Nhiều sai phạm trong thực hiện chính sách

29/11/2012 16:44

(Baonghean) - Tân Sơn (Đô Lương) là xã Anh hùng LLVTND. Nhưng tiếc thay trong thực hiện chế độ người có công với cách mạng đã để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng. Các đối tượng vi phạm hiện vẫn chưa được xử lý, gây bức xúc trong nội bộ nhân dân.

Tùy tiện trong thực hiện chế độ người có công

Theo đơn thư của một số công dân, trong mấy năm qua, Tân Sơn bị sa lầy vào những sai phạm trong thực hiện chế độ chính sách đối với người có công. Tìm hiểu thực về vấn đề này, chúng tôi trực tiếp gặp các đối tượng, các nhân chứng và được biết: Năm 1997, cán bộ xã Tân Sơn đã "làm phép" cho 17 đối tượng được hưởng chế độ tuất liệt sỹ đặc biệt, không nơi nương tựa. Trên thực tế ngoài trường hợp bà Đào Thị Lan đúng đối tượng được hưởng, còn lại 16 trường hợp khác hoàn toàn sai quy định. Bởi hiện các đối tượng này vẫn còn con, cháu, trong đó có cả bà Thái Thị Thân (mẹ ông Nguyễn Công Kỉnh) và bà Nguyễn Thị Nhuận (bà nội ông Đào Công Tam) là những người đứng đơn tố cáo việc làm sai trái của xã.

Ví như, trường hợp bà Nguyễn Thị Sâm và bà Nguyễn Thị Hùy đều là vợ liệt sỹ nhưng còn có con cháu phụng dưỡng. Bà Hùy là vợ Liệt sỹ Đào Công Toàn (SN 1940, hy sinh ngày 25/2/1968 tại mặt trận phía Nam) bà có 2 người con, từ lâu bà vẫn ở với vợ chồng người con trai đầu. Năm 2007 con trai mất, bà vẫn ở trong ngôi nhà đó với con dâu là chị Nguyễn Thị Toàn cùng 3 người cháu hiện đã trưởng thành. Còn bà Sâm là vợ Liệt sỹ Trần Đức Lơm (SN 1933, hy sinh ngày 23/10/1973 tại mặt trận phía Nam), bà có 2 người con gái là chị Trần Thị Thúy (SN 1964) và chị Trần Thị Nga (SN 1969), cả 2 đều đã có gia đình, có con. Bà Sâm hiện nay sống cùng người con gái thứ 2. Là vợ liệt sỹ, bà Hùy và bà Sâm được hưởng chế độ tiền tuất là đương nhiên. Nhưng ở đây xã Tân Sơn lại xét, đề nghị Nhà nước giải quyết theo chế độ tuất đặc biệt (cô đơn, không nơi nương tựa, sống một mình). Bà Hùy được hưởng chế độ tuất đặc biệt khó khăn từ tháng 3/2008, bà Sâm được hưởng từ năm 2005...



Bà Nguyễn Thị Hùy hiện sống cùng con dâu

Ngoài những trường hợp nêu trên, xã Tân Sơn cũng đã xác nhận hồ sơ theo kiểu “cảm tình” để cho các đối tượng hưởng chế độ chất độc da cam trái quy định. Như trường hợp Đào Công Bắc (SN 1984) và Đào Công Đạt (SN 1985) ở xóm 4 xã Tân Sơn được hưởng chế độ từ 2004. Bà con lối xóm ai cũng phản đối việc 2 đối tượng này được hưởng chế độ chất độc da cam. Mọi người đều khẳng định: Bắc và Đạt là 2 thanh niên khỏe mạnh, không có hội chứng gì liên quan đến da cam. Đào Công Bắc hiện có vợ và 2 con khỏe mạnh bình thường, nay anh Bắc đang đi làm ăn trong Nam, còn Đào Công Đạt chưa có gia đình. Mở rộng tìm hiểu chúng tôi còn được biết, cùng đợt với 2 đối tượng này còn có 9 trường hợp khác cũng được xét hưởng sai chế độ da cam.

Ngoài xét hưởng sai chế độ chính sách cho đối tượng người có công, lãnh đạo UBND xã Tân Sơn còn tiếp tay cho các đối tượng được hưởng chế độ bảo trợ xã hội vượt mức. Như trường hợp ông Nguyễn Trọng Tùng (SN 1925) và ông Nguyễn Thừa Cung (SN 1921), theo quy định của Nhà nước, người 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì được hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo hệ số 1,0. Nhưng 2 đối tượng nêu trên lại được hưởng chế độ đối với người cao tuổi cô đơn, với hệ số điều chỉnh theo Nghị định 13/2010/NĐ-CP là 1,5, tương đương 270.000 đồng/tháng. Để có mức hưởng đó, trong bản tổng hợp xác nhận đối tượng bảo trợ xã hội của UBND xã Tân Sơn lập ngày 10/10/2010, do ông Đào Công Thìn (cán bộ chính sách) và ông Nguyễn Bá Tân (Phó Chủ tịch, nay là chủ tịch xã) ký, đã kê khai hoàn cảnh của hai đối tượng là "sống một mình". Trong khi hiện nay ông Cung vẫn sống với vợ là bà Nguyễn Thị Tuấn, hai ông bà còn có 4 người con. Còn ông Tùng hiện vẫn sống với vợ là bà Thái Thị Lý. Hai ông bà có chung với nhau 2 người con hiện cùng ở xã Tân Sơn. Ngoài 2 đối tượng này, theo tìm hiểu chúng tôi còn được biết có đến 9 đối tượng khác cũng được xã Tân Sơn chi sai chế độ bảo trợ xã hội theo quy định.

