Ấm tình Quảng Trị

18/04/2013 14:22

Đã 45 năm trôi qua, kể từ năm 1968 huyện Tân Kỳ vinh dự đón tiếp, đùm bọc 20.000 đồng bào từ các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) ra sơ tán. 45 năm, thời gian có thể xoá đi dấu tích của vạn vật, nhưng tình cảm thiêng liêng, sắt son giữa đồng bào Quảng Trị và nhân dân Tân Kỳ mãi đi cùng năm tháng…

(Baonghean) - Đã 45 năm trôi qua, kể từ năm 1968 huyện Tân Kỳ vinh dự đón tiếp, đùm bọc 20.000 đồng bào từ các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) ra sơ tán. 45 năm, thời gian có thể xoá đi dấu tích của vạn vật, nhưng tình cảm thiêng liêng, sắt son giữa đồng bào Quảng Trị và nhân dân Tân Kỳ mãi đi cùng năm tháng…

Một buổi chiều chớm nắng đầu tháng 4, chúng tôi về xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ - nơi đón nhận Trường cấp III Vĩnh Linh (K8) và đồng bào Vĩnh Thuỷ (K10) năm 1968. Trong ngôi nhà nhỏ của nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Nghĩa Hoàn giai đoạn (1969 -1975), ông Phạm Xuân Hồng, năm nay 76 tuổi, vẫn còn nhớ như in những ngày tháng làm công tác chuẩn bị đón tiếp và cùng ăn, ở với đồng bào Vĩnh Linh tiếp thu chủ trương của Trung ương về việc di dời dân để làm sạch địa bàn chiến lược.

Khi đó, tất cả các xã của Tân Kỳ đều đón nhận đồng bào Vĩnh Linh về ở trong nhà. Riêng xã Nghĩa Hoàn đón nhận đồng bào xã Vĩnh Thuỷ, Trường cấp III Vĩnh Linh, Trường Sư phạm Vĩnh Linh và Bệnh viện K10, với khoảng xấp xỉ 10.000 dân định cư tại xã Nghĩa Hoàn. Lúc đó xã có phương châm “1 hộ + 1 hộ”, hộ nào nhà cửa rộng lớn thì đón nhận 2 hộ đồng bào Vĩnh Linh. Trong điều kiện chiến tranh gian nan, túng thiếu, đói khổ đủ bề, nhân dân xã Nghĩa Hoàn vẫn đón tiếp đồng bào Vĩnh Linh với tình cảm chân thành, nồng hậu như những người thân trong gia đình. Gia đình ông Hồng thời đó cũng tiếp nhận 3 hộ, gồm: hộ bà Xiếc, bà Vân, bà Thận (mỗi hộ 2 người). Ngoài ra, những hộ nào mới đến chưa có nơi ở thì đều ở nhà ông Hồng. Trong ngôi nhà tranh 3 gian nhỏ hẹp đầy ắp tình cảm no đói có nhau, đùm bọc lẫn nhau.

Ông Phạm Xuân Hồng nhớ nhất là ngày 28 Tết năm 1968, xã Nghĩa Hoàn chuẩn bị đón tiếp một đoàn dân từ Quảng Trị ra. Bà con đang chuẩn bị đón Tết nhưng gác tất cả lại để đón tiếp đồng bào Vĩnh Linh. Nắm bắt tâm lý truyền thống thờ cúng gia tiên của người Việt trong dịp Tết, xã yêu cầu những gia đình có bà con Vĩnh Linh ở, đều phải chuẩn bị thêm một bàn thờ, (ngoài bàn thờ của gia đình) để người Vĩnh Linh thắp hương. “Có một bà mẹ vừa xuống xe, ngồi khóc, vì các con của mẹ đã hy sinh, giờ ra đây xa xứ không biết thờ cúng ở đâu”. Và bà đã rất xúc động trước sự chuẩn bị chu đáo của người dân Nghĩa Hoàn – Tân Kỳ. Chính sự sẻ chia sâu sắc, sự đùm bọc, cưu mang của người dân địa phương, khiến đồng bào Vĩnh Linh cảm động, tin tưởng, cùng ở với bà con, củ sắn chia đôi, bát cơm sẻ nửa, trong đạn bom khốc liệt, tình cảm sắt son càng thêm mật thiết. Gần 3 tháng lưu trú trong nhà dân, sau đó xã Nghĩa Hoàn chia đất để đồng bào thành lập các xóm làng mới theo địa danh nơi quê cũ. Đồng thời chia cả địa bàn sản xuất để đồng bào khai hoang, lập nghiệp, cuộc sống của bà con Vĩnh Linh dần ổn định trên đất Nghĩa Hoàn.



