Từ “Bát cháo tình thương” đến “Ngân hàng máu sống”

27/02/2013 14:37

Đã từ lâu, tôi được nghe nói về các chương trình “Bát cháo tình thương”, “Ngân hàng máu sống” ở Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc. Lên đây trong những ngày đầu năm Quý Tỵ 2013, được chứng kiến và được nhiều bệnh nhân kể cho nghe, tôi mới hiểu được đủ đầy ý nghĩa của những chương trình này…

(Baonghean) - Đã từ lâu, tôi được nghe nói về các chương trình “Bát cháo tình thương”, “Ngân hàng máu sống” ở Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc. Lên đây trong những ngày đầu năm Quý Tỵ 2013, được chứng kiến và được nhiều bệnh nhân kể cho nghe, tôi mới hiểu được đủ đầy ý nghĩa của những chương trình này…

Những bát cháo tình thương

Đã hơn 4 năm qua, cứ vào buổi sáng, các bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc lại đến nhà ăn bệnh viện để nhận những bát cháo tình thương. Trong ngày đầu tiên chính thức trở lại làm việc (9/1/2013 AL), nhưng tại đây vẫn có 12 bệnh nhân già, trẻ đang dùng “bát cháo tình thương”. Bên bát cháo nóng hổi, dậy thơm mùi gạo mới, mùi ngọt của xương, đậu xanh, cà rốt… Cháu Phạm Thị Tú, một bệnh nhi nhỏ tuổi ở phường Quang Tiến, Thị xã Thái Hòa mới nhập viện được 1 ngày và cũng được dùng cháo miễn phí. Mẹ cháu Tú vừa bón cháo cho bé, vừa vui vẻ cho biết, tuy giá trị của bát cháo chỉ 10 ngàn đồng nhưng chất lượng cháo rất tốt, hợp khẩu vị của bé…



Bữa ăn của bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc.

Chương trình “Bát cháo tình thương” được Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc phát động từ năm 2009. Để thực hiện, những ngày đầu Bệnh viện kêu gọi các y, bác sỹ đóng góp một ngày lương. Bởi kinh phí có hạn nên chương trình chỉ duy trì được vài tháng thì đành tạm ngưng lại. Để tiếp tục duy trì chương trình này, Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Nghĩa Đàn (trước đây), nay là Thị xã Thái Hòa, vận động được 26 doanh nghiệp ủng hộ kinh phí. Với tấm lòng thơm thảo của các doanh nghiệp, chương trình đã duy trì đến nay.

Bác sỹ chuyên khoa I Trần Minh Khổng - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện kiêm Trưởng tiểu ban chương trình “Bát cháo tình thương”, cho biết: Qua hơn 4 năm, đã có 1.488 bệnh nhân được thụ hưởng 7.316 suất cháo với tổng số tiền 45.086 ngàn đồng. Hiện nay, quỹ của chương trình còn trên 65 triệu đồng, chưa kể số tiền 27 doanh nghiệp cam kết ủng hộ trong năm 2013 (mỗi doanh nghiệp ủng hộ 1,2 triệu đồng). Nói về phương thức thực hiện, theo bác sỹ Khổng, hàng ngày y, bác sỹ ở các khoa có trách nhiệm kiểm tra tại khoa mình có bao nhiêu bệnh nhân nghèo, sau đó báo với Tiểu ban để thống kê số lượng, phát phiếu và báo cho bộ phận nhà bếp nấu cháo. Bệnh nhân sau khi được phát phiếu thì cứ buổi sáng đến nhà ăn bệnh viện để ăn cháo. Hiện nay, đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chúng tôi đã tạo điều kiện để họ được hưởng trọn vẹn cả 3 bữa trong ngày. Nếu họ không thích ăn cháo thì được nhận số tiền tương ứng để dùng những đồ ăn khác.

Đến giọt máu ân tình

Có nhiều câu chuyện xúc động của các bệnh nhân đã từng được các y, bác sỹ hiến tặng những giọt máu hồng giúp họ vượt qua ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Sản phụ Nguyễn Thị Chương, tạm trú tại xóm Tân Mỹ, xã Tam Hợp huyện Quỳ Hợp là một ví dụ. Chị Chương nhập viện tối ngày mùng 5 Tết. Khi đến viện, chị trong tình trạng rất xấu, thai nhi âm tính, dọa vỡ tử cung, đồng thời qua kiểm tra, các bác sỹ lại phát hiện bị u xơ tử cung. Theo người nhà chị Chương, các y, bác sỹ đã khẩn trương quyết định phẫu thuật để cứu mẹ đồng thời cắt bỏ u xơ tử cung. Trong quá trình phẫu thuật, loại máu nhóm B cần hỗ trợ cho chị có tại bệnh viện chỉ còn 3 đơn vị. Bởi vậy vào lúc 2 giờ 30 sáng mùng 6 Tết, bệnh viện đã triệu tập 2 cán bộ có nhóm máu B để hiến 2 đơn vị máu, qua đó kịp thời cứu sống chị Chương.

Cũng là một sản phụ được các y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc hiến tặng máu nhưng chị Hoàng Thị Hà (ở xóm 7, xã Nghĩa Thịnh) may mắn hơn bởi mẹ tròn con vuông. Bố mẹ chồng của chị Hà là ông Nguyễn Đăng Lưu và bà Nguyễn Thị Ngợi đã rơi nước mắt và không ngớt lời nói: “Phúc cho gia đình tôi là được các bác sỹ tặng máu cứu mẹ Hà. Nếu không, gia đình tôi đã mất con mất cháu rồi…”. Chị Hà sau khi sinh con thì bị băng huyết. Khi bà Ngời phát hiện con mình ra máu nhiều và thiếp đi trên giường, bà đã báo với các y, bác sỹ trực tại khoa sản và chị Hà đã được các y, bác sỹ khẩn trương tập trung cấp cứu. Chị Hà liên tiếp bị băng huyết 2 lần, bởi vậy ngoài số máu có tại tủ máu dự trữ, bệnh viện đã huy động thêm 2 đơn vị máu của 2 y, bác sỹ trẻ…

Theo các bác sỹ bệnh viện đa khoa Tây Bắc, những bát cháo tình thương được xem như là nguồn động viên đối với bệnh nhân nghèo thì ngân hàng máu sống là “nguồn thuốc quý” để bệnh viện kịp thời cứu giúp bệnh nhân. Tại bệnh viện, tủ dự trữ máu chỉ thường xuyên có khoảng 20 đơn vị máu với những nhóm máu khác nhau. Bởi vậy, có rất nhiều ca cấp cứu cần lượng máu lớn mà tủ dự trữ không đáp ứng đủ. Thông thường, những ca như vậy phải huy động máu của người nhà hoặc phải chuyển bệnh nhân đi bệnh viện tuyến trên. “Đã có những trường hợp tử vong hết sức thương tâm trên đường đi lên viện tuyến trên vì thiếu máu. Bởi vậy, năm 2011, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định thành lập “Ngân hàng máu sống” với sự tham gia của 108 y bác sỹ, cán bộ nhân viên trẻ…”.

Bác sỹ Vương Khả Vinh, Bí thư đoàn kiêm Chủ nhiệm Ngân hàng máu sống Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc cho biết. Theo bác sỹ Vinh, các thành viên tham gia hầu hết là các y, bác sỹ, cán bộ nhân viên trẻ của Bệnh viện và họ đều rất nhiệt tình hiến máu cho người bệnh trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Các thành viên được kiểm tra nhóm máu và mở máy điện thoại 24/24 giờ để khi cần sẽ được điều động kịp thời. Từ khi thành lập “Ngân hàng máu sống” đến nay, đã có nhiều thành viên hiến máu cho người bệnh, có những thành viên đã 10 lần hiến máu. Gặp gỡ anh Nguyễn Trung Dũng - cán bộ quản lý mạng, Trần Quốc Đàn - kỹ thuật viên xét nghiệm, những người hơn 2 giờ sáng ngày mùng 6 Tết trong tiết trời lạnh giá đã đi hơn 10 km từ nhà đến bệnh viện để kịp thời hiến máu cứu giúp sản phụ Nguyễn Thị Chương; điều dưỡng viên Phan Thanh Hùng - người đã 10 lần hiến máu, qua trò chuyện, với các anh chỉ đơn giản là: “Khi bệnh nhân cần thì chúng tôi cho máu, vậy thôi…”.


Nhật Lân