Các doanh nghiệp vận tải vẫn “gắng gượng” chưa tăng cước

01/04/2013 19:59

Sau 90 ngày “cầm cự” để bào đảm binh ổn thị trường xăng dầu trong nước, từ 20h ngày 28/3, giá bán lẻ xăng tăng tối đa 1.430 đồng/lít, dầu diezen tăng tối đa 350 đồng/lít… Mặc dù sự tăng giá là có thể dự đoán được trước (bởi thị trường xăng dầu thế giới luôn diễn biến phức tạp) nhưng người tiêu dùng vẫn tỏ ra bức xúc vì giá bán lẻ xăng, dầu tăng quá cao. Để giữ khách hàng, các doanh nghiệp vận tải vẫn phải “gắng gượng” chưa tăng giá cước.

(Baonghean) - Sau 90 ngày “cầm cự” để bào đảm binh ổn thị trường xăng dầu trong nước, từ 20h ngày 28/3, giá bán lẻ xăng tăng tối đa 1.430 đồng/lít, dầu diezen tăng tối đa 350 đồng/lít… Mặc dù sự tăng giá là có thể dự đoán được trước (bởi thị trường xăng dầu thế giới luôn diễn biến phức tạp) nhưng người tiêu dùng vẫn tỏ ra bức xúc vì giá bán lẻ xăng, dầu tăng quá cao. Để giữ khách hàng, các doanh nghiệp vận tải vẫn phải “gắng gượng” chưa tăng giá cước.

Tại điểm kinh doanh xăng dầu Hưng Bình, bà Nguyễn Thị Nga – phường Hưng Phúc phàn nàn: “Đợt tăng giá xăng dầu lần này là cao, nhưng vì phải thường xuyên đi lại bằng xe máy, nên phải chấp nhận mua xăng”. Tại cửa hàng xăng dầu đường Lê Hồng Phong người dân đều phàn nàn giá xăng dầu tăng quá cao. Tìm hiểu được biết, tại cửa hàng xăng dầu đường Lê Hồng Phong có số lượng tiêu thụ lớn nhất tại TP Vinh khách hàng vẫn vào mua xăng rất đông. Trước khi cửa hàng nhận được quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu, thì mỗi ngày bán được 23.000 lít và khi thực hiện giá bán mới là xăng RON 95 là 25.550 đồng /lít, xăng RON 92 là 25.040 đồng/lít, dầu diezel 0,05 S là 22.230 đồng/lít… thì khối lượng xăng dầu bán ra vẫn ổn định.



Cửa hàng xăng dầu Hưng Bình - TP. Vinh luôn đông khách hàng.

Mặc dù chịu áp lực lớn trước sự tăng giá của xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải vẫn phải bằng mọi biện pháp tạm chấp nhận chưa tăng giá cước để thu hút khách hàng. Ông Vũ Hoàng Huynh - Phụ trách Bến xe Vinh, cho biết: “Tại Xí nghiệp Bến xe Vinh hiện có 800 phương tiện vận chuyển hành khách các tuyến Bắc – Nam và nội tỉnh, nhưng đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp, chủ phương tiện vẫn duy trì giá vé như trước thời điểm tăng giá xăng dầu. Do đúng vào thời điểm hiện nay lượng khách đi xe ít, nếu tăng giá vé thì khó “kích cầu”, nên phải tiết kiệm chi phí khác để chưa tăng giá vé vận tải hành khách trong thời điểm này”. Anh Tuấn (ở phường Lê Mao) lái xe Taxi Vạn Xuân cho hay: “Giá cước đối với km đầu của xe 4 chỗ loại nhỏ Matiz là 10.000 đồng/km và 10.600 đồng đối với km thứ 2… giá này ổn định hơn 1 năm nay. Xăng, dầu tăng giá trong khi giá cước vận chuyện không tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của tài xế và doanh nghiệp, vì chi phí xăng dầu đội lên cao, tỷ lệ chiết khấu sẽ giảm…”. Tìm hiểu qua trung tâm điều hành của hãng xe Taxi Vạn Xuân được biết, doanh nghiệp có 4 loại xe với hơn 200 phương tiện hàng ngày sử dụng khối lượng xăng rất lớn, nhưng đợt tăng giá lần này, hãng vẫn quyết định chưa điều chỉnh giá cước.

Hãng xe Taxi Mai Linh hiện chiếm thị phần khá lớn về vận tải, kinh doanh xe taxi trên địa bàn Nghệ An. Để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, Taxi Mai Linh cũng đang có chủ trương giữ nguyên giá cước cũ, đó là đối với xe 4 chỗ ngồi loại nhỏ (xe Matiz) giá 25km đầu là 10.800 đồng/km, xe 4 chỗ ngồi loại Vios Limo là 12.400 đồng trong 25 km đầu, xe 7 chỗ ngồi là 14.800 đồng trong 25 km đầu. Được biết, hiện nay các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên địa bàn Nghệ An vẫn chưa “rục rịch” tăng giá cước.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, vào thời điểm trước và sau khi có sự điều chỉnh giá xăng dầu, trên thị trường tỉnh ta không xẩy ra hiện tượng bất thường như tình trạng “găm hàng” như những lần tăng giá trước. Ông Cao Viết Đông – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Xăng dầu Nghệ An, cho biết: “Trong hệ thống bán lẻ gồm 63 cửa hàng kinh doanh xăng dầu của công ty trên địa bàn Nghệ An không có hiện tượng găm hàng, từ chối bán xăng dầu cho khách hàng. Trước và sau khi tăng giá bán lẻ xăng dầu, mỗi ngày công ty cung cấp ổn định cho thị trường khoảng 288.000 lít”.

Phạm vi ảnh hưởng của việc tăng giá bán lẻ xăng dầu là rất lớn, và bởi vậy, cũng như ngành xăng dầu, lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa liệu “gắng gượng” không tăng giá cước được bao lâu? Thực tế cho thấy rằng, sau những lần tăng giá xăng dầu thì trên thị trường có hàng loạt mặt hàng “ăn theo” tăng giá. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh