Hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản

28/12/2012 20:51

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS). Mưa, gió, bão lũ thường xuyên xảy ra đã làm thay đổi mùa vụ, hình thức nuôi và suy giảm hệ sinh thái, làm hư hỏng, xuống cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng.

(Baonghean) - Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS). Mưa, gió, bão lũ thường xuyên xảy ra đã làm thay đổi mùa vụ, hình thức nuôi và suy giảm hệ sinh thái, làm hư hỏng, xuống cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Nghệ An là địa phương chịu ảnh hưởng tương đối lớn của quá trình biến đổi khí hậu, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nghề nuôi trồng thủy sản. Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 4 năm tính từ năm 2008 lại đây, Nghệ An phải hứng chịu các đợt thiên tai, bão lụt, rét đậm, rét hại nghiêm trọng làm trên 20 ngàn ha đầm phá, ao hồ, diện tích NTTS các loại, hàng chục lồng ven biển bị thiệt hại tương đương trên 129 tỷ đồng. Bão lớn còn tàn phá hệ thống đê bao của các ao nuôi, hệ thống nhà xưởng, các trạm, trại sản xuất giống; tác động xấu, làm mất cân bằng hệ sinh thái của vùng nuôi…



Rừng ngập mặn ở Quỳnh Lưu.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh đã xây dựng “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015 có tính đến năm 2020”, quy hoạch phát triển và khai thác thủy sản đến 2020; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao ảnh hưởng tới diện tích, năng suất, sản lượng cũng như hoạt động NTTS; xây dựng quy hoạch hợp lý các vùng nuôi, diện tích nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi và mùa vụ nuôi phù hợp với diễn biến thời tiết, khí hậu và thực tế của địa phương.

Song song với tập trung chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức nuôi, tỉnh tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ NTTS đồng bộ, khép kín như: Tôn cao bờ vùng, bờ hồ ao bảo vệ vật nuôi phòng khi có mưa lớn, ngập lụt; nâng cấp hệ thống điện phục vụ sản xuất, trạm bơm điện cấp nước, hệ thống kênh cấp nước và kênh thoát nước, ao lắng, ao xử lý nước thải, hệ thống giao thông phục vụ sản xuất; đầu tư và nâng cấp hệ thống giao thông, hạ tầng vùng nuôi để chủ động trong việc sơ tán khi có nước lớn; tiếp tục coi khâu giống là mũi đột phá trong quá trình phát triển; xây dựng cơ sở sản xuất và dịch vụ con giống nhằm chủ động nguồn giống tốt để đảm bảo mùa vụ sản xuất theo chỉ đạo, đảm bảo chất lượng con giống, phòng tránh dịch bệnh.

Thu hút ứng dụng KHCN, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sinh sản các loại thủy sản có giá trị kinh tế; chọn tạo những giống nuôi mới, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa có khả năng kháng bệnh và thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung như nhiệt độ cao, độ mặn cao,… Thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thông tin, nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu và hành động giảm thiểu, thích ứng cho cộng đồng ngư dân và các cán bộ quản lý thủy sản các cấp tỉnh, huyện, xã và cán bộ các chi hội nghề cá cơ sở; nghiên cứu chính sách hỗ trợ, phát triển và bảo hiểm ngành nghề thủy sản trong điều kiện biến đổi khí hậu; đẩy mạnh áp dụng GAP trong nuôi trồng thủy sản… Áp dụng đồng quản lý trên cơ sở cộng đồng trong nghề cá thông qua củng cố hoạt động của các chi hội nghề cá cấp cộng đồng để tiến tới áp dụng quản lý dựa trên hệ sinh thái và quản lý thích ứng; xây dựng hệ thống chính sách, lồng ghép biến đổi khí hậu với các chương trình, dự án, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của nghề cá của tỉnh; phát triển và tăng cường năng lực quản lý nhà nước về NTTS ở cấp địa phương.


Trần Trung Thành (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)