Yên Thành: Hai khâu đột phá trong khai thác lao động nông thôn

01/04/2013 20:15

(Baonghean) - Trong tổng số nguồn lực khoảng 15 vạn lao động của Yên Thành có khoảng 2 – 2.5 vạn lao động ở dạng dôi dư, nếu không có việc, thiếu việc, không chỉ lãng phí về nguồn nhân lực, mà còn tiềm ẩn những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh. Xuất khẩu lao động là một hướng đi đã đem lại những thay đổi nhất định, nhưng mỗi năm chỉ giải quyết được khoảng 1000 người, và ngày càng nhiều sự bất ổn, nguy cơ rủi ro lại cao, do đó không thể coi là hướng đi lâu dài và tiến hành khai thác trên diện rộng. Việc nông gia hiện nay cơ bản đã “cơ giới hóa, cơ khí hóa”, quỹ thời gian dư thừa của lao đông nông thôn rất lớn.

Ông Nguyễn Viết Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đối với Yên Thành để khai thác thành công lượng lao động nông thôn hiện nay là phải tập trung thực hiện hai khâu đột phá: Đào tạo lao động tại chỗ và bố trí việc làm tại chỗ. Chính quyền phải vào cuộc để tạo cầu nối, sự liên kết giữa người lao động và các làng nghề, cơ sở nghề. Tiếp đó là tạo cầu nối giữa các làng nghề, cơ sở nghề với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, giải quyết đầu ra. Với nhận thức đó, từ năm 2011, Yên Thành đã thực nghiệm thành công các mô hình đưa nghề sản xuất nấm rơm, sản xuất mây tre đan, may công nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật…

Theo ông Phạm Xuân Tuyết – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, hiện nay Yên Thành phấn đấu mục tiêu mỗi thôn, xóm, trang trại phải có ít nhất một cán bộ thú ý (đến năm 2015 phải đạt 491 cán bộ thú y/491 xóm, thôn trên địa bàn; hiện đã đạt xấp xỉ 200người/39 xã, thị trấn). Anh Đoàn Văn Mến, xóm Đồng Xoang, xã Hoa Thành cho biết, từ khi có cán bộ chăn nuôi thú y xóm, công tác chăn nuôi và chăm sóc gia cầm, gia sức trở nên chủ động. Người dân bắt đầu tham gia sản xuất chăn nuôi theo chuồn trại với số lượng lớn, nhiều gia đình yên tâm để vay vốn mở rộng chuồng trại.

Đối với nghề làm nấm rơm, UBND huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại 6 xã làm mô hình thí điểm, đồng thời tổ chức đào tạo cho 6 lớp học trồng nấm với 150 học viên tham gia. Kỹ sư Ngô Trí Duy – Trạm trưởng Trạm giống nấm Yên Thành dẫn chúng tôi đi thực tế các cơ sở sản xuất các loại nấm rơm trên địa bàn như nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi… Anh cho biết: Sau khi 6 mô hình cho hiệu quả kinh tế tốt, huyện đã nhân rộng phạm vi sản xuất nấm rơm lên 16 xã, mở thêm 10 lớp đào tạo nghề nấm, nâng tổng số lao động trồng nấm có đào tạo đến con số 750 người từ đó thu hút được nguồn nhân lực tại chỗ khá lớn.

Tiếp đó là nghề may công nghiệp, hiện tại Yên Thành đã đào tạo được trên 600 lao động may công nghiệp để phục vụ cho nhà máy may liên doanh 100% vốn Nhật Bản đặt tại Thị trấn Yên Thành (chính thức hoạt động toàn diện trong quý 2/2013). Nhà máy này khi chính thức đi vào hoạt động có nhu cầu sử dụng 3.000 lao động may công nghiệp. Bên cạnh đó là chương trình đào tạo các nghề khác như hàn, điện, mây tre đan, bún bánh, tăm hương… cho lao động nông thôn của 39 xã, thị trấn.



Ông Muto Masahiro - chuyên gia Nhật Bản kiểm tra sản phẩm của
Công ty TNHH MLB TENERGY (Thị trấn Yên Thành).
Ảnh: P.B

Khâu đột phá tiếp theo, có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thành công đối với đào tạo lao động tại Yên Thành là bố trí sử dụng lao động tại chỗ một cách ổn định. Anh Ngô Trí Duy – Trạm trưởng Trạm giống nấm Yên Thành cho biết nghề trồng nấm rất được lao động nông thôn Yên Thành ưa thích, do nguồn rơm từ trồng lúa rất lớn, các loại giống nấm đã được sản xuất tại Trạm giống nấm Yên Thành; đặc biệt, toàn bộ nấm thành phẩm sản xuất ra đều được huyện đứng ra liên kết thu mua bao tiêu toàn bộ. Hiện trung bình trên toàn huyện đã sản xuất 20 tấn nấm hàng hóa/tháng.

Bên cạnh đó, nghề may công nghiệp có sự thu hút mạnh với lao động trẻ, nhất là lao động nữ. Chị Trần Thị Xuân – giảng viên lớp may ngăn hạn của Trường Trung cấp kỹ thuật nông công nghiệp Yên Thành cho biết các học viên đều rất yên tâm học nghề bởi hiện tại nhu cầu sử dụng lao động may công nghiệp của Yên Thành đang rất lớn, học viên học xong được vào làm việc ngay tại Công ty TNHH MLB TENERGY. Ngay tại Trường Trung cấp kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành, Công ty TNHH MLB TENERGY đang mượn nhà xưởng để sử dụng 300 lao động may công nghiệp làm tiền đề, vận hành sản xuất nguồn sản phẩm đầu tiên.

Như vậy, bài toán về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Yên Thành đã có thể coi như đã tìm được lời giải: đó là đào tạo lao động tại chỗ và sử dụng lao động tại chỗ, trên thực tế đã phần nào hiện thực hóa được lời giải đó. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những vấn đề đặt ra cần tiếp tục quan tâm giải quyết. Yên Thành là huyện thuần nông, mô hình kinh tế hộ gia đình vẫn là mô hình có nhiều ưu thế để khai thác tối đa nguồn lao động dồi dào tại địa phương, thế nhưng các cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn, về khoa học kỹ thuật, về cơ sở vật chất… cho mô hình kinh tế hộ vẫn còn hạn chế.

Đối với việc đào tạo lao động cho các ngành, nghề gắn với kinh tế hộ như nghề trồng nấm, chăn nuôi, trồng trọt… các khóa đào tạo không nên thực hiện tập trung, kéo dài trong thời hạn 3 tháng, không nên chỉ tập trung tại Trường Trung cấp kỹ thuật công nông nghiệp của huyện mà nên trực tiếp mở lớp tận các xã, tại các trung tâm học tập cộng đồng các thôn, xóm… để thu hút được đông đảo các đối tượng lao động có thể tham gia, nhất là bộ phận lao động ở độ tuổi trung niên, bộ phận lao động hạn chế về khả năng tiếp thu kiến thức. Cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các ban, ngành, giữa các cấp trong hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền để cùng vào cuộc mạnh mẽ, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho lao động ở nông thôn, cho các cơ sở sử dụng lao động, các làng nghề…


Ngô Kiên