Người dân bảo vệ hạ tầng giao thông

17/03/2013 16:27

Trong vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 8/3, hai xe khách đâm vào nhau trên Quốc lộ 1A, đoạn qua Thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa làm 12 người chết, hàng chục người bị thương, cơ quan chức năng hiện đang xem xét kỹ một yếu tố quan trọng: Vệt bùn trên mặt đường khu vực hiện trường vụ tai nạn có làm các xe khách bị trơn, trượt, mất điều khiển và đâm vào nhau? Vệt bùn này đã được xác định là từ một chiếc xe tải làm rơi rớt xuống mặt đường trước đó.

(Baonghean) - Trong vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 8/3, hai xe khách đâm vào nhau trên Quốc lộ 1A, đoạn qua Thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa làm 12 người chết, hàng chục người bị thương, cơ quan chức năng hiện đang xem xét kỹ một yếu tố quan trọng: Vệt bùn trên mặt đường khu vực hiện trường vụ tai nạn có làm các xe khách bị trơn, trượt, mất điều khiển và đâm vào nhau? Vệt bùn này đã được xác định là từ một chiếc xe tải làm rơi rớt xuống mặt đường trước đó.

Nếu kết luận điều tra khẳng định nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn thảm khốc trên chính là từ vệt bùn bã mía này, thì người lái chiếc xe tải trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP, và Nghị định 71/2012/NĐ-CP, hành vi “làm rơi, vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển” là một trong những hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mặt khác, theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.

Từ ví dụ trên có thể nhận thấy, ý thức bảo vệ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của người dân, người tham gia giao thông có tác động lớn đến bảo đảm an toàn giao thông. Thực tế trên nhiều tuyến đường, việc người dân chiếm dụng lòng, lề đường để tập kết vật liệu xây dựng, tổ chức hiếu, hỷ, xả rác, phơi rơm rạ, sản phẩm nông nghiệp bừa bãi... là nguyên nhân gián tiếp gây ra TNGT. Thậm chí, các thiết bị bảo đảm an toàn của các công trình giao thông như cột mốc, thanh chắn, biển báo, gương lồi ở một số tuyến đường bị người dân thiếu ý thức phá hỏng, lấy cắp. Đặc biệt, khi vận chuyển rác thải, vật liệu xây dựng, xăng, dầu, nhớt, nhiều chủ xe, lái xe không tuân thủ quy định, để rơi rớt trên mặt đường, tạo nên những “điểm đen” rất nguy hiểm. Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân khách quan, lực lượng CSGT, thanh tra giao thông chưa kiểm soát hết được những vụ việc, hành vi này để có biện pháp xử lý kịp thời, dẫn đến xảy ra TNGT.

Hiện nay, hệ thống luật pháp và hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi trên đã được xây dựng, ban hành và quy định đầy đủ; nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là đưa những điều luật đó vào thực tế giao thông đường bộ hiện nay. Việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ cơ sở hạ tầng giao thông cho người dân phải đi kèm với biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật những hành vi xâm phạm cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Những vụ việc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng phải được xét xử nghiêm minh, có tính răn đe và làm bài học kinh nghiệm chung cho toàn xã hội. Đồng thời, phát động phong trào người dân tự nguyện tham gia bảo vệ an toàn cho các công trình cơ sở hạ tầng giao thông. Khi phát hiện có sự cố trên đường có khả năng dẫn đến TNGT, người dân cần kịp thời cắm biển cảnh báo, tổ chức hướng dẫn giao thông và thông báo cho cơ quan chức năng xử lý. Đó là những việc làm thiết thực và hiệu quả để ngăn ngừa những vụ TNGT thảm khốc, hoàn toàn có thể triển khai được ngay.


Hoài Quân