Mở đất thêm hướng thoát nghèo

15/04/2013 21:32

Đối với các địa bàn miền núi, việc mở rộng đất canh tác là điều kiện quan trọng để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chính vì vậy, Đảng ủy xã Lạng Khê đã ban hành nghị quyết chuyên đề số 48/2012 về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung khai hoang, phục hóa, phát triển sản xuất. Từ nghị quyết đúng, nhân dân đồng thuận, kết quả đã có hàng chục hécta đất được đưa vào sản xuất, góp phần tích cực nâng cao đời sống cho đồng bào.

(Baonghean) - Đối với các địa bàn miền núi, việc mở rộng đất canh tác là điều kiện quan trọng để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chính vì vậy, Đảng ủy xã Lạng Khê đã ban hành nghị quyết chuyên đề số 48/2012 về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung khai hoang, phục hóa, phát triển sản xuất. Từ nghị quyết đúng, nhân dân đồng thuận, kết quả đã có hàng chục hécta đất được đưa vào sản xuất, góp phần tích cực nâng cao đời sống cho đồng bào.

Chúng tôi đến bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê (Con Cuông) đã là 10h30’, cái nắng mùa khô ở miền núi như gay gắt hơn vào đầu hạ. Phải chờ khoảng 20 phút, trưởng bản Lộc Minh Tỵ phóng xe máy về, mồ hôi nhễ nhại: “Các anh về không báo trước nên tôi đi làm cỏ mía, cả bản đang tập trung chăm sóc mía vụ đầu tiên trên cánh đồng mới khai hoang. Mới trồng được hơn hai tháng, mía phát triển tốt, bà con phấn khởi lắm”.

Qua tìm hiểu thông tin, chúng tôi biết bản Chôm Lôm là địa bàn quan trọng về phát triển kinh tế của xã Lạng Khê. Từ trước tới nay, đồng bào nơi đây đã chú trọng trồng lúa nước, tận dụng đất bằng để trồng màu, phát triển chăn nuôi. Vì thế, đời sống của dân bản khấm khá nhất xã. Đặc biệt từ năm 2007, khi cầu treo Chôm Lôm đưa vào sử dụng, đồng bào thuận lợi hơn trong phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Theo ông Tỵ, Phó Bí thư, Trưởng bản Chôm Lôm, phong trào phát triển kinh tế ở bản bắt nguồn từ các đảng viên gương mẫu. Bản thân gia đình ông Tỵ cũng đi lên từ những vườn mét, ao cá và ruộng nước. Năm 2012, dân bản thực sự phấn khởi khi thực hiện nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã, Chôm Lôm có thêm 40 hécta đất từ chủ trương đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, mở rộng đất sản xuất. Đến nay, bản Chôm Lôm có gần 100 hécta đất canh tác, trong đó có 25 hécta lúa nước, 30 hécta mía và 45 hécta đất bằng luân canh sản xuất ngô, lạc, đậu.

Để có thêm 40 hécta đất phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, xã Lạng Khê cùng với bà con dân bản đã thực sự cố gắng tập trung khảo sát kỹ địa hình, thuê máy ủi, san lấp bằng phẳng, huy động sức dân làm đường, bờ thửa, cải tạo đất. Mặc dù mỗi hécta đất khai hoang phục hóa được tỉnh hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng nhưng Đảng ủy, chính quyền xã không làm theo phong trào để lấy thành tích mà dựa trên thực tế để phát huy giá trị sản xuất. Cách làm của xã là từng bước vững chắc, tập trung làm theo từng địa bàn, ưu tiên những nơi thuận lợi để tạo nên diện tích lớn cho nhân dân sản xuất, hạn chế làm nhỏ lẻ, kém hiệu quả. Chính vì vậy, ngay sau khi bàn giao đất mới khai hoang, đồng bào Chôm Lôm phấn khởi tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế để cải thiện đời sống.



Cánh đồng mới khai hoang ở Chôm Lôm, xã Lạng Khê.

Từ thành công bước đầu, xã Lạng Khê tiếp tục khảo sát địa hình, huy động nguồn lực mở rộng thêm diện tích canh tác. Đặc biệt, Đảng ủy, UBND xã phối hợp chặt chẽ với Ban Phát triển nông thôn, miền núi huyện Con Cuông triển khai dự án di dân nội vùng, phát triển kinh tế. Dự án này đã khởi động, làm đường giao thông vào bản mới Biềng Phục, khai hoang 20 hécta ruộng nước, phục hóa trên 45 hécta đất màu, xây dựng đập khe Poóng phục vụ sinh hoạt và điều tiết thủy lợi cho ruộng nước. Khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần tích cực để xã giãn dân, phát triển kinh tế. Xã Lạng Khê cũng đặt mục tiêu trong năm 2013 và những năm tiếp theo, xã sẽ khai hoang, phục hóa thêm từ 20 đến 40 hécta đất ở những bản làng khác. Cùng đó nâng cấp các đập chứa nước phục vụ sản xuất và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng năng suất, chất lượng cao.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Lạng Khê, chị Lê Thị Thủy cho biết: Mở rộng đất canh tác là mong muốn của tất cả đồng bào trên địa bàn xã. Mặc dù quĩ đất còn nhiều nhưng địa bàn lắm núi, nhiều dốc nên khai hoang được những mảnh đất bằng phẳng cho trồng trọt là điều cực kỳ khó khăn. Nếu làm nhỏ lẻ ở các hốc chọ (khe núi) thì kinh phí lớn, hiệu quả không cao. Trong tổng số trên 10.365 hécta đất tự nhiên, xã chỉ có 720 hécta đất nông, lâm nghiệp và chỉ có 120 hécta ruộng nước.

Hiện nay xã có 7 bản nhưng còn hai bản là Huồi Mạc và Khe Thơi chưa có ruộng nước, đất bằng sản xuất, chỉ phụ thuộc vào diện tích rẫy ít ỏi và rừng khoanh nuôi. Với sự hợp sức của người dân, xã đang nỗ lực để khai hoang, phục hóa thêm nhiều diện tích đất phục vụ sản xuất, bên cạnh đó, phát huy tối đa kinh tế rừng, đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò, lợn rừng, nhím hàng hóa, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.


Nguyên Sơn