Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời về việc khám chữa bệnh bằng BHYT

20/05/2013 08:44

Trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 19/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết mình rất chia sẻ với những người dân đi khám bệnh bằng thẻ BHYT trong thời qua, do người dân phải chờ đợi rất lâu, thủ tục phiên hà, thái độ của một số cán bộ y tế không thực sự tận tình và giá dịch vụ y tế trước đây còn thấp.

Trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 19/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết mình rất chia sẻ với những người dân đi khám bệnh bằng thẻ BHYT trong thời qua, do người dân phải chờ đợi rất lâu, thủ tục phiên hà, thái độ của một số cán bộ y tế không thực sự tận tình và giá dịch vụ y tế trước đây còn thấp.



Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Thưa Bộ trưởng, có khá nhiều người dân gửi câu hỏi đến Chương trình với nội dung như sau: “Chúng tôi được biết là Thủ tướng vừa phê duyệt lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020, đồng thời trong năm nay Bộ Y tế cũng tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế sau 3 năm đưa vào thực hiện”. Xin Bộ trưởng cho biết sau những sự kiện quan trọng này thì chính sách BHYT toàn dân có những thay đổi gì đáng chú ý?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng và là nguồn tài chính vững bền giúp chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Nội dung chính của Đề án này gồm: Thứ nhất, tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm toàn dân, phấn đấu cố gắng đến năm 2015 đạt 70% người dân tham gia BHYT, và đạt ít nhất 80% vào năm 2020. Thứ hai là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng sự hài lòng của bệnh nhân.

Theo cá nhân Bộ trưởng, điều gì là thay đổi quan trọng nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đó là việc người dân tham gia BHYT càng nhiều càng tốt, người dân phải nhận thức được rằng đây là quyền lợi của mình chứ không phải nghĩa vụ, có nhiều người còn coi đó như bùa hộ mệnh. Hiện nay, những người dùng bảo hiểm tự nguyện khi nào ốm thì mới mua, họ không biết đây là quyền lợi, vì với mệnh giá như hiện nay thì gói dịch vụ y tế của chúng ta là rất ưu việt. Bên cạnh đó, phải gắn nhiệm vụ thực hiện BHYT toàn dân với chính quyền các cấp và đưa thành chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội cũng như chỉ tiêu phát triển nông thôn mới. Đồng thời phải giảm bớt tiền chi của người dân, nghĩa là những người tham gia BHYT thì các dịch vụ y tế cơ bản được BHYT thanh toán.

Như Bộ trưởng vừa nêu, thời gian vừa qua người dân chưa thực sự ý thức rằng BHYT là quyền lợi của mỗi cá nhân, liệu có nguyên nhân gì từ điều này, thưa Bộ trưởng? Có khá nhiều nội dung có cùng nội dung sau đây gửi về chương trình: “Hàng tháng chúng tôi đang phải đóng BHYT 1,5% lương nhưng nghịch lý là khi đi khám chữa bệnh nếu không phải điều trị tốn phí nhiều thì chúng tôi cứ bảo nhau là đi khám bình thường cho nhanh, khỏi rắc rối, nhiêu khê, đấy còn chưa kể quê tôi nghĩ đến chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT và thái độ của cán bộ y tế ở đây đã thấy nản rồi. Xin Bộ trưởng cho biết bao giờ mới xóa bỏ được tình trạng phân biệt đối xử với việc khám chữa bệnh bằng BHYT".

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi rất chia sẻ với những người dân đi khám bệnh bằng thẻ BHYT trong thời qua, bởi thứ nhất do quá tải nên thời gian chờ đợi rất lâu; thứ 2 là thủ tục phiên hà vì người tham gia BHYT không phải đóng thêm một số khoản cho nên những thủ tục để giảm những khoản này nhiều thủ tục; thứ 3 là thái độ của một số cán bộ y tế không thực sự tận tình để hướng dẫn người dân; thứ 4 là do giá dịch vụ y tế trước đây, do chi trả theo BHYT quá thấp nên người dân phải mua thêm nhiều thuốc, nhiều dụng cụ…tức là họ vừa phải bỏ tiền túi lại vừa bị phiền hà. Ví dụ như cắt amidan trước đây BHYT chỉ thanh toán 40.000 đồng, nhưng thực chất chi phí từ 450.000-600.000 đồng, phần chênh lệch đó bệnh viện phải ghi đơn để bệnh nhân mua thêm.