Cấp đất vô nguyên tắc

Cùng với việc xét sai các đối tượng hưởng chế độ chính sách, năm 1996 trong thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận QSD đất nông nghiệp, đất ở cho các hộ gia đình, xã cũng đã để xảy ra sai phạm. Nhiều trường hợp đất cha mẹ, nhưng lại cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho con. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Thân, có thửa đất nguyên thổ thuộc tờ bản đồ số 9, thửa số 267 với diện tích 707m2, trong đó đất ở là 300m2, đất vườn 407m2, tại xóm 4, xã Tân Sơn, nhưng năm 1996 UBND xã đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ số AB 253753 ngày 18/1/2006 cho ông Kỉnh con trai bà. Chính từ sai sót này đã tạo nên kẽ hở để ông Kỉnh viện cớ cho rằng mẹ ông từ trước tới nay chưa có đất ở và từ đó liên tục viết đơn đòi cấp đất.



Hồ sơ đề nghị điều chỉnh trợ cấp tuất đặc biệt sai quy định
do ông Nguyễn Bá Tân - Phó Chủ tịch xã ký

Tương tự với trường hợp trên, trước năm 1960, bà Nguyễn Thị Nhuận đã có đất thổ cư, ở xóm 3 (Tân Sơn) với diện tích 563m2 nhưng đã cho con dâu thứ 2 là bà Nguyễn Thị Tân đứng chủ. Năm 1980, bà Nhuận lại được UBND xã Tân Sơn cấp đất theo chế độ chính sách, với diện tích 639m2 tại xóm 2 và sau đó bà để lại cho con trai trưởng là Đào Công Nhuận đứng chủ.

Rõ ràng bà Thân và bà Nhuận đã có đất ở, nhưng xã Tân Sơn đã làm sai quy định, tiếp tục xét cấp đất một cách vô điều kiện, không chỉ một lần mà có người đến 2 lần, vào các năm 2006 và 2009. Và việc xét cấp đất chỉ được dừng lại khi UBND huyện Đô Lương phát hiện làm sai quy trình.

Các đối tượng vi phạm vẫn chưa bị xử lý

Bức xúc trước những sai phạm trong thực hiện xét chi trả chế độ cho các đối tượng chính sách trên địa bàn, một số người dân đã có đơn thư khiếu kiện buộc xã rà soát, cắt giảm. Hiện 17 trường hợp hưởng tuất đặc biệt đã được xã điều chỉnh mức hưởng từ 240.000 đồng/tháng xuống còn 72.000 đồng/tháng. Ngày 1/4/2011, LĐ TB & XH đã có quyết định thôi trả trợ cấp 11 đối tượng hưởng sai chế độ chất độc da cam, trong đó có anh Bắc và anh Đạt. Trước áp lực của dư luận nhân dân nên tháng 2/2012, UBND xã phải đề nghị phòng Lao độngLĐ - TB&XH hạ mức hưởng bảo trợ xã hội của 2 ông Nguyễn Trọng Tùng và Nguyễn Thừa Cung...

Có thể thấy, trong giải quyết chế độ chính sách, xã Tân Sơn đã không dựa trên các điều khoản quy định của Nhà nước mà chỉ làm theo cảm tính tắc trách nên đã gây ra sai phạm nghiêm trọng. Như vậy, lãnh đạo UBND xã Tân Sơn đã vi phạm Điều 43, Pháp lệnh người có công. Đó là “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chứng nhận sai sự thật để các đối tượng hưởng sai chế độ, gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước” và vi phạm Luật Công chức về những điều cán bộ, công chức không được làm. Sai phạm này không chỉ bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại do hành vi làm trái gây ra mà phải xử lý kỷ luật. Đặc biệt, các ông này còn vi phạm những điều đảng viên không được làm. Nhưng hiện tại các ông: Nguyễn Bá Tân, Nguyên Phó chủ tịch xã (nay Chủ tịch) và Đào Công Thìn, cán bộ chính sách, là các cán bộ đã ký giấy xác nhận để các đối tượng hưởng sai chế độ nhà nước vẫn chưa bị xử lý.

Dư luận cũng đặt câu hỏi có phải cấp ủy chính quyền đã dung túng cho các ông “quan” này?

Theo Pháp lệnh người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005, tại Điều 43 quy định: Người chứng nhận sai sự thật hoặc làm giả giấy tờ cho người khác, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 54/2006/NĐ- CP, tại Chương III, Khoản 3,4,5 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nêu rõ: Đối với người chứng nhận sai sự thật thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với người làm giả giấy tờ cho người khác để được hưởng chế độ ưu đãi người có công hoặc thân nhân người có công thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với người lợi dụng chức vụ và quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và quyền lợi của người có công theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 của Pháp lệnh thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.


Nhóm PV