Xuất khẩu lao động- hướng đi thoát nghèo

28/02/2013 20:19

(Baonghean.vn) - Năm 2012, mặc dù một số thị trường lao động ngoài nước diễn biến bất lợi, song toàn tỉnh đã đưa được 13.707...

(Baonghean.vn) - Năm 2012, mặc dù một số thị trường lao động ngoài nước diễn biến bất lợi, song toàn tỉnh đã đưa được 13.707 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nguồn thu nhập do XKLĐ chuyển về tỉnh qua các ngân hàng thương mại trong năm 2012 đạt khoảng 110 triệu USD.

Cũng như nhiều hộ trong phường có con đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), gia đình ông Mai Văn Chính (khối Hải Triều, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) rất phấn khởi bởi con gái Mai Huyền Trang đi XKLĐ ở Hàn Quốc tháng nào cũng gửi về nhà hơn 1.000 USD. Ông Chính khoe: “Ngôi nhà hai tầng đẹp đẽ này là do tiền của con gửi về mà xây nên, chứ chúng tôi ở quê chẳng biết làm gì có thu nhập khá. Mảnh đất ven biển Nghi Hải này trước đây người dân chỉ biết bám vào nghề biển mà kiếm sống, hết đời này qua đời khác vẫn chẳng thể khá hơn. Những năm gần đây nhờ XKLĐ mà đời sống nhân dân được nâng lên, diện mạo địa phương khởi sắc từng ngày. Những hộ có nhà cửa khang trang đều do nguồn thu nhập từ XKLĐ gửi về đấy!”

Ở khối Hải Triều có hơn 200 hộ dân, trong đó gần 100 hộ có con đi XKLĐ. Toàn phường Nghi Hải thường xuyên có khoảng 1.000 lao động đi XKLĐ ở thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Nga… ước tính bình quân mỗi năm gửi về địa phương khoảng 50 -60 tỷ đồng.




Nguồn ngoại tệ từ XKLĐ gửi về qua hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp trong tỉnh ngày càng tăng.

Xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, trước đây vốn một xã thuần nông, đời sống nhân dân rất khó khăn. Giải pháp đi XKLĐ đã giúp hàng trăm người con của địa phương có việc làm ổn định và thu nhập cao. Giờ đây trở lại mảnh đất này không khỏi ngỡ ngàng bởi bộ mặt nông thôn như được “lột xác”, đường nhựa, đường bê tông chạy dài khắp thôn xóm. Những ngôi nhà cao tầng đủ màu sắc đua nhau mọc lên. Em Hồ Thị Hoa, xóm 10 xã Quỳnh Hậu đi XKLĐ ở Hàn Quốc, mỗi tháng gửi về cho gia đình 1.000 USD. Đó là mức thu nhập lý tưởng đối với một thanh niên lớn lên trên quê lúa mà em bộc bạch rằng chưa một lần dám mơ ước tới.

Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành, thị, năm 2012 toàn tỉnh đã đưa được 13.707 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tập trung chủ yếu ở các thị trường như Malaysia: 3.533 người; Đài Loan 2.277 người; Hàn Quốc: 1.132 người; các nước Trung Đông: 1.392 người… đưa tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài lên gần 50.000 người. Năm 2012, nguồn thu nhập do XKLĐ chuyển về tỉnh qua các Ngân hàng thương mại đạt khoảng 110 triệu USD (chưa kể nguồn do lao động mang về trực tiếp hoặc qua các kênh khác). Nghệ An chiếm 1/8 số lao động đi XKLĐ hàng năm của cả nước, mang về nguồn thu nhập khá lớn cho quê hương. Nhờ XKLĐ mà nhiều làng quê, cuộc sống của người dân được nâng lên thấy rõ.

Có được kết quả này là cả quá trình tập trung chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương đã chủ động liên kết, phối hợp với đơn vị XKLĐ trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hướng dẫn cung cấp thông tin về thị trường lao động cũng như tích cực tuyển nguồn lao động. Do vậy đã tăng số lượng và chất lượng nguồn tuyển tốt hơn, như huyện Đô Lương đã đưa được 1.416 người đi XKLĐ, Diễn Châu 1.205 người, Hưng Nguyên 1.219 người, Yên Thành 1.075,… Bên cạnh đó, một số huyện miền núi đã triển khai hiệu quả công tác này, gồm: Thanh Chương 1.000 người đi XKLĐ, Anh Sơn 1.150 người, Nghĩa Đàn 754 người, Tân Kỳ 474 người, Quỳ Hợp 422 người… Các đơn vị XKLĐ như Trung tâm giới thiệu việc làm, Xí nghiệp sản xuất và dịch vụ Sông Lam, Công ty CP Việt Hà… cũng đã tích cực tham gia giới thiệu và tuyển nhiều lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài.




Học nghề để có cơ hội việc làm tốt ở thị trường lao đông nước ngoài

Ông Nguyễn Đăng Dương – Trưởng phòng Lao động-việc làm tiền lương và bảo hiểm xã hội - Sở Lao động TBXH, cho biết: Việc tuyên truyền phổ biến các chính sách hỗ trợ XKLĐ tại các huyện nghèo, xã nghèo chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều lao động chưa biết và chưa được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Ngoài ra, một số công ty, đơn vị trong và ngoài tỉnh có chức năng XKLĐ đã làm trái quy định, thực hiện không đúng cam kết đã ký với người lao động. Mặc dù có chức năng tuyển lao động xuất khẩu nhưng không trực tiếp tuyển chọn mà ký hợp đồng uỷ thác hoặc liên kết với các tổ chức và cá nhân môi giới để tuyển. Hiện tượng thông tin thất thiệt, thông tin quảng cáo không trung thực vẫn còn xảy ra, gây thiệt hại cho người lao động… Dẫn đến hiệu quả của công tác XKLĐ vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Thực tế cho thấy, từ XKLĐ trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững của tỉnh, anh ninh trật tự xã hội ngày càng củng cố, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà tiếp tục phát triển vững chắc.


Quỳnh Lan