Người nặng lòng với phái võ Nhất Nam

08/04/2013 18:38

Phong trào tập luyện võ thuật tại tỉnh Nghệ An chính thức được gây dựng và phát triển từ năm 1989 ở TP Vinh, với các lớp võ cổ truyền Nhất Nam. Xuất phát từ võ phái này, trên đất Nghệ đã nổi lên nhiều gương mặt võ sư, huấn luyện viên, võ sĩ tài năng, thi đấu đạt thành tích cao ở cấp quốc gia, khu vực, trong đó có HLV Nguyễn Công Minh.

(Baonghean) - Phong trào tập luyện võ thuật tại tỉnh Nghệ An chính thức được gây dựng và phát triển từ năm 1989 ở TP Vinh, với các lớp võ cổ truyền Nhất Nam. Xuất phát từ võ phái này, trên đất Nghệ đã nổi lên nhiều gương mặt võ sư, huấn luyện viên, võ sĩ tài năng, thi đấu đạt thành tích cao ở cấp quốc gia, khu vực, trong đó có HLV Nguyễn Công Minh.

15 tuổi, Nguyễn Công Minh đã say mê học võ Nhất Nam - một môn võ cổ truyền thuần Việt có nguồn gốc trên vùng đất Thanh - Nghệ - Tĩnh. Khi làng võ thuật chuyên nghiệp của Nghệ An được hình thành, Nguyễn Công Minh nằm trong số vận động viên đầu tiên được tuyển chọn đi thi đấu võ cổ truyền và pencat silat ở cấp quốc gia. Tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 1994, anh đã mang về tấm Huy chương Đồng, trong lúc thành tích võ thuật của tỉnh nhà chưa được khẳng định trước đó bao nhiêu!

Anh cũng đã từng là trọng tài cấp quốc gia môn tán thủ. Trong khi, các bạn đồng môn tài năng của anh tiếp tục thi đấu và trở thành võ sư, huấn luyện viên đào tạo vận động viên cho các bộ môn khác của thể thao Nghệ An, thì anh lại chọn cho mình con đường đi khác. Đó là chuyên tâm gây dựng phong trào tập luyện võ thuật Nhất Nam, với mục đích cao cả là: Bảo tồn, phát triển tinh hoa võ thuật như một nét bản sắc của văn hoá Việt Nam, nhất là khi thầy trưởng môn võ sư Ngô Xuân Bính đã và đang gây dựng, phát triển môn phái ở nhiều nước trên thế giới.

Mặc dù trước đó một khoảng thời gian khá dài, khoảng hơn chục năm, phái võ Nhất Nam phát triển hết sức èo uột, thế nhưng Nguyễn Công Minh đã không quản ngại khó khăn, thầm lặng, bền bỉ mở lớp, xây dựng CLB võ thuật. Từ năm 2008 đến nay, anh đã mở lớp học cho nhiều đối tượng khác nhau. Có CLB cho trẻ em ở Nhà Văn hoá thiếu nhi Việt Đức, Làng trẻ SOS TP Vinh, các trường tiểu học..., có CLB cho lứa tuổi sinh viên tại Trường Đại học Vinh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, và mới đây là CLB Bảo tàng Quân khu 4.



Võ sư Nguyễn Công Minh (áo trắng) hướng dẫn một thế võ cho các môn sinh.

Từng là giáo viên dạy tin học ở trường phổ thông, nhưng với niềm đam mê, nặng lòng với môn phái Nhất Nam, Nguyễn Công Minh đã quyết định nghỉ hẳn nghề dạy Tin học để chỉ chuyên tâm vào nghiên cứu, truyền dạy võ thuật dân tộc. Hơn 4 năm qua, số lượng võ sinh do anh trực tiếp huấn luyện, đã có đến hơn 700 người đã và đang say mê tập luyện tại các CLB.

Nhìn nhận võ phái Nhất Nam như một “đặc sản” văn hoá cổ truyền của dân tộc Việt Nam từ xa xưa cần phải lưu truyền cho thế hệ sau và nhớ lời thầy trưởng môn Ngô Xuân Bính căn dặn, bên cạnh gây dựng và mở rộng phong trào tập luyện, huấn luyện viên Nguyễn Công Minh đã tự liên hệ, tổ chức đưa môn sinh đi tham gia biểu diễn ở nhiều diễn đàn, sự kiện văn hoá từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Từ sự kiện kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa của Hoàng đế Quang Trung tổ chức tại Núi Quyết, TP Vinh, đến Lễ hội Côn Sơn, Kiếp Bạc, tại Chí Linh – Hải Dương, cho đến sự kiện 1000 năm Thăng Long- Hà Nội... các môn sinh CLB Nhất Nam do anh làm chủ nhiệm đã biểu diễn nhiều màn võ thuật đặc sắc. Võ sư Nguyễn Công Minh cũng chính là tác giả và là diễn giả của bản “Hùng ca đất Việt” trình bày tại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.



Tại Thành phố Vinh có hơn 700 người luyện tập phái võ Nhất Nam.

Hiện anh là thành viên của Ban Vận động thành lập Liên đoàn võ Nhất Nam Việt Nam. Võ sư Nguyễn Công Minh mong muốn các cơ quan hữu trách có trách nhiệm ủng hộ các phong trào hoạt động của môn phái Nhất Nam, để làm sao môn phái này ngày càng được mở rộng.

Hàng ngày, từ 18 giờ 30 đến 20 giờ 30, tại các CLB Đại học Vinh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, võ sư Nguyễn Công Minh lại bước vào giờ huấn luyện võ Nhất Nam, truyền dạy cho môn sinh những bí kíp rèn luyện thể chất, khả năng tự vệ và dung dưỡng tinh thần của võ thuật dân tộc - Môn võ cổ truyền dân tộc Việt Nam đang được Bộ VHTT và DL nghiên cứu để đưa vào danh sách đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.


Dương Cầm (Đài PT-TH Nghệ An)