Bình minh Hưng Hòa

17/03/2013 16:48

Theo con đường rộng rãi ven bờ sông Lam, từ Bến Thủy, chúng tôi về xã Hưng Hòa, quê hương của Đại tướng Chu Huy Mân. Con sông Lam khi chảy về đến đây, bỗng thoắt đổi dòng, biến thành một vòng ôm tròn trịa dải đất bồi màu mỡ, mát rượi gió nồm. Chỉ cách cửa biển không xa, ruộng đồng Hưng Hòa được bồi đắp thêm bởi nguồn phù sa biển và phù sa sông Lam. Chính đặc điểm này đã làm cho Hưng Hòa là một vùng sinh thái khá đặc biệt: có rừng bần, đồng cói, tràm chim...

(Baonghean) - Theo con đường rộng rãi ven bờ sông Lam, từ Bến Thủy, chúng tôi về xã Hưng Hòa, quê hương của Đại tướng Chu Huy Mân. Con sông Lam khi chảy về đến đây, bỗng thoắt đổi dòng, biến thành một vòng ôm tròn trịa dải đất bồi màu mỡ, mát rượi gió nồm. Chỉ cách cửa biển không xa, ruộng đồng Hưng Hòa được bồi đắp thêm bởi nguồn phù sa biển và phù sa sông Lam. Chính đặc điểm này đã làm cho Hưng Hòa là một vùng sinh thái khá đặc biệt: có rừng bần, đồng cói, tràm chim...



Tuyến đường ven sông Lam đi qua Hưng Hòa, quê hương Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh: T.H

Hưng Hòa xưa kia tên là xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên. Đầu thế kỷ XIX, khi những nhà máy, công xưởng ở Bến Thủy, Trường Thi, Thành phố Vinh do chế độ thực dân dựng nên, thì cũng là lúc nhiều nông dân nghèo không có ruộng đất ở các xã Yên Lưu, Yên Trường, Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh... vào làm việc, trở thành công nhân. Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cộng sản, phong trào quần chúng đấu tranh chống áp bức phát triển mạnh mẽ. Một đêm mùa đông năm 1929, đúng vào đêm thủy triều dâng cao, rươi lên đầy ruộng, cả làng sáng rực ánh đuốc, các thanh niên Chu Văn Chín, Chu Văn Điều nhận kế hoạch phổ biến cho mọi người đi mít - tinh, tuần hành thị uy. Đêm ấy, ở bãi tha ma Chùa Phu, hơn 300 người dân Yên Lưu tập trung nghe “thượng cấp” về diễn thuyết, khẩu hiệu hành động được xác định là “Đánh đổ đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến”, “Dân tộc độc lập, người cày có ruộng, nhà máy cho thợ thuyền”, “Đánh đổ địa chủ, phong kiến”, “Thực hành thổ địa cách mệnh”, “Ủng hộ Nga xô”, “Chính quyền công nông thực hành chủ nghĩa xã hội”. Sau mít - tinh, diễn thuyết, đoàn người chia làm hai hướng tuần hành cho đến khi trời sáng.

Đó là một đêm người dân Yên Lưu không ngủ. Một đêm thức tỉnh quan trọng, chuyển hướng theo cuộc đấu tranh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Và cũng trong đêm ấy, với vai trò người tổ chức cuộc mít - tinh, tuần hành, anh thanh niên Chu Văn Điều đã thực sự bước vào một cuộc đấu tranh dài lâu đến hết cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho dân, cho nước. Anh thanh niên ấy, sau này chính là Đại tướng Chu Huy Mân!

Chúng tôi về Hưng Hòa khi mọi công việc chuẩn bị cho Lễ khánh thành Nhà lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân đã hoàn tất. Nhà tưởng niệm do UBND xã Hưng Hòa làm chủ đầu tư, với số vốn gần 14 tỷ đồng, được xây dựng trên một khu đất đẹp, sát cạnh tuyến đường ven sông Lam...

Hoàn thành năm 2010, tuyến đường ven sông Lam đã mở ra cho Hưng Hòa một tầm nhìn và tạo nên tiềm lực mới. Từ Bến Thủy, nhánh phía đông, tuyến đường dẫn du khách đến với Hưng Hòa, với những không gian sinh thái còn rất nguyên sơ như rừng bần, đồng cói, tràm chim. Ở đây còn có đền Bà Cô, thờ Công chúa Quế Hoa linh hiển xưa đã ba lần được các đời vua Thành Thái, Duy Tân và Khải Định phong thần hiệu… Đêm về, hệ thống đèn cao áp hiện đại của tuyến đường hòa cùng ánh sáng của vô số ngọn đèn trên hàng trăm hồ nuôi tôm.

