Bài cuối: Tạo động lực phát triển mới

01/02/2013 17:13

(Baonghean) - Có thể nói, chuyển đổi nông, lâm trường quốc doanh là bước “đột phá” quan trọng tạo động lực thúc đẩy nông, lâm trường đổi mới và phát triển.

>>Bài 3: Bình mới... rượu có mới?

Sau chuyển đổi từ Nghị quyết 28, tỉnh ta đã tích cực rà soát, đánh giá thực trạng của nông lâm trường quốc doanh, từ đó xác định từng nhiệm vụ, vai trò của từng nông, lâm trường để điều chỉnh hợp lý hình thức quản lý, sử dụng tài nguyên đất phát huy hiệu quả. Cụ thể hệ thống nông lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh ta được sắp xếp lại như sau: Các công ty nông nghiệp có 7 công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập (giảm Công ty rau quả 19/5 Nghệ An). Trong đó, Công ty TNHH một thành viên phát triển chè Nghệ An có 8 đơn vị thành viên hạch toán báo sổ, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xuất nhập khẩu cao su - cà phê Nghệ An có 6 đơn vị thành viên hạch toán báo sổ. Các công ty lâm nghiệp có 5 công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập, trong đó Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Sông Hiếu có 6 đơn vị hạch toán báo sổ. Các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có 14 ban, trong đó có 9 ban chuyển đổi từ các công ty lâm nghiệp và lâm trường quốc doanh, 4 ban quản lý rừng phòng hộ và Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống thành lập mới.

Trước đây, hệ thống nông, lâm trường quản lý diện tích đất lớn nhưng chưa phát huy hiệu quả. Sau khi chuyển đổi thực hiện cách quản lý mới đã khai thác được tiềm năng từ vốn đất. Đã xác định rõ những diện tích đất không sử dụng, sử dụng sai mục đích, sai đối tượng để chuyển giao cho nông dân sản xuất đúng theo quy định của pháp luật. Sau chuyển đổi các nông, lâm trường đã giao trả đất cho địa phương là 93.308,67 ha; hiện còn lại 542.874 ha; trong đó có 54.013,11 ha được thực hiện theo các hình thức khoán; giao khoán theo Nghị định 01/CP 7.592,89 ha, giao khoán theo Nghị định 135/NĐ-CP 36.810 ha. Thực hiện sắp xếp lại lao động, tính đến thời điểm này có 24.438 lao động, trong lao động đóng bảo hiểm xã hội 6.764 người, lao động nhận khoán 5.429 người, người nghỉ hưu nhận khoán 5.516 người, dân tại chỗ nhận khoán 6.702 người. Số lao động dôi dư đã được giải quyết theo Nghị định 41 NĐ-CP, 155 /NĐ-CP, 110/ NĐ-CP là 998 lao động, kinh phí hỗ trợ đã quyết toán 37,37 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 34,66 tỷ đồng, các công ty chuyển đổi bỏ ra 2,71 tỷ đồng.



Vườn ươm keo lai của Công ty TNHH lâm nghiệp MTV Con Cuông.

