Khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng
Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ; Đảng kế thừa, kết tinh những gì tốt đẹp nhất, tinh tuý nhất của nhân dân và trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam thể hiện rõ những phẩm chất cao quý đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên mạnh mẽ, cần cù, chịu khó, thông minh, gan dạ, dũng cảm và cũng rất nhân văn.
(Baonghean) - Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ; Đảng kế thừa, kết tinh những gì tốt đẹp nhất, tinh tuý nhất của nhân dân và trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam thể hiện rõ những phẩm chất cao quý đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên mạnh mẽ, cần cù, chịu khó, thông minh, gan dạ, dũng cảm và cũng rất nhân văn.
Với thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua và từ thực tiễn phong phú của cách mạng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn, trong đó có bài học liên quan mật thiết đến sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân: "Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân" và bài học "Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...".
Điều 4 - Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nói về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là cần thiết, Hiến pháp khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đồng thời khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản Việt Nam, chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch muốn xoá bỏ Điều 4 trong Hiến pháp. Vì vậy, tại Điểm 1- Điều 4 cần bổ sung thêm cụm từ "duy nhất".
"Dựng nước đi đôi với giữ nước" là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta, được biểu hiện tập trung trong hai nhiệm vụ chiến lược có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn khẳng định và chỉ đạo sự kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược đó. Những thành tựu mà nhân dân ta đã giành được trong sự nghiệp xây dựng đất nước luôn gắn liền với những thành tựu đạt được trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, và bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mọi công dân. Điều 48 (Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992) vừa công bố được xây dựng trên cơ sở Điều 77 của Hiến pháp 1992 ghi: "Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân" và bổ sung thêm "việc thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định", đây là vấn đề mới, được Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bổ sung.
Và, hiện nay chúng ta đang thực hiện Thông tư liên tịch 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT ngày 13/9/2011 về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 38/2007/NĐ-CP ngày 15/3/2007 của Chính phủ về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ (hướng dẫn thực hiện Khoản 4, Khoản 9, Khoản 10, Khoản 11, Điều 13 Nghị định 38/2007/NĐ-CP của Chính phủ và áp dụng với công dân nam là học sinh, sinh viên, học viên đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ và tương đương...) và đã có những trường hợp công dân muốn tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự vì lý do có "giấy báo nhập học" khi trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học... với mục đích để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự...
Mặt khác, trong thực tế ở nước ta mấy năm qua, theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, số công dân nhập ngũ hằng năm ở nước ta chỉ chiếm khoảng 0,12% tổng dân số và 5,87% tổng số công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.
Thiết nghĩ, rất cần có cơ sở pháp lý cho việc phục vụ dân sự thay thế thực hiện nghĩa vụ quân sự để bảo đảm tính chặt chẽ và công bằng xã hội. Quy định như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa rõ, có thể dẫn đến việc hiểu sai, chẳng hạn công dân trong trường hợp không thể thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc trong những trường hợp do luật quy định thì có quyền thay bằng hình thức phục vụ dân sự.
Vì vậy, nên bổ sung thêm: Trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ quân sự thì có quyền thay bằng hình thức phục vụ dân sự;
Và Điều 48 - Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có thể diễn đạt như sau: "Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân. Trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ quân sự thì có quyền thay bằng hình thức phục vụ dân sự. Việc thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định".
Minh Thiên (Bộ CHQS tỉnh)