Góp ý xây dựng Hiến pháp: Cơ chế kiểm soát quyền lực cần rõ ràng, minh bạch

16/01/2013 17:46

Vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước đã là ước vọng hàng nghìn năm qua của nhân loại tiến bộ. Chỉ có bằng cơ...

Vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước đã là ước vọng hàng nghìn năm qua của nhân loại tiến bộ. Chỉ có bằng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách thực sự theo đúng nghĩa của nó thì toàn bộ hoạt động của bộ máy công quyền và các quan chức của bộ máy đó mới có thể tự giác vận hành theo đúng quỹ đạo của Hiến pháp và pháp luật, mới có thể tránh được sự tha hóa quyền lực với những nguy cơ không thể chấp nhận được trong một Nhà nước pháp quyền đích thực.

Một trong những điểm mới quan trọng và tiến bộ rõ rệt của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa được công bố là vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, nội hàm về Nhà nước pháp quyền đã được thể hiện cụ thể và xuyên suốt trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước. So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới đã xác định rõ các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp nên phân định khá đầy đủ, đúng đắn, minh bạch về thẩm quyền của mỗi cơ quan. Tuy nhiên, việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được xác định rõ.

Nghiên cứu dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng tôi thấy rằng, nhiều biểu hiện cụ thể của việc giám sát quyền lực đã được thể hiện trong văn bản này ví dụ như: Quốc hội là cơ quan lập pháp nhưng để luật có hiệu lực thì phải được Chủ tịch nước đồng ý và công bố. Chủ tịch nước có quyền dừng ban hành luật. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết định việc làm luật nhưng Chính phủ cũng có quyền đề nghị dừng xây dựng luật hoặc sửa đổi những nội dung mà Quốc hội đã quyết vì có thể sẽ khó thực thi trong thực tế. Chính phủ cũng có quyền giám sát hoạt động xét xử của cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp vẫn chưa được rõ ràng và minh bạch. Ví dụ theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ngoài cơ chế bảo hiến, chưa thấy có thêm thiết chế nào để kiểm soát Quốc hội. Nên chăng có thể trao thêm quyền cho Chủ tịch nước được quyền yêu cầu Quốc hội xem lại các luật trước khi ban bố.

Mặt khác, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn còn thiếu một cơ quan chuyên trách giám sát bộ máy hành pháp. Thực tế Thanh tra Chính phủ là cơ quan nội bộ của hành pháp. Hệ thống giám sát độc lập để chiếu vào hành pháp chưa có. Nên có một cơ quan thực hiện chức năng này.

Thông thường có ba cách để kiểm soát quyền lực Nhà nước, một là kiểm soát lẫn nhau từ nội bộ, hai là kiểm soát từ nhân dân thông qua dân chủ trực tiếp và các tổ chức xã hội, ba là thông qua thiết chế độc lập chuyên nghiệp. Hiến pháp mới cần có cơ chế để kiểm soát quyền lực Nhà nước từ ba cách nói trên.

PHÚ THỌ (Học viên Hệ Chiến dịch-Chiến lược, Học viện Quốc phòng)


Theo Quân đội nhân dân