Bài 3: Quy mô và ý nghĩa

31/01/2013 18:50

3. quy mô và sự thành bại của cuộc khởi nghĩa.

>>Bài 2: Khởi nghĩa Hoan Châu

3. quy mô và sự thành bại của cuộc khởi nghĩa.


Khởi nghĩa Hoan Châu là cuộc khởi nghĩa quy mô và là thắng lợi lớn của dân tộc chống đô hộ của nhà Đường ở thế kỷ VIII. Dưới sự tổ chức của Mai Thúc Loan, cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Hoan Châu rồi nhanh chóng lan ra các châu huyện, tấn công chiếm được phủ thành Tống Bình (Hà Nội). Sử Trung Quốc ghi nhận, Mai Thúc Loan "vây đánh châu huyện” (Cựu Đường thư, Q 8), "dấy quân 32 châu (Tân Đường thư, Q.207), "bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm giữ vùng biển Nam, quân chúng đến 40 vạn” (Tân Đường thư, Q. 207), "mưu hãm An Nam phủ” (Tân Đường thư, Q. 184), “tự xưng Hắc Đế" Cựu Đường thu, Q. 184).

Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi, vây hãm và chiếm được phủ thành Tống Bình, giải phóng cả nước, xây dựng và bảo vệ được chính quyền độc lập trong gần 10 năm (713 - 722). Đặc biệt Mai Thúc Loan đã xưng đế, tức Vua Mai Hắc Đế, biểu thị tinh thần độc lập, ý thức chủ quyền quốc gia sánh ngang với hoàng đế phương Bắc. Thành Vạn An (Nam Đàn, Nghệ An) là căn cứ khởi nghĩa đã được xây dựng thành quốc đô.

Cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan với quá trình chuẩn bị, công việc vận động nhân dân và thủ lĩnh các vùng, việc liên kết với Chiêm Thành, Chân Lạp, Kim Lân thực hiện thế nào và bằng phương thức gì... còn phải tiếp tục thu thập thêm tư liệu, nhất là công việc điều tra, khảo sát trên những địa bàn liên quan. Kết quả khảo sát văn bia ở đình Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết cha Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một thủ lĩnh vùng Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã tham gia cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan; vùng Điều Yêu (xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, Hải Phòng) còn lưu giữ thần tích và một số truyền thuyết về hoạt động của ba người con của Mai Thúc Loan là Mai Bảo Sơn, Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn ở vùng duyên hải trọng yếu này; thôn Hòa Mục (phường Trung Hòa, huyện Cầu Giấy, Hà Nội) có đền Dục Anh thờ bà Phạm Thị Uyển là vợ thứ của Mai Thúc Loan với thần phả và truyền thuyết về cuộc chiến đấu chống quân Đường...

Năm 713, Mai Thúc Loan dấy binh khởi nghĩa, trước hết chiếm giữ Hoan Châu làm căn cứ, mở rộng thế lực ra các châu huyện, rồi tiến công chiếm Tống Bình phủ thành. Năm 722, nhà Đường mới điều quân sang đàn áp. Một câu hỏi cần đặt ra là tại sao nhà Đường phản ứng chậm như vậy? Đường Huyền Tông (712-756) lên nối ngôi, chắc chắn trong những năm đầu phải tập trung giải quyết những hậu quả nặng nề của hơn nửa thế kỷ khủng hoảng cung đình, lo dẹp yên nội loạn, chỉnh đốn bộ máy nhà nước và ổn định tình hình chính trị, xã hội. Đó là lý do cắt nghĩa việc chậm điều quân sang đàn áp của nhà Đường và cũng là thời cơ để Mai Thúc Loan khởi nghĩa giành và giữ chính quyền trong gần một thập kỷ. Năm Khai Nguyên thứ 12, năm 722, Dương Tư Húc là nội quan (hoạn quan) và là một tướng rất tàn bạo, đã từng có công trong các cuộc tranh giành quyền lực, vua Đường coi như nanh vuốt, được cử làm Tả (Hữu?) giám môn Vệ tướng quân điều quân cùng với An Nam đại đô hộ Quang Sở Khách đánh chiêm lại An Nam. Dương Tư Húc còn chiêu mộ thêm con em các thủ lĩnh vùng Lĩnh Biểu tức vùng nam Trung Quốc gần An Nam, được hơn 10 vạn binh mã. Tân Đường thư và Cựu Đường thư miêu tả cuộc tiến quân rất vắn tắt: Theo đường cũ của Mã Viện (tức đường ven biển vùng Quảng Ninh), rồi bất ngờ tiến công khiến quân Vua Mai không kịp đối phó và bị thất bại. Nhưng theo các truyền thuyết và di tích ở Nam Đàn thì Vua Mai sau thất bại ở phủ thành Tống Bình, rút quân về Hoan Châu và cuộc kháng chiến tiếp tục với những trận đánh ác liệt quanh thành Vạn An.

4. Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ và giành thắng lợi vào thời thịnh Đường mà đỉnh cường thịnh của đế chế là dưới đời Vua Đường Thái Tông (626-649) và Đường Huyền Tông (712-756). Cuộc khởi nghĩa tận dụng được thời cơ lúc đế chế Đường gặp một số khó khăn về xung đột cung đình và tranh giành quyền lực diễn ra vào sau đời Đường Thái Tông đến đầu đời Đường Huyền Tông. Nhưng rõ ràng đây là thắng lợi vô cùng oanh liệt của một cuộc khởi nghĩa dân tộc, giành và giữ chính quyền, xưng đế hiệu trong gần 10 năm.
Cùng với khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Lý Bí, khởi nghĩa Phùng Hưng, công cuộc giành và giữ chính quyền của Khúc Thừa Dụ - Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ và chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, khởi nghĩa Mai Thúc Loan là một trong những khởi nghĩa vào loại lớn nhất của thời chống Bắc thuộc, một trong những cột mốc quan trọng trên con đường đấu tranh đi đến giải phóng đất nước, giành lại độc lập dân tộc hoàn toàn vào thế kỷ X. Ý nghĩa và bài học lịch sử của cuộc khởi nghĩa này luôn giữ nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta.
(Còn nữa)


Khoa Lịch sử Đại học Vinh