Nhà báo Lê Quý Kỳ: Miệt mài đi và viết

06/01/2013 20:16

Dẫu biết sức khỏe của anh mấy năm nay suy giảm nhiều và đã phải nhập viện  mấy lần, nhưng khi nghe tin anh mất, chúng tôi-những đồng nghiệp thân thiết của anh, vẫn không khỏi bàng hoàng thương tiếc! Từ cuối năm 1975, tôi từ Hà Nội chuyển về Báo Nghệ An thì anh đã làm việc tại đây hơn 10 năm. Kể từ đó, chúng tôi cùng làm việc cho đến khi anh về hưu vào năm 1999 . Ngần ấy thời gian thật quá đủ để tình đồng nghiệp, đồng chí, tình bạn bè, tình anh em... mãi còn lưu lại trong nhau biết bao kỷ niệm vui buồn!

(Baonghean) - Dẫu biết sức khỏe của anh mấy năm nay suy giảm nhiều và đã phải nhập viện mấy lần, nhưng khi nghe tin anh mất, chúng tôi-những đồng nghiệp thân thiết của anh, vẫn không khỏi bàng hoàng thương tiếc! Từ cuối năm 1975, tôi từ Hà Nội chuyển về Báo Nghệ An thì anh đã làm việc tại đây hơn 10 năm. Kể từ đó, chúng tôi cùng làm việc cho đến khi anh về hưu vào năm 1999 . Ngần ấy thời gian thật quá đủ để tình đồng nghiệp, đồng chí, tình bạn bè, tình anh em... mãi còn lưu lại trong nhau biết bao kỷ niệm vui buồn!

Anh Lê Quý Kỳ sinh ra và lớn lên ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuổi thơ và sự học của anh phải xê dịch, di chuyển nhiều nơi trên giải đất miền Trung đã khắc nghiệt lại vô cùng gian khổ bởi hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Anh học cấp 1 ở quê nhà, học cấp 2 ở Quảng Bình và cấp 3 ở Hà Tĩnh, sau đó vào học Khóa 2 Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Vinh. Năm 1963, anh về làm việc tại Báo Nghệ An, từ đó, anh gắn bó và say sưa cống hiến cho mảnh đất và con người xứ Nghệ đến hết cuộc đời.

Những năm tháng chiến tranh, cái tên Lê Quý Kỳ trở nên quen thuộc với bạn đọc Báo Nghệ An với những dòng tin nóng, những bài phóng sự ngay tại những trọng điểm chiến sự ác liệt để phản ánh một cách chân thực tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và sự cống hiến hy sinh của quân và dân ta trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau năm 1975 cho đến những năm đầu đổi mới, trong giai đoạn Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập tỉnh, không khí hăng say sản xuất, kiến thiết xây dựng đất nước trên khắp mọi vùng miền của tỉnh Nghệ Tĩnh là nguồn cảm hứng vô tận để anh đi và viết. Bàn chân anh đã đặt đến những nơi khó khăn nhất, nghèo khổ nhất, đồng thời cũng kịp thời xuất hiện ngay ở những mô hình, điển hình, những tuyến đầu tiêu biểu cho không khí thi đua kiến thiết xây dựng đất nước. Những đồng nghiệp và bạn đọc một thời không thể nào quên Lê Quý Kỳ đã gắn bó, lăn lộn suốt 3 năm trời liên tục với đại công trình thủy nông hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh). Thời gian này anh không chỉ viết hàng trăm tin, bài để phản ánh không khí hừng hực quyết tâm xây dựng, mà còn là lúc anh tích lũy vốn sống và cho ra đời nhiều tác phẩm văn học ở các thể loại khác nhau, trong đó có cả tiểu thuyết.

Anh Lê Quý Kỳ còn nổi tiếng là một cây bút có tinh thần bút chiến mạnh mẽ. Anh là một trong những nhà báo đi đầu và có nhiều thành công ở đề tài đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí… Chúng tôi yêu quý, trân trọng và kính phục anh bởi là một nhà báo say nghề, một cây bút vững vàng đã để lại những tác phẩm có ấn tượng mạnh đối với bạn đọc, trong đó có không ít những bài báo đề cập đến những vấn đề “nóng” gây sự chú ý, buộc dư luận phải quan tâm, có lúc phải tranh luận. Để làm được điều đó, ngòi bút của anh không ngại đương đầu với tất cả những khó khăn, vất vả, thậm chí thiệt thòi mà một nhà báo chống tiêu cực có thể phải đối mặt.

Trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống, anh luôn thể hiện là một con người có bản lĩnh, luôn trung thực, thẳng thắn, không ngại va chạm và không sợ mất lòng. Ai hiểu được cái đức tính ấy của anh thì mới biết quý anh. Anh Lê Quý Kỳ là con người yêu Đảng, kiên trì niềm tin yêu mãnh liệt vào sự nghiệp của Đảng. Bạn bè, đồng nghiệp của anh chắc chẳng mấy ai quên việc phấn đấu kết nạp Đảng của anh. Sau hàng chục năm trời kiên trì phấn đấu, trải qua nhiều thử thách, mãi đến hơn 50 tuổi anh mới thực hiện được ước mơ của mình là được đứng vào hàng ngũ của Đảng.



Nhà báo Lê Quý Kỳ (áo xanh- thứ hai phải sang) trong ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Nghệ An. Ảnh: Sỹ Minh.

Anh Lê Quý Kỳ là một tấm gương về tinh thần làm việc hết mình và đầy đam mê. Ai đã từng đi công tác cùng anh mới thấy anh tranh thủ làm việc hầu như không biết mệt mỏi. Khi tiếp xúc với đối tượng cần khai thác, anh tận dụng khai thác và ghi chép tư liệu một cách tỷ mẩn, cẩn thận đến vừa ý mới thôi. Tôi nhớ năm 1998, cùng anh đi Hội thảo các báo miền Trung tại Bình Thuận, lúc về ngồi ghế nằm về Vinh, tôi cảm thấy mệt mỏi, không ngủ được và chẳng muốn làm gì. Còn anh, trong suốt hơn một ngày trời trên tàu, trừ thời gian ngủ mấy tiếng đồng hồ, cứ say sưa đọc sách, báo, say sưa ghi ghi chép chép mà không thấy mệt. Từ đó, tôi mới hiểu ra, chính nhờ cách làm việc ấy đã giúp anh chẳng những trở thành một cây bút viết báo chắc, khỏe, mà còn là tác giả có những tác phẩm truyện, ký khá thành công, như: Cơn giông, tiểu thuyết, 1990; Tản mản văn chương, phê bình văn học, 1996; Vỹ thanh, tập truyện ký, 2000; Đường biên văn học, phê bình văn học, 2000; Văn học thời gian, phê bình văn học, 2005; Nuôi con thời đánh Mỹ, truyện ký, 2006; Ngõ sau thành phố, truyện ký, 2007.

Chính nhờ sự đam mê nghiệp viết mà ngay những năm đã về hưu anh mới có những tác phẩm ấy để lại cho đời. Những năm gần đây, dù mang bệnh tật, nhưng trong tiềm thức của anh, anh vẫn nhớ cơ quan Báo Nghệ An, nơi mà suốt gần 40 năm gắn bó, anh vẫn thường lui tới vừa để đọc báo, vừa gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm làm nghề cho các nhà báo trẻ. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng của anh đọng lại mãi trong tâm trí chúng tôi và bài viết này xin làm nén tâm nhang đưa tiễn anh về cõi vĩnh hằng!

Nhà báo Lê Quý Kỳ ơi, xin vĩnh biệt anh!


Văn Quyền