“An Đen” - Cậu bé vàng trong làng võ thuật

17/03/2013 16:19

(Baonghean) - Năm 2003, những người tuyển sinh tại Trung tâm Đào tạo huấn luyện thể thao Nghệ An đều ái ngại trước cậu bé có dáng người nhỏ thó, sinh năm 1987 đến xin dự tuyển môn võ thuật. Nhưng 3 năm sau, cậu đã trở thành “Cậu bé vàng” trong làng võ thuật.

Khi tiếng chuông báo hiệu giờ tập đã kết thúc, trong bộ trang phục võ thuật, mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt, tuyển thủ quốc gia Boxing Nguyễn Văn An bước ra từ sàn tập. Tôi ấn tượng với đôi mắt đen, sâu đầy cương nghị, nhưng hơi ngạc nhiên về thể hình của “cậu bé vàng” này. Hình như đoán được ý nghĩ của tôi, An cười nhỏ nhẹ: “Trước đây em còn nhỏ hơn bây giờ nữa”

Là con út trong một gia đình nông dân nghèo có 4 anh em ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn. Nhà An dưới chân rú Đụn có đền thờ Vua Mai Hắc Đế. Thuở nhỏ, những chuyện kể về vị Vua Đen phất cờ làm nên cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, chống lại ách xâm lược nhà Đường đã hun đúc trong lòng cậu bé An tinh thần thượng võ. Từ đó, mơ ước sau này được đi theo con đường võ thuật, ra tay trừ gian diệt ác giúp dân lành đã hình thành trong cậu bé.

Trong những buổi chăn trâu, những người làng thường hay dạy cho cậu những thế vật cổ truyền. Một hôm, do mải học vật mà quên giờ dắt trâu về, ông bố đã cho cậu một trận đòn và cấm tiệt việc học vật.

Mặc dù bố ngăn cản nhưng cậu bé Nguyễn Văn An vẫn nuôi ước mơ của mình lớn lên theo ngày tháng. Khi biết tin tại Thành phố Vinh tuyển vận động viên võ thuật, cậu đã trốn nhà tìm xuống dự tuyển. Các thành viên xét tuyển đã từ chối, nhưng huấn luyện viên Bùi Duy Vinh – sư phụ của cậu sau này, đã đồng ý cho An được vào tập luyện, bởi người thầy này đã thấy được ở cậu bé quyết tâm sắt đá, một yếu tố không thể thiếu của võ thuật.

Không phụ lòng tin tưởng của thầy, An hăng say tập luyện. Sau 2 năm tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Nghệ An, năm 2005 Nguyễn Văn An được gọi vào đội tuyển tỉnh tham dự giải vô địch trẻ toàn quốc để thi đấu. Ngay lần “trình làng” này, An đã đem về Huy chương Đồng toàn quốc.

Năm 2006, An tiếp tục đạt thêm 3 Huy chương Vàng ở các giải: Trẻ toàn quốc, Cúp toàn quốc, Đại hội thể dục thể thao toàn quốc... Trong năm đó, Nguyễn Văn An được vinh dự gọi vào đội tuyển Boxing quốc gia Việt Nam, tham dự giải Boxing trẻ châu Á. Ở giải đấu đó, đội Việt Nam có 14 võ sĩ tham dự ở các hạng cân, nhưng đều bị loại hết ở vòng ngoài. Riêng chàng trai người Nghệ “thấp bé nhẹ cân” đã đi một mạch vào đến trận chung kết và kỳ đó Nguyễn Văn An đoạt Huy chương Vàng châu Á hạng 48kg. An nhớ lại “Khi lá Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên, nước mắt em đã trào tuôn trong tiếng Quốc ca rộn rã”. Liên tiếp nhiều năm sau đó tại các giải đấu trong nước, Huy chương Vàng toàn quốc hạng cân 48 kg chỉ duy nhất dành cho võ sỹ Nguyễn Văn An.



Nguyễn Văn An (áo đỏ) tại giải Vô địch châu Á

Đến nay, dù mới 26 tuổi nhưng bộ sưu tập huy chương các loại của An đã có 14 huy chương, trong đó 7 Huy chương Vàng, 4 Bạc, 3 Đồng.

