương mại

28/12/2012 16:30

Năm 2012, chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia được đầu tư gồm 114 đề án với tổng kinh phí 93,08 tỷ đồng đã hỗ trợ cho cộng đồng địa phương, doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, công tác xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều nỗi lo.

(Baonghean) Năm 2012, chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia được đầu tư gồm 114 đề án với tổng kinh phí 93,08 tỷ đồng đã hỗ trợ cho cộng đồng địa phương, doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, công tác xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều nỗi lo.

Kết quả của chương trình đã đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu năm 2012 là 114,6 tỷ USD. Đây cũng là nguồn kinh phí quan trọng giúp các hiệp hội, ngành hàng, các địa phương thực hiện các chương trình hội chợ, triển lãm, quảng bá hàng hóa ở thị trường nước ngoài, ngoài các sản phẩm truyền thống còn có các đặc sản vùng miền. Đồng thời giúp doanh nghiệp đánh giá chính xác nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao.

Đến nay các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia 2012 đã hỗ trợ 4.596 lượt doanh nghiệp tham gia hội chợ với số khách tham quan đạt hơn 980.000 lượt người, tổng giá trị hợp đồng và doanh số đạt gần 1 tỷ USD và 1.228 tỷ đồng. Ngoài việc tạo tiếng vang ở thị trường nước ngoài, quảng bá sản phẩm tiềm năng trong nước, chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia đã hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận được với hàng hóa trong nước, từng bước thay đổi nếp nghĩ và tập quán tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tạo vị thế cho hàng Việt Nam đứng vững và cạnh tranh ở thị trường nội địa. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Võ Văn Quyền cho biết, chuỗi hàng Việt về nông thôn làm sao nắm bắt được nhịp đập của thị trường, người tiêu dùng mua sắm theo kênh nào, thói quen ra sao, người tiêu dùng phản ứng với giá cả thị trường như thế nào để có chiến lược dài hơi.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao thì theo doanh nghiệp cần tháo gỡ một số vướng mắc của Thông tư 88 của Bộ Tài chính về hướng dẫn có Chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn nhiều bất cập về mức hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tham gia hội chợ còn thấp so với chi phí thực tế. Chẳng hạn, Thông tư 88 quy định mức hỗ trợ tối đa không quá 6.000.000 đồng/doanh nghiệp đối với hội chợ triển lãm định hướng xuất khẩu tại Việt Nam, theo tính toán của nhiều doanh nghiệp, mức chi này chỉ đủ để thuê… nửa gian hàng tại các hội chợ tổ chức tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh. Mức hỗ trợ tối đa không quá 700.000 đồng/doanh nghiệp đăng ký và nhận thông tin đối với nội dung thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm theo ngành hàng không khả thi và không phù hợp với thực tế… Một quy định khác trong Thông tư 88 là mức hỗ trợ không quá 40.000.000 đồng/doanh nghiệp tham gia các đoàn “giao dịch thương mại tại nước ngoài” cũng được coi là bất hợp lý.

Dự đoán kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 2,4% trong năm 2013 và có thể đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái trong 2 năm tới do cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, “vách đá tài chính” của Mỹ và “hạ cánh cứng” của nền kinh tế Trung Quốc. Nếu các vấn đề này không được giải quyết thì có thể sản lượng toàn cầu giảm từ 1-3%. Trong khi đó, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều bất ổn, tăng trưởng GDP chậm lại, doanh nghiệp sản xuất đang cầm chừng. Điều này cũng tạo áp lực cho công tác xúc tiến thương mại trong năm 2013. Bộ Công thương đang tăng cường chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại ở nước ngoài hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại bằng hình thức cung cấp thông tin về thị trường, thay đổi cơ chế chính sách nhập khẩu tới doanh nghiệp, hiệp hội để chủ động ứng phó. Một số doanh nghiệp đề nghị, các cơ quan làm xúc tiến thương mại cần nghiên cứu kỹ các mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên để xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm. Bản thân các doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn nữa trong việc quảng bá thương hiệu và tạo giá trị gia tăng cho mặt hàng xuất khẩu. Giám đốc Trung tâm Triển lãm và xúc tiến thương mại quân đội Trần Kim Toản đề xuất, các ngành chức năng hỗ trợ về thông tin thị trường và tháo gỡ chính sách để các doanh nghiệp mở rộng địa bàn hoạt động trong năm tới.

Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia là nguồn kinh phí hỗ trợ quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp với mục tiêu quảng bá và tiêu thụ hàng hóa một cách hiệu quả nhất ở thị trường trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, để mỗi đồng tiền xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao là cả sự nỗ lực của các đơn vị xúc tiến thương mại, địa phương và doanh nghiệp. Trước những khó khăn thách thức của thị trường trong năm 2013, cũng cần có biện pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn trong cơ chế, chính sách để công tác xúc tiến thương mại thực sự tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.


Theo Daibieunhandan-H.V