Vui, buồn… thưởng Tết

28/01/2013 23:23

(Baonghean) Như một lẽ đương nhiên, những ngày cuối năm, người lao động trong bất cứ loại hình cơ quan đơn vị nào cũng đều mong ngóng tiền thưởng Tết. Năm nay, câu chuyện về tiền thưởng Tết thật muôn hình muôn vẻ, nơi “vui như Tết”, nơi thật buồn…

Theo ông Phùng Bá Ngọc - Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần TOYOTA Vinh, toàn công ty có 153 CBCNV với mức lương bình quân 6 triệu đồng/tháng. Năm nay, ngoài tháng lương thứ 13, mỗi CBCNV được thưởng bình quân khoảng 6 triệu đồng và một túi quà trị giá 300.000 đồng.

Kế hoạch thưởng Tết của TOYOTA Vinh được định hình ngay từ đầu năm. Hàng tháng, CBCNV bình bầu xếp loại A, B, C. Loại A được thưởng 500.000 đồng, loại B được 250.000 đồng, loại C không được thưởng. Đến cuối năm tổng hợp kết quả 12 tháng và cứ theo đó để cuối năm lĩnh thưởng. Quy định rõ ràng nên người lao động trong công ty ý thức cao trong công việc và hầu như ai cũng được thưởng ở mức cao nhất. Hỏi chuyện thưởng Tết, anh Ngô Trí Cảnh - kỹ thuật viên sản xuất chung cho biết, vì việc làm ổn định nên tiền thưởng Tết “chắc là bằng năm trước”. Theo anh Cảnh, dù thị trường có nhiều biến động do nền kinh tế gặp khó khăn, nhưng nhờ điều chỉnh phương pháp kinh doanh phù hợp nên TOYOTA Vinh có doanh thu từ bán hàng và làm dịch vụ sửa chữa khá cao.



Sửa chữa ô tô ở Công ty cổ phần TOYOTA Vinh.

Tại Khu công nghiệp Bắc Vinh, qua tìm hiểu được biết, Công ty cổ phần SABECO - Sông Lam có mức thưởng tết khá nhất. Một công nhân Công ty cổ phần SABECO - Sông Lam cho biết, Tết Dương lịch được thưởng 1 tháng lương, còn Tết Nguyên đán “nghe nói” lãnh đạo quyết định thưởng 4 tháng lương. Với mức lương xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng, anh hồ hởi: “Nếu đúng như thế thì Tết này tôi sẽ được thưởng xấp xỉ 20 triệu đồng…”.

Nhà in Báo Nghệ An là doanh nghiệp Nhà nước với 65 CBCNV. Theo ông Đặng Xuân Bảng - Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn, từ đầu năm 2012 đến nay, người lao động có việc làm ổn định với mức lương bình quân 3,3 triệu đồng/tháng; kế hoạch thưởng Tết 2013 dự trù sẽ ngang bằng năm 2012 là khoảng 4,5 triệu đồng/người. Ông Bảng cho biết: “Trước tình hình khó khăn chung, đơn vị đã có một số giải pháp để thu hút thêm khách hàng, tiết kiệm nguyên vật liệu, bố trí lao động hợp lý để từ đó tạo việc làm ổn định cho người lao động và có nguồn kinh phí thưởng Tết cuối năm cho CBCNV”. Ngày cuối năm, người lao động Nhà in Báo thường tất bật với công việc in các ấn phẩm Tết. Năm nay cũng vậy, khi chúng tôi đến, đội ngũ công nhân đang in Báo Công an Nghệ An số Xuân Quý Tỵ...



Công nhân Nhà in Báo Nghệ An đang đang vận hành dây chuyền in báo.

Trái ngược với không khí vui vẻ ở những đơn vị nêu trên, hiện rất nhiều doanh nghiệp đang đau đầu, lo lắng khi Tết Nguyên đán đã cận kề trước mặt. Công ty cổ phần Đầu tư và ứng dụng công nghệ mới (TECCO) là một doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng đô thị mới ở Nghệ An. Vậy nhưng trong giai đoạn vừa qua, TECCO gặp rất nhiều khó khăn, và cố gắng duy trì hoạt động với hy vọng nền kinh tế “sáng” trở lại. Nói về chuyện thưởng Tết, lãnh đạo TECCO cho biết, công ty cố gắng đảm bảo tháng lương thứ 13 và một ít quà chứ không có tiền thưởng. Và, cũng lo được cho gần 200 CBCNV trong hệ thống, còn lao động thời vụ thì chỉ đảm bảo lương theo hợp đồng.