Huấn luyện viên trưởng bộ môn võ thuật Bùi Duy Vinh cho biết: “Những năm qua, võ thuật là bộ môn đem về nhiều huy chương nhất cho thể thao Nghệ An. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Nguyễn Văn An”

Nhận xét về đồ đệ của mình ông Vinh nói: “Trong thi đấu, An rất có tư duy chiến thuật. Trong tập luyện và sinh hoạt, cậu ta là người rất chuyên nghiệp. Đặc biệt là ý chí”.

Tôi hỏi An: “Đã bao giờ do tập luyện gian khổ mà ý nghĩ bỏ cuộc đến với em chưa?”. An nói: “Có chứ, đó là những tháng ép cân chuẩn bị thi đấu. Trời hè 40 độ nhưng bọn em phải mặc áo mưa, tập luyện dưới trời nắng, mỗi bữa chỉ được ăn nửa bát cơm, hạn chế uống nước. Duy trì chế độ như vậy trong 3 tháng ròng rã để cơ thể giảm bớt 6kg trọng lượng. Những cơn đói hiện về cả trong giấc mơ, chỉ luôn mơ thấy được về nhà ăn cơm thỏa thích”.

“Đã bao giờ em thấy ân hận khi đã chọn con đường này cho mình chưa”?. Không chút đắn đo, suy nghĩ: “Võ thuật đã cho em nhiều thứ, trừ tiền bạc. Nhưng cái được lớn nhất mà em có hiện nay là suy nghĩ, là tinh thần thượng võ”. “Ngày xưa, em nghĩ rằng khi có võ thuật rồi sẽ dùng sức mạnh để trừng trị kẻ ác, dẹp bất công. Nhưng từ khi thành võ sỹ chuyên nghiệp, em luôn làm theo lời của sư phụ đã dạy: Người có võ không được đánh người không có võ, yếu hơn mình. Chỉ được dùng đạo để cảm hóa những kẻ ngang tàng”

Đưa tay chỉ vào vết sẹo nhỏ nơi mắt, An kể: “Một lần, do hiểu lầm nên có ba người đấm em chảy máu. Em không đánh lại nhưng em gỡ viên gạch lát nền lên, rồi đấm thẳng vào viên gạch. Viên gạch vỡ tan tành, cả ba người kia bỏ đi hết”.

Hiện tại, Nguyễn Văn An đang học Đại học sư phạm thể dục năm thứ 3 tại Trường Đại học Vinh. Khi hỏi An về dự định tương lai khi không còn thi đấu ở đỉnh cao nữa, An trầm ngâm nói: “Con đường võ thuật rất chông gai, nghiệt ngã, chỉ có ai yêu nó mới đi đến được thành công. Có rất nhiều em có tố chất võ thuật rất tốt, nhưng khi so sánh sự chênh lệch về lương, chế độ đối với các bộ môn khác như bóng đá nên đã bỏ cuộc giữa chừng”.

Tôi đọc được trong đôi mắt võ sỹ này sự thông cảm cho những người bỏ cuộc. Bởi bản thân An, Kiện tướng quốc gia nhưng hiện nay trừ tiền ăn, chỉ được hưởng 2 triệu 400 ngàn đồng tiền phụ cấp mỗi tháng.

“Năm nay em 26 tuổi, đã tròn 10 năm theo nghiệp võ, có thể thi đấu được vài năm nữa mà thôi. Chỉ mong sao khi tốt nghiệp xong đại học, kiếm được việc làm rồi tính chuyện vợ con”.

Tại giải Kik Boxing toàn quốc năm 2013 tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk, Võ sỹ Nguyễn Văn An đã toàn thắng một mạch vào đến trận chung kết, phải gặp sư đệ của mình. Ở trận tranh huy chương toàn Nghệ An đó, võ sĩ An chỉ nhận được Huy chương Bạc, còn sư đệ của mình nhận Huy chương Vàng. Sau trận đấu, An đã bước đến cúi đầu trước huấn luyện viên của mình: “Con xin lỗi sư phụ”.

Các đồng môn của Nguyễn Văn An đều cho rằng An xin lỗi thầy về sự thiếu trung thực trong trận đó. Nhưng đó là sự thiếu trung thực thượng võ đáng kính trọng!


Thế Sơn