Hầu hết các nông, lâm trường đã xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ về KHKT, công nghệ. Tổ chức sản xuất đẩy mạnh đầu tư vào chế biến, quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung có chất lượng cao như tại Công ty TNHH-MTV NN Xuân Thành đã quy hoạch trồng được trên 650 ha cam các loại, đưa giống mới vào sản xuất như: cam sạch bệnh, cam chín muộn (V6), đem lại giá trị kinh tế cao. Công ty TNHH MTV cây ăn quả đã quy hoạch trồng được trên 900 ha cao su, đưa vào trồng giống cao su có năng suất cao. Các công ty lâm nghiệp đưa vào sản xuất các loại giống cây nguyên liệu như keo lai dâm hom, keo tai tượng; ươm thành công và đưa vào sản xuất một số giống cây ngập mặn như sú, bần, đước để trồng rừng phòng hộ ngập mặn ven biển. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ, thâm canh trồng các loại giống mới, nên năng suất cây trồng tăng từ 20-50%. Cụ thể như cam chín muộn vào Tết năng suất 150-160 tạ/ha, doanh thu 500-600 triệu đồng/ha/năm, cao su tăng thêm 0,2 tấn mủ khô/năm tương đương 15-20 triệu đồng/ha/năm. Cây nguyên liệu mía tăng 30-40 tấn mía cây/ha/năm, keo lai dâm hom, keo tai tượng 6-7 năm đạt 150 m3/ha, tăng 25-30 triệu đồng.
Về tài chính, nhìn chung các đơn vị được giao vốn đều phát huy và bảo toàn số vốn. Các công ty đều kinh doanh có hiệu quả; doanh thu trước chuyển đổi năm 2010 là 501.393 triệu đồng, bình quân 41.782,75 triệu đồng/đơn vị, sau chuyển đổi năm 2011 là 579.094,00 triệu đồng, bình quân 48.257,83 triệu đồng/đơn vị. Lợi nhuận trước chuyển đổi 7.600,00 triệu đồng, bình quân 633,33 triệu đồng/đơn vị, sau chuyển đổi 15.031,00 triệu đồng, bình quân 1.252,58 triệu đồng. Thu nhập bình quân trước khi chuyển đổi 2.390.000 đồng/người/tháng, sau chuyển đổi 2.870.000 đồng/người/tháng.

Hầu hết các công ty nông lâm nghiệp thực hiện tốt chức năng cung ứng, tiêu thụ và dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất nông lâm nghiệp trong vùng, thực hiện có hiệu quả các dự án khuyến lâm, Dự án trồng rừng 661, Dự án 147, Dự án trồng rừng Việt Đức …bình quân trồng mới 10.000 ha rừng tập trung góp phần tạo lập nguyên liệu phục vụ CN chế biến, nâng độ che phủ rừng từ 45% năm 2002 lên 53,3 % năm 2011. Sự phát triển của các công ty nông, lâm nghiệp đã góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ nông dân thông qua trồng, chế biến và tiêu thụ nông lâm sản. Đặc biệt góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp trong vùng.

Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế nhất định như: Nhiều đơn vị vẫn còn giữ các hình thức giao khoán cũ, một số diện tích vẫn chưa chuyển hình thức khoán theo Nghị định 01/CP sang Nghị định 135/2005/NĐ-CP, nên trách nhiệm của người nhận khoán chưa được nâng cao. Chưa thực hiện xong chủ trương thuê đất đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh. Công tác kiểm kê bảo vệ còn hạn chế nên việc xác định đất rừng tranh chấp, lấn chiếm cũng chưa chính xác. Chính sách hỗ trợ đối với những nông lâm trường vừa sản xuất kinh doanh vừa mang tính công ích vẫn chưa được xác định một cách cụ thể và phù hợp.

Để các nông, lâm trường quốc doanh phát triển ngày càng hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo: Các công ty cần chủ động trong sản xuất kinh doanh, nhất là mở rộng ngành nghề nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Các công ty nông, lâm nghiệp sẽ được tạo điều kiện đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, xây dựng cơ sở chế biến, dịch vụ gắn với vùng sản xuất. Đối với các công ty có đủ điều kiện sẽ được thí điểm cổ phần hoá để rút kinh nghiệm, chủ yếu là thí điểm vườn cây, rừng trồng gắn với cơ sở chế biến, dịch vụ. Tổ chức thí điểm chuyển một số công ty TNHH một thành viên nông lâm nghiệp thành công ty CP để rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó để tiến hành các công ty còn lại. Nhà nước cần đầu tư kinh phí để thực hiện đo đạc hoàn thành việc giao đất, cho thuê đất, cắm mốc ranh giới, quy hoạch đất đai cho các nông lâm trường quốc doanh, xác định rõ giá trị tài sản trên đất làm căn cứ giao vốn cho doanh nghiệp.


Bài ảnh: Văn Trường