Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa

17/04/2013 17:18

Trong số 177 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng của huyện Đô Lương, có 10 di tích được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và 12 di tích được công nhận cấp tỉnh; tiêu biểu như Khu di tích lịch sử Truông Bồn, đền Quả Sơn (xã Bồi Sơn), nhà thờ Thái Bá Du (xã Yên Sơn), nhà thờ Nguyễn Cảnh Hoan (xã Tràng Sơn), đền Đức Hoàng (xã Yên Sơn), đình Long Thái (xã Thái Sơn), đình làng Hoành Sơn (xã Xuân Sơn)... Với phương thức xã hội hóa, Đô Lương đã và đang nỗ lực trong công tác bảo tồn các di tích trên địa bàn.

(Baonghean) - Trong số 177 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng của huyện Đô Lương, có 10 di tích được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và 12 di tích được công nhận cấp tỉnh; tiêu biểu như Khu di tích lịch sử Truông Bồn, đền Quả Sơn (xã Bồi Sơn), nhà thờ Thái Bá Du (xã Yên Sơn), nhà thờ Nguyễn Cảnh Hoan (xã Tràng Sơn), đền Đức Hoàng (xã Yên Sơn), đình Long Thái (xã Thái Sơn), đình làng Hoành Sơn (xã Xuân Sơn)... Với phương thức xã hội hóa, Đô Lương đã và đang nỗ lực trong công tác bảo tồn các di tích trên địa bàn.

Chúng tôi đến đình làng Hoành Sơn (xã Xuân Sơn- Đô Lương) đúng dịp nhân dân làng Hoành Sơn vừa cắt băng khánh thành đình làng. Cuối năm 2011, công trình phục chế xây dựng đình làng Hoành Sơn đã được khởi công trên nền đất cũ ở diện tích 300m2, với tổng kinh phí là 1,75 tỷ đồng. Đến tháng 2/2013, đình làng Hoành Sơn đã hoàn thành. Theo văn bia để lại, đình Hoành Sơn được xây dựng từ năm 1866 đến năm 1906, đình thờ Thành hoàng làng có tên Nguyễn Văn Viễn, người có công với dân làng.

Theo các cụ cao niên, trong năm có 2 ngày lễ được tổ chức tại đình làng. Tháng Giêng ngày 10 làng tổ chức tế lễ, thờ các vị Thành hoàng làng, nhớ ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân; đầu xuân mừng thọ các cụ tuổi chẵn; biểu dương những người đỗ đạt, làm ăn khấm khá. Ngày 6 tháng 6 ÂL có lễ tế Lục ngoạt để tổng kết những biến cố xảy ra trong làng, giải trừ tà ma, nghịch tặc ra khỏi làng; trừ các loại dịch bệnh với người và gia súc; trừ các sâu bọ phá hoại mùa màng để người dân được sống bình yên khỏe mạnh...

Đền Phú Thọ (ở xã Lưu Sơn) thờ Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan được xây dựng cách đây hơn 4 thế kỷ, đến nay vẫn uy nghi, sừng sững với mái cong, ngói vảy linh nghiêm, với kiến trúc điêu khắc cổ đại bằng đường nét chạm trổ tinh vi. Đây là một di tích quốc gia về kiến trúc nghệ thuật, được con cháu họ Nguyễn Cảnh và nhân dân trong vùng quan tâm gìn giữ. Năm 2011, nhân dân trong vùng đã tự nguyện quyên góp tiền làm sân gạch, thay thế những cây cột bị hư hỏng.

Từ khi được công nhận là di tích quốc gia (tháng 3/2012), người dân nơi đây càng nâng cao ý thức bảo vệ di tích. Trong dịp đón bằng công nhận di tích, nhân dân đã công đức trên 200 triệu đồng tiền mặt và nhiều hiện vật là đồ tế khí có giá trị gần 100 triệu đồng. Theo ông Trần Minh Thắng - tổ trưởng tổ quản lý đền Phú Thọ, thì hiện tại cả 5 người trong tổ đều tình nguyện thay nhau trông coi bảo vệ đền mà không đòi hỏi chế độ đãi ngộ.

Để phát huy giá trị các di tích, những năm qua, huyện Đô Lương đã phục hồi thành công nhiều lễ hội truyền thống gắn với các di tích, như Lễ hội đền Quả Sơn, Lễ hội đền Đức Hoàng, Lễ tế xuân đình Long Thái, Lễ đền Hội Thiện, Lễ đền Linh Kiếm… Hàng năm các lễ hội đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, vãn cảnh, dâng hương. Việc phục hồi, tổ chức các lễ hội là thể hiện một cách sâu sắc đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", khơi dậy tinh thần thượng võ cùng những thuần phong mỹ tục của nền văn hóa dân gian.

Cùng với việc phục dựng các lễ hội, Đô Lương cũng đã phối hợp với Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh khảo sát, lập hồ sơ đề nghị các cấp công nhận di tích nhằm quản lý, bảo vệ được tốt hơn. Trong 2 năm 2011- 2012, đã có 5 di tích trên địa bàn được xếp hạng và 5 di tích đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng. Lễ đón bằng công nhận di tích được chính quyền, nhân dân địa phương tổ chức trang trọng.



Lễ hội Đền Quả Sơn (Đô Lương).

Những năm qua, thực hiện Luật Di sản văn hoá, huyện Đô Lương đã làm tốt công tác kiểm kê, nghiên cứu giá trị và đánh giá thực trạng, khoanh vùng bảo vệ, góp phần bảo tồn và chống xâm hại di tích. Việc kiểm kê và tu bổ, tôn tạo di tích đều tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.

Nhiều địa phương có di tích đã thành lập ban quản lý, tổ chức phiên âm, dịch nghĩa các văn tự Hán - Nôm, giúp cho người dân và khách tham quan hiểu biết giá trị của di tích sau khi được xếp hạng. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia và nguồn kinh phí của tỉnh, tiền công đức của nhân dân đóng góp, nhiều di tích đã và đang được tiến hành hoàn thiện dự án trùng tu, tôn tạo, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc.

Điển hình như nhà thờ Nguyễn Cảnh Hoan (167 triệu đồng), nhà thờ Thái Bá Du (200 triệu đồng), đình Long Thái (120 triệu đồng); đền Quả Sơn có quy hoạch xây dựng, duy tu tôn tạo tổng thể từ bến đền vào các đình của đền, công trình ước tính khoảng 40 tỷ đồng; đền Đức Hoàng (dự án ước tính 5-7 tỷ đồng), phục dựng hoàn chỉnh chùa Làng Vành (tổng kinh phí khoảng 11 tỷ đồng), đình Lương Sơn (khoảng 4 tỷ đồng). Bên cạnh đó, ban quản lý di tích các địa phương còn thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, từng bước khôi phục các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, gắn lễ hội với việc giáo dục truyền thống góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương... Trong đó xã Thái Sơn là xã có nhiều di tích nhất huyện với 15 di tích, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp tỉnh là đình Long Thái và nhà thờ họ Nguyễn Công.

Với sự quan tâm và quản lý chặt chẽ từ huyện đến cơ sở, công tác tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích ở Đô Lương đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nguồn kinh phí được sử dụng đúng mục đích; công tác tu sửa được tiến hành đúng nguyên tắc phục chế, nâng cao giá trị di tích.


Ngọc Anh