Bà Trương Thị Phiên (xã Giai Xuân) kể cho cháu nghe về những năm tháng gia đình bà cưu mang đồng bào Vĩnh Linh.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, đồng bào từ Quảng Trị ra đã có nhà cửa, đất đai canh tác, ổn định đời sống trên đất Tân Kỳ. Nhân dân xã Nghĩa Hoàn đã làm hết sức mình để giúp đỡ nhân dân Vĩnh Thuỷ anh hùng trong việc dựng nhà cửa, đào hầm hào trú ẩn, nông cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi…Tinh thần đoàn kết, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng được phát huy đến mức cao nhất đã tạo nên sức mạnh chưa từng thấy để nhân dân Nghĩa Hoàn và nhân dân Vĩnh Thuỷ vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của chiến tranh, bám đất, bám ruộng đẩy mạnh sản xuất. Khó khăn, thử thách chồng chất nhưng ý chí và tinh thần đoàn kết đã giúp Đảng bộ, nhân dân xã Nghĩa Hoàn, đồng bào Vĩnh Thuỷ vượt lên mọi thử thách, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, giáo dục. Các đảng viên, cán bộ của Vĩnh Thuỷ cũng sinh hoạt chung với Đảng bộ, bàn bạc, thống nhất mọi giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Mối thâm tình ấy thời gian không thể xoá nhoà.

Từ năm (1968 - 1973), xã Giai Xuân - Tân Kỳ cũng đón nhận hơn 800 đồng bào Vĩnh Linh. Đồng bào được ưu tiên mua hàng hoá trong các ngành lương thực, thực phẩm, HTX mua bán… Thời gian đầu đồng bào ở chung cùng các gia đình trên khắp địa bàn xã, cùng ăn chung cơm, sắn, nhường nhau chăn chiếu. Sau đó xã Giai Xuân đã làm mới 200 ngôi nhà ở và một trường cấp 1, hỗ trợ 20 con trâu, bò, cấp 5 ha đất canh tác để nhân dân sản xuất.

Bà Trương Thị Phiên, 69 tuổi, ở xóm Đồi Chè (trước đây gọi Làng Trám) xã Giai Xuân, hồi tưởng lại quá khứ: “Năm 1967, lúc đó nhà tui ở nhà sàn, to lắm! Gia đình lại ít người nên bố mẹ tiếp nhận 3 hộ, gồm gia đình ông Sự, ông Cảnh và gia đình ông Củng. Bà con Vĩnh Linh vượt gần 400 km đường, vượt qua bom đạn, ra đến đất Tân Kỳ trong điều kiện đói khổ. Đón tiếp họ như người thân, gia đình tôi cùng ăn chung, ở chung, không hề có khoảng cách”.

Ông Bùi Xuân Mong ở xóm Tiến Thành, xã Nghĩa Hoàn, từng học chung Trường cấp III Vĩnh Linh tại Tân Kỳ (khoá 1968 - 1971). Năm nay đã 62 tuổi, hình ảnh lớp G của Trường cấp III Vĩnh Linh năm xưa luôn lắng đọng trong tâm khảm ông. Ngày đó lớp G có 42 học sinh, các bạn Vĩnh Linh cần cù, học giỏi, trong điều kiện sơ tán khắc nghiệt của chiến tranh, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tinh thần học tập vẫn hăng say. “Chúng tôi nhờ cây cải cu, rau bù lù mọc đầy bãi ven sông Con mà đỡ đói qua ngày, học sinh đi học cứ nhổ về làm dưa, luộc ăn độn với hạt mì… Biết bao gian khổ không kể hết, mà vẫn chan chứa tình cảm”.



Ông Bùi Xuân Mong (xã Nghĩa Hoàn) bên bức tranh Thành cổ Quảng Trị.

Tháng 11/2012, ông Mong vừa trở vào Quảng Trị thăm lại bạn xưa. Gặp nhau nồng hậu, tay bắt mặt mừng, cùng ôn lại kỷ niệm, một thời gắn bó, đắp chung manh chiếu, chia đôi củ sắn, cùng tắm mát sông Con, rồi nhổ cải trời đem về trộn với cơm ăn cho no… Bạn Nguyễn Thiện Tố năm xưa học chung lớp, hiện nay làm lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Trị. Bạn Nguyễn Hoà, nay làm lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị. Rồi bạn Ngô Banh, Nguyễn Trào, Phiến, Ái Linh… đều thành đạt giữa thời bình hôm nay.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước được độc lập, hoà bình, trong niềm vui của quê hương đổi mới hôm nay, tình cảm của những người con Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) và nhân dân Tân Kỳ (Nghệ An) vẫn mãi khắc sâu đằm thắm. Nhân dân các địa phương vẫn thường vào, ra thăm nhau, kết nối sợi dây tình cảm hiếm có giữa hai mảnh đất anh hùng. Cưu mang đồng bào Quảng Trị, giúp họ ổn định cuộc sống trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Đó thực sự là một kỳ tích mà Đảng bộ và nhân dân Tân Kỳ đạt được trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, rất đáng tự hào.


Bài, ảnh: Quỳnh Lan