Nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc

28/03/2013 10:10

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, sau khi tổ chức quán triệt cho đội ngũ cán bộ công chức, Thanh tra tỉnh đã tổ chức hội nghị để lấy ý kiến đóng góp của các phòng ban, chi hội vào Dự thảo Hiến pháp 1992. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu, chúng tôi xin có một số ý kiến cụ thể sau:

(Baonghean) - Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, sau khi tổ chức quán triệt cho đội ngũ cán bộ công chức, Thanh tra tỉnh đã tổ chức hội nghị để lấy ý kiến đóng góp của các phòng ban, chi hội vào Dự thảo Hiến pháp 1992. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu, chúng tôi xin có một số ý kiến cụ thể sau:

Nhìn chung, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này đã bảo đảm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và Văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI về sửa đổi Hiến pháp 1992. Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Hiến pháp đã cơ bản giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992; đồng thời, tinh thần sửa đổi Hiến pháp lần này cũng bảo đảm, quán triệt được Hiến pháp là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài.

Về các ý kiến góp ý cho từng nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp:

Đầu tiên là bố cục, bản chất và nội dung: cần nghiên cứu Hiến pháp 1946 để thực hiện cho phù hợp, nên sửa đổi, phát triển theo đường lối của Hiến pháp 1946.

Góp ý vào Điều 4, Dự thảo Hiến pháp, đa số các đại biểu nhất trí, tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, cần làm rõ hơn vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội để phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra. Phải phòng và chống những nguy cơ, suy thoái biến chất của cán bộ, đảng viên và cần thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp sửa đổi. Bên cạnh đó, đề nghị sửa lại đoạn thứ hai trong Điều 4 Dự thảo như sau: Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những chủ trương, quyết định của mình.

Tại Điều 9, vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Tuy Dự thảo Hiến pháp cũng như Hiến pháp 1992 đã quy định, nhưng trong thực tế việc thể chế và chưa có cơ chế đảm bảo nên một số mặt, đặc biệt vai trò giám sát chưa đáp ứng yêu cầu. Vấn đề giám sát và phản biện xã hội cần phải được Hiến pháp quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, trong điều kiện hệ thống chính trị Việt Nam do một tổ chức chính trị duy nhất là Đảng ta lãnh đạo. Việc tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân chỉ có thể có được trên nền thực hành dân chủ. Ghi nhận như Khoản 3, Điều 9 là chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của MTTQ, dễ tạo ra cơ chế xin - cho.

Tại Điều 60, Dự thảo nên bổ sung cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm; phòng, chống lãng phí, tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước. Mặt khác, nêu như Dự thảo là chưa thể hiện thật đầy đủ vai trò tối cao của Quốc hội trong việc lập hiến, lập pháp; chưa cụ thể các quyền của Quốc hội trong việc giám sát, điều hành hoạt động của Chính phủ.


Hoàng Danh Linh (VP Thanh tra tỉnh)