Ở Công ty cổ phần Tổng công ty dầu khí Nghệ An, không khí những ngày cuối năm ảm đạm hơn rất nhiều. Một cán bộ trẻ có vị trí khá cao thở dài não nề khi nhắc chuyện thưởng Tết. Anh cho biết: “Chỉ hy vọng công ty trả được lương tháng 6, tháng 7 cho CBCNV là may lắm rồi. Hiện Công ty khoán quỹ lương cho từng phòng. Theo đó, chúng tôi luân phiên người nghỉ, người làm. Có người đành xin nghỉ tạm thời tìm kiếm công việc khác để có thêm thu nhập. Lương còn không có thì nói chi thưởng Tết…”.

Trước khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần xây dựng Cầu đường Nghệ An (tên cũ là Công ty Cầu đường 1 Nghệ An) là một đơn vị “mạnh” của ngành giao thông. Vậy nhưng, sau khi cổ phần hóa, công ty này gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Liên lạc với lãnh đạo đơn vị, được biết đang trực trên công trường tại xã Hưng Tây, Hưng Nguyên. Nói về thưởng Tết, anh cho biết là cố gắng đảm bảo tiền lương cho người lao động chứ không hy vọng có tiền thưởng Tết. Và, như vậy cũng là cố gắng lắm rồi.

Công ty Matrix tại khu công nghiệp Bắc Vinh có xấp xỉ 3000 công nhân làm việc. Khi được hỏi về tiền thưởng tết, không ít người cho biết đang mong ngóng, đợi chờ quyết định của chủ doanh nghiệp. Một nữ công nhân quê ở Hà Tĩnh cho biết: Tâm lý mọi người đều phấp phỏng lo lắng vì ngày Tết đã cận kề. Năm 2012, tình hình thưởng Tết ra sao? Một công nhân quê ở Thanh Chương cho biết, những người đã có hợp đồng lao động được thưởng 60% lương cơ bản của một tháng, khoảng 800.000 - 900.000 đồng…

Năm 2012 trở về trước, các ngân hàng thường có những khoản tiền thưởng Tết “khủng” cho CBCNV. Năm nay thì khác. Ở một ngân hàng có vốn nhà nước, năm nay không có tiền thưởng. Không những vậy, một cán bộ cấp phòng cho biết, tiền lương còn bị cắt giảm 50%. Ở một chi nhánh ngân hàng phía Nam đặt trụ sở tại Thành phố Vinh, tiền thưởng Tết cũng không có. Một nữ kiểm soát viên cho biết, lãnh đạo đơn vị vừa gửi tâm thư đến từng nhân viên để kêu gọi mọi người chia sẻ khó khăn…

Theo bảng tổng hợp kế hoạch thưởng Tết do Sở LĐTB&XH khảo sát, năm nay, ở các Công ty TNHH MTV do nhà nước sở hữu 100%, bình quân tiền thưởng Tết là 2,6 triệu đồng/người (đơn vị cao nhất đạt 17,5 triệu đồng/người, đơn vị thấp nhất là 150 nghìn đồng/người); các doanh nghiệp cổ phần, vốn của nhà nước tiền thưởng Tết bình quân đạt 2 triệu đồng/người (cao nhất đạt 60 triệu đồng/người, thấp nhất là 500 nghìn đồng/người); các doanh nghiệp dân doanh bình quân tiền thưởng Tết đạt 1,2 triệu đồng/người (cao nhất đạt 70 triệu đồng/người, thấp nhất là 200 nghìn đồng/người); các doanh nghiệp FDI có mức thưởng bình quân đạt 1,7 triệu đồng/người (cao nhất đạt 60 triệu đồng/người, thấp nhất là 1,7 triệu đồng/người). Theo ông Nguyễn Đăng Dương - Trưởng phòng Lao động & Việc làm, thì chỉ một số ít doanh nghiệp có nguy cơ phá sản không đảm bảo lương, thưởng cho người lao động, còn đại đa số doanh nghiệp vẫn đảm bảo tiền lương, đồng thời ít nhiều có tiền thưởng Tết cho người lao động.

Tết đã cận kề, đối với người lao động, thưởng Tết có tác động tâm lý lớn, mất thưởng thì Tết kém vui. vì không có tiền sắm Tết... Bởi vậy, thật vui khi trong giai đoạn khó khăn hiện nay, vẫn có nhiều doanh nghiệp duy trì thưởng Tết cho người lao động.


Nhật Lân