Xin Bộ trưởng cho biết những bước cụ thể để nâng cao chất lượng dịch vụ liên quan đến BHYT?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi đã được Chính phủ phê duyệt Đề án giảm tải bệnh viện, vì một trong những nguyên nhân khiến chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo là do quá tải bệnh viện. Theo đó sẽ có nhiều giải pháp, trước mắt chúng tôi thực hiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng các chỉ thị và một loạt chính sách ban hành về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, gồm cải cách tất cả các thủ tục khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4-7 tiếng đồng hồ xuống trung bình còn 2-4 tiếng đồng hồ tùy theo khám bệnh thông thường hoặc khám có thêm các xét nghiệm thăm dò chức năng. Đồng thời cũng thực hiện giảm bớt số chữ ký mà BHXH quy định trước đây. Cụ thể trước đây khi hoàn thành khám cho 1 bệnh nhân phải sử dụng tới 6 chữ ký, thậm chí có nơi còn 7 chữ ký thì nay chúng tôi rút xuống còn 4 chữ ký cùng với thống nhất bảo hiểm và nhiều mẫu mã cũng được giảm bớt.
Thứ 2, với việc điều trị theo giá dịch vụ vừa qua, các bệnh viện yêu cầu phải mở thêm các bàn khám bệnh, các ô tiếp đón bệnh nhân, thêm bàn chỉ dẫn, phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng nơi khám chữa bệnh để người dân không mất nhiều thời gian đi lại. Chúng tôi cũng ban hành chỉ thị về nâng cao quy tắc ứng xử. Tuy nhiên có những nơi khả năng thực hiện rất khó, ví dụ mặt bằng của một số bệnh viện không thể còn chỗ để mở rộng khoa khám bệnh và cũng không thể bố trí thêm chỗ ngồi đợi và quạt phục vụ bệnh nhân. Về lâu dài phải mở rộng thêm bệnh viện.

Thưa Bộ trưởng, vừa qua Bộ Y tế cũng đã đưa đề án về bệnh viện vệ sinh và bác sỹ gia đình, Bộ trưởng có thể cho biết người dân được hưởng lợi như thế nào từ đề án này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây là một trong những giải pháp cơ bản để giảm tải các bệnh viện tuyến Trung ương. Ngoài các giải pháp trước mắt tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối phải mở rộng hoặc tăng thêm giường hoặc xây dựng cơ sở 2 thì về lâu dài các bệnh viện phải xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, nghĩa là các bệnh viện tuyến tỉnh phải thực hiện được các kỹ thuật cao bằng cách nhận chuyển giao kỹ thuật và đào tạo của các bệnh viện tuyến Trung ương cuối cùng tập trung vào 5 chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nhi, sản và chấn thương chỉnh hình. Những bệnh viện Trung ương phải chịu trách nhiệm ít nhất đối với 5 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh. Sau thời gian chuyển giao như vậy thì các bệnh viện vệ tinh có thể thực hiện các kỹ thuật cao như các bệnh viện Trung ương và người dân không phải đi lại nhiều.
Hiện nay, một số bệnh viện có thể làm tốt như bệnh viện Phú Thọ, Kiên Giang, Tiền Giang, Ninh Bình…Thứ 2, đối với bác sỹ gia đình là các bác sỹ ở các trạm y tế và các phòng khám ngoài giờ và các trung tâm bác sỹ gia đình. Với các đội ngũ bác sỹ được đào tạo kiến thức về bác sỹ gia đình phục vụ người dân ngay tại chỗ những nhu cầu chăm sóc khám chữa bệnh ban đầu. Điều này rất thiết thực với người dân, người dân không phải đi xa và đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng trong nhân đân đồng thời giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, ngoài khám chữa bệnh ban đầu, người dân còn được hướng dẫn các phương pháp phòng bệnh và tăng cường sức khỏe. Đặc biệt, những người tham gia khám chữa bệnh ở phòng khám bác sỹ gia đình cũng được thanh toán BHYT nếu họ tham gia BHYT.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 705 về nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng mà thuộc hộ gia đình cận nghèo, điều này có ảnh hưởng cụ thể như nào tới đối tượng được thụ hưởng chính sách này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Những hộ cận nghèo rất dễ trở thành nghèo nếu bị bệnh, cho nên quyết định này của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách an sinh xã hội sẽ giúp giảm nghèo nhanh hơn. Hiện nay, nhìn chung người cận nghèo được hỗ trợ 70% nhưng theo quyết định này thì Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% đối với những hộ cận nghèo thuộc hộ cận nghèo mà mới thoát nghèo, hộ cận nghèo sống tại 62 huyện nghèo trên cả nước và hộ cận nghèo sống tại những huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.


Theo (Chinhphu.vn) - L.T