Nhảy taxi... dù

09/05/2013 17:38

Trong khi ở nước ngoài người ta ít có thói quen đi taxi (do hầu hết mọi gia đình đều có ô-tô riêng hoặc người ta ưa chuộng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng), thì ở Việt Nam, việc đi taxi khá phổ biến do tính tiện dụng không chỉ đối với người dân (trong trường hợp thời tiết xấu hoặc không có phương tiện đi lại) mà với cả khách du lịch. Tuy nhiên, hiện tượng taxi “dù", một vấn nạn không hề mới, đã và đang gây nhiều phiền toái cho khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh văn minh của taxi Việt Nam và gián tiếp đến phát triển du lịch.

(Baonghean) - Trong khi ở nước ngoài người ta ít có thói quen đi taxi (do hầu hết mọi gia đình đều có ô-tô riêng hoặc người ta ưa chuộng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng), thì ở Việt Nam, việc đi taxi khá phổ biến do tính tiện dụng không chỉ đối với người dân (trong trường hợp thời tiết xấu hoặc không có phương tiện đi lại) mà với cả khách du lịch. Tuy nhiên, hiện tượng taxi “dù", một vấn nạn không hề mới, đã và đang gây nhiều phiền toái cho khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh văn minh của taxi Việt Nam và gián tiếp đến phát triển du lịch.

Cô bạn mình vào Thành phố Hồ Chí Minh nghỉ lễ 30/4 vừa rồi, có phàn nàn với mình: “Vừa bước chân ra khỏi sân bay đã gặp chuyện bực mình, cái ông ta xi thấy mình nói giọng ở vùng khác, nghĩ là mình không biết đường nên vừa chạy đến khánh sạn vội giơ tay ấn đồng hồ tính tiền trở về 0, hô hoán đòi 100 nghìn, trong khi mình đã kịp nhìn thấy đồng hồ hiện 35 nghìn, mình vặn hỏi thì ông ấy vùng vằng "Xin thêm mà không cho thì thôi", rồi chạy thẳng. Nghĩ mà ngao ngán, đấy là sân bay còn sắp xếp nhân viên quản lí điều phối taxi cho khách rồi đấy!".

Có lần, mình đi chơi với mẹ ở Hà Nội, hai mẹ con đi mua sắm chán chê, bắt taxi về khách sạn. Ngồi được 5 phút, tự nhiên mẹ mình nói: “À thôi, mẹ con mình xuống đây ăn phở gà Tôn Đức Thắng rồi về khách sạn sau!", mình ngơ ngác chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, bị mẹ mình lườm cho một cái nên im lặng nghe theo. Xuống xe rồi mẹ mình mới bảo: "Con không thấy cái đồng hồ tính giờ chạy vèo vèo như ma đuổi à, vớ phải taxi “dù" con ơi", thế là hai mẹ con lếch thếch đi bộ thêm một quãng, chờ bắt được một chiếc taxi Mai Linh để về khách sạn.

Đến người Việt mình còn bị cho “nhảy dù", với khách du lịch nước ngoài lại càng phổ biến hơn nữa. Có lần mình đang đứng chờ bạn ở trước cửa một khách sạn thì thấy nhóm khách nước ngoài đứng cãi vã với một anh taxi, anh taxi thì gân cổ kêu “Ây ti, ây ti” (ý là 80 nghìn bằng tiếng Anh), còn mấy người khách thì cãi lại “Ây tin, oăn ết” (ý là 18 nghìn, “một-tám” để nhấn mạnh). Dùng dằng mãi, lễ tân khách sạn phải ra xem sự tình, giải thích cho mấy vị khách trả đúng giá tiền taxi đi từ xa về khách sạn, một mặt nói anh taxi liệu mà cầm đúng từng ấy tiền chứ đừng thấy khách nước ngoài mà đỏ mắt, chặt chém người ta. Thực ra chuyện cũng chỉ vì anh taxi vừa tham tiền vừa kém ngoại ngữ chứ có gì đâu.

Như vậy để thấy, nạn taxi “dù” đang hoành hành ở Việt Nam hết sức đa dạng về cách thức (chạy lòng vòng, đồng hồ tính gian tiền, tắt đồng hồ tính tiền hoặc không sử dụng đồng hồ mà ra giá bằng miệng), đối tượng nhắm tới (khách du lịch trong và ngoài nước) và đối tượng thực hiện (từ các hãng taxi nhỏ cho đến các hãng taxi tên tuổi đều ít nhiều không tránh khỏi). Tất nhiên, không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm cho các hãng taxi, vì lỗi là ở cấp tài xế, nhưng cũng có thể đặt ra câu hỏi về chế độ của hãng dành cho tài xế, tình hình tài chính và hoạt động của hãng nhằm giải thích lí do vì sao các tài xế phải “căng dù” cho taxi nhằm kiếm thêm năm, ba chục nghìn. Cũng không loại trừ khả năng các tài xế taxi “dù” đơn giản chỉ là mắc phải căn bệnh “chặt chém” rất phổ biến ở người Việt Nam khi thấy khách du lịch. Chung quy chỉ vì người mình nhiều khi còn có cái nhìn thiển cận, tham cái lợi nhỏ trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài của một ngành du lịch bền vững và được khách du lịch tín nhiệm, khiến nhiều khách du lịch “một đi không trở lại".

Câu chuyện về taxi “dù” chỉ là một vấn nạn hiển hiện ngay trước mắt mà chúng ta thường tặc lưỡi, hoặc chịu “nhắm mắt đưa chân”, hoặc biết mà tránh chứ mấy khi đả kích, bài trừ triệt để. Thực ra, việc taxi “dù” tràn lan là biểu hiện của sự bất cập trong việc quản lí thị trường taxi cũng như việc quảng bá, công tác tư tưởng cho người dân nói chung và các tài xế taxi nói riêng về phát triển du lịch. Trách nhiệm này thuộc về các hãng taxi và các cơ quan có thầm quyền, để một khi dân mình hiểu và có ý thức trách nhiệm với lợi ích kinh tế chung của cả xã hội, tin rằng mỗi cá nhân sẽ tự giác làm tốt nhiệm vụ của mình vì lợi ích kinh tế chung lớn thì tự nhiên lợi ích kinh tế cá nhân cũng sẽ lớn theo. Đây là vấn đề cốt lõi không chỉ của vấn nạn taxi “dù”, mà còn của nhiều vấn nạn “dù” khác, trong xã hội của chúng ta...


Hải Triều (Email từ Paris)