Chuyện về người thương binh “Tàn nhưng không phế”

27/03/2013 20:22

(Baonghean) - Đến thăm thương binh Đinh Văn Cảnh ở khối 3, Thị trấn Diễn Châu, chứng kiến cảnh ông khi thì thoăn thoắt di chuyển bằng hai tay trên 2 chiếc ghế nhựa, lúc lại cặm cụi bên đống đồ cơ khí để chế tạo hộp số lùi cho những chiếc xe máy cải tiến dành cho người khuyết tật, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí và nghị lực phi thường của người thương binh này.

(Baonghean) - Đến thăm thương binh Đinh Văn Cảnh ở khối 3, Thị trấn Diễn Châu, chứng kiến cảnh ông khi thì thoăn thoắt di chuyển bằng hai tay trên 2 chiếc ghế nhựa, lúc lại cặm cụi bên đống đồ cơ khí để chế tạo hộp số lùi cho những chiếc xe máy cải tiến dành cho người khuyết tật, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí và nghị lực phi thường của người thương binh này.

Cuộc đời ông tựa như một câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu. Sau 4 năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia, người lính biên phòng Đinh Văn Cảnh trở về Việt Nam với đôi chân bị cụt quá đùi do vướng mìn trong chiến dịch tấn công vào căn cứ cuối cùng của Khơme đỏ. Từ Bệnh viện 115 Sài Gòn, ông được chuyển về Đoàn an dưỡng 200, đến năm 1984 thì về Khu điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An.



Thương binh Đinh Văn Cảnh.

Bước ngoặt cuộc đời của ông chính là cuộc gặp gỡ với cô gái đồng hương Phạm Thị Lai, người bạn đời của ông bây giờ qua một lần đi thăm, giao lưu với bạn bè. Cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh của người lính trở về từ chiến tranh, chị đã bằng lòng kết tóc xe duyên cùng ông, khi đó ông đã 37 tuổi.

Kết hôn năm 1993 nhưng mãi đến năm 2007, ông mới có điều kiện rời Trung tâm Điều dưỡng thương binh về sống với gia đình ở địa phương, 4 đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng kinh tế dồn lên vai người vợ. Thấu hiểu điều đó, ông luôn nghĩ cách để tăng thêm thu nhập cho gia đình, xoay đủ nghề, thậm chí còn đi buôn vải ở chợ.

Với vốn kiến thức về cơ khí học được trong thời quân ngũ, với những bộ phận như giảm xóc, vành, bánh răng… ông mày mò tìm cách lắp ghép tự làm hộp số lùi cho xe 3 bánh dành cho người khuyết tật. Sau 5 tháng, cuối cùng cũng thành công, không chỉ đi lại thuận tiện mà ông còn có thể chở hàng giúp vợ.

Nhiều người khuyết tật trong và ngoài tỉnh nghe tiếng tìm đến nhờ ông giúp, trong đó có người tận ở Thường Tín (Hà Tây). Không chỉ cải tạo xe máy 3 bánh có hộp số lùi, thời gian sau này ông còn làm xe lăn tay, xe lắc, xe điện 3 bánh có thể dùng điện và quay tay dành cho người khuyết tật.

Từ năm 1990 đến nay ông đã làm được khoảng 150 chiếc xe các loại “vừa kiếm thêm thu nhập vừa giúp người cùng cảnh ngộ có phương tiện đi lại, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích”. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn ông hỗ trợ là chính, chỉ lấy tiền nguyên vật liệu, không lấy tiền công. Ngoài nghề cơ khí, ông còn giúp vợ điều hành đại lý phân phối bia, nước ngọt kiêm nhà hàng ăn uống với mức thu nhập bình quân trừ chi phí được khoảng 100 triệu đồng. Cơ ngơi bám mặt đường Quốc lộ 1A hiện tại được vợ chồng ông gây dựng nên từ hai bàn tay trắng, từ nghị lực và sự cảm thông, chia sẻ… Viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, Đinh Văn Cảnh từng vinh dự nhận Bằng khen của Bộ LĐ-TB & XH dành cho đối tượng chính sách khắc phục khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động, học tập và công tác.


Khánh Ly