Theo ông Lê Văn Thương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Hưng Hòa có chủ trương tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trên địa bàn xã. Hiện nay, đã có 3 dự án xây dựng khu đô thị sinh thái, khu đô thị và nhà ở xã hội và Trường cao đẳng Hàng hải đã được UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư, đã hoàn thành công tác khảo sát, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng và từng bước triển khai. Với tổng diện tích hơn 1.500 ha đất, ở vùng ngoại ô Thành phố Vinh, một đô thị loại I, địa hình đặc trưng bởi vùng sinh thái rừng ngập mặn, Hưng Hòa rất có tiềm năng về du lịch.

Rừng bần Hưng Hoà rộng 54 ha, có 31 loài, 19 họ và 12 bộ chim, trong đó có 3 loài chim quý hiếm được ghi trong “sách đỏ”: bồ nông chân dài, bói cá lớn, quạ khoang; có 13 loài chim trú đông, 2 loài chim di cư… Rừng bần Hưng Hoà còn có 63 loài động vật có xương sống sinh sống. Đặc biệt, có loài cá sú vàng rất có giá trị về kinh tế, được sử dụng trong y tế. Ngư dân trên sông Lam thỉnh thoảng bắt được loại cá này, thương lái về mua tận thuyền giá hàng tỷ đồng/con.



Những cánh đồng tôm ở Hưng Hòa. Ảnh: Sỹ Minh

Hiện nay, hơn 90% dân số Hưng Hòa sản xuất nông nghiệp. Ruộng ít, người đông, đến mùa nông nhàn, hàng ngày có hơn 500 người dân Hưng Hòa vào Thành phố Vinh làm việc theo kiểu thời vụ. Theo tính toán của ông Lê Văn Thương, bộ phận lao động này mang về thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm cho các hộ dân trong xã. Năm 2003, UBND xã Hưng Hòa tổ chức một đoàn cán bộ sang xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), đối diện bên kia bờ sông Lam để học tập kinh nghiệm xuất khẩu lao động. Năm 2007, xã xây dựng đề án xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, xác định “đưa xuất khẩu lao động là một hướng giải quyết việc làm chủ yếu, nhằm xóa đói giảm nghèo”. Từ 24 người xuất khẩu lao động vào năm 2006, đến nay đã có gần 200 con em Hưng Hòa đang lao động ở nước ngoài. Nguồn vốn từ xuất khẩu lao động được các hộ đầu tư vào kinh doanh sản xuất, mua sắm máy móc nông nghiệp, xây dựng nhà cửa khiến bộ mặt nông thôn Hưng Hòa ngày càng khởi sắc. Có nhiều hộ không những thoát khỏi đói, nghèo mà còn vươn lên khấm khá, điển hình như các hộ: Trần Cân, Đặng Hướng, Hồ Nam, Đinh Nghiêm.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trên diện tích trồng cói xưa kia nay có nhiều hộ đầu tư nuôi tôm. Hộ ông Trần Văn Đính ở xóm Phong Thuận, năm 2012 lãi ròng 500 triệu đồng từ 2 ha hồ tôm, là một điển hình của xã... Nghề trồng cói, dệt chiếu truyền thống Yên Lưu – Hưng Hòa xưa kia, nay tuy bị thu hẹp vì thu nhập thấp, vẫn được duy trì ở một số gia đình, hàng năm thu về khoảng 3 tỷ đồng.

Buổi sáng tinh mơ ngày 13/3, sương mờ phủ kín sông Lam, chúng tôi theo con đường ven sông đã được đặt tên “Đường Chu Huy Mân”, tìm về làng chài Hòa Lam, nơi chỉ có 44 hộ dân, 180 nhân khẩu, 70% trong số đó đi xuất khẩu lao động. Ánh bình minh le lói, soi rõ đàn cò trắng đậu trong rừng bần lao xao. Theo các tài liệu lịch sử, năm 1937, những người dân chài hai bên bờ sông Lam và ở xóm Hòa Lam này đã trở thành những giao thông viên chuyển tin tức, tài liệu từ Yên Lưu sang Nghi Xuân (Hà Tĩnh), nơi đồng chí Chu Huy Mân tạm tránh “khủng bố trắng” của thực dân Pháp. Và đến ngày 12/4/1940, bị thực dân Pháp bí mật bắt giữ, Chu Huy Mân tạm rời xa quê hương Yên Lưu, rời xa rừng bần Hưng Hòa cũng trong một buổi sớm tinh mơ, trong ánh bình minh đã ló rạng từ phía biển...


Trần Hoài