Đức Anh và cuộc sống “đời thừa”

02/05/2013 09:03

Dù vẫn được đăng ký thi đấu trong màu áo SLNA mùa giải 2013 nhưng những trận đấu vừa qua, Đức Anh đã quen với việc theo dõi trận đấu từ khán đài. Từ sau cái ngày bị gãy chân ở Cao Lãnh, Đức Anh vẫn được SLNA cưu mang nhưng nỗi khổ của một người thừa mà thủ thành này đang phải chịu đựng chắc không nhiều người có thể cảm nhận được.

(Baonghean) - Dù vẫn được đăng ký thi đấu trong màu áo SLNA mùa giải 2013 nhưng những trận đấu vừa qua, Đức Anh đã quen với việc theo dõi trận đấu từ khán đài. Từ sau cái ngày bị gãy chân ở Cao Lãnh, Đức Anh vẫn được SLNA cưu mang nhưng nỗi khổ của một người thừa mà thủ thành này đang phải chịu đựng chắc không nhiều người có thể cảm nhận được.

Đức Anh là một trong không nhiều các thủ môn được đào tạo một cách khá cơ bản. Những người làm công tác đào tạo trẻ tại “lò” Sông Lam cho biết, thủ môn này được phát hiện từ khá sớm và khi mới 12 tuổi, Đức Anh đã được đưa từ Nghĩa Đàn xuống Vinh để đào tạo tập trung. Không phụ lòng mong mỏi của gia đình cũng như các thầy, Đức Anh đã sớm thể hiện khả năng của mình.

Năm 2000, chuẩn bị cho VCK U.16 châu Á tổ chức tại Đà Nẵng, HLV Nguyễn Văn Thịnh sau rất nhiều những thử nghiệm đã quyết định đặt niềm tin vào Đức Anh. Ở giải lần ấy, cùng với những Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn…, Đức Anh đã có một giải đấu thành công ngoài mong đợi và được rất nhiều người biết tới.

Tạo được cái tên và quan trọng là nỗ lực không ngừng nghỉ, Đức Anh tiếp tục được đặt niềm tin khi trở thành người bắt chính của SLNA ở các giài trẻ sau đó. Những thành công cùng với U.18, U.19 và U.21 của Đức Anh là không kể hết nhưng cái chính, cái mà người ta yêu quý ở thủ môn này còn là tính cách và lối sống, sinh hoạt rất chuẩn mực.

Có khả năng, giàu khát khao cống hiến nhưng Nghệ An thời điểm ấy được mệnh danh là cái nôi đào tạo thủ môn với những tên tuổi lừng danh lúc bấy giờ như Thế Anh, Hồng Sơn, Đức Cường…nên với một thủ môn trẻ như Đức Anh, thách thức là rất lớn. Nhưng như tính cách vốn có, Đức Anh vẫn âm thầm nỗ lực để khẳng định bản thân. Năm 2009, sau rất nhiều những cố gắng, Đức Anh bắt đầu có vị trí và thường xuyên xuất hiện trong đội hình chính của đội bóng xứ Nghệ.

Tương lai rộng mở bởi khi ấy, Đức Anh vẫn còn trẻ và phía trước đang là những điều đầy mơ ước, khi những thủ thành lừng danh xứ Nghệ đã xa hương đầu quân cho các đội bóng khác. Nhưng cuộc đời vốn chẳng ai học được chữ ngờ khi Đức Anh dính một chấn thương kinh hoàng mà giờ kể lại, thủ môn này vẫn còn rùng mình. Đó là ngày 26/4/2009, SLNA có chuyến làm khách tại Cao Lãnh của TĐCS.Đồng Tháp. Trận đấu căng thẳng và trong một tình huống năm ăn năm thua, tiền đạo Timothy đã ra chân không thương tiếc vào ống đồng khiến Đức Anh gãy chân.



Trận đấu trên sân Cao Lãnh, nơi Đức Anh bị gãy chân.

Phải nhập viện khẩn cấp và mất đến cả năm trời điều trị, Đức Anh mới có thể di chuyển trở lại. Từng dính đến chuyện giải nghệ để tìm công việc khác phù hợp hơn với tình trạng sau mổ của đôi chân nhưng do đam mê bóng đá ăn sâu vào máu thịt, Đức Anh quyết định trở lại SLNA để thực hiện những năm hợp đồng còn lại. Dù lúc này, vị trí người gác đến ở đội bóng xứ Nghệ không còn sự cạnh tranh gay gắt như trước nhưng với đôi chân chưa tạo ra được sự thăng bằng cần thiết, Đức Anh vẫn không thể lấy lại được vị trí. Nghĩ đến chuyện năm 2010, SLNA thuê thủ môn ngoại rồi 1 năm sau đó là đưa về thủ môn “vô danh” lúc bấy giờ là Huỳnh Quốc Cường, Đức Anh lại càng thêm tiếc nuối bởi giá như, không có chấn thương trên sân Cao Lãnh thì có thể anh đã khác.

Chấp nhận dự bị để tìm cơ hội nhưng năm này qua năm khác, Đức Anh vẫn không thể lấy lại phong độ như xưa. Bằng chứng là trong những đấu tập huấn trước mùa giải hay Cúp Quốc gia, Đức Anh vẫn được sử dụng nhưng không tạo được dấu ấn.

Không cống hiến được nhiều nhưng SLNA vẫn tiếp tục tái ký hợp đồng với Đức Anh như là sự cưu mang với một trong những thủ môn chịu thiệt thòi nhất của CLB. Không ngừng nỗ lực để trả ơn đội bóng nhưng ở cái thế hiện tại, để mong cống hiến được một cái gì đó với Đức Anh là rất khó. Thực tế thì sau nhiều năm tập cân bằng đôi chân, Đức Anh đã có thể bắt bóng trở lại nhưng trong hoàn cảnh của SLNA 1-2 năm trở lại đây, cơ hội cho Đức Anh là rất ít.

Hiện tại, ngoài Nguyên Mạnh và Viết Nam, Đức Anh còn phải cạnh tranh với cả “lão tướng” Đức Thắng ở vị trí thủ môn số 3. Một thách thức quá lớn, với một thủ thành từng bị chấn thương tưởng chừng phải giải nghệ. Cuộc sống “đời thừa” tiếp diễn dù SLNA vẫn đảm bảo về thu nhập và các điều kiện khác. Tuy nhiên, với một người chọn quần đùi, áo số làm nghiệp, việc được ra sân luôn là khát khao cháy bóng và tất nhiên, Đức Anh cũng mang trong mình rất nhiều những tâm trạng khó tả.

Trên khán đài sân Vinh những trận vừa qua, khi được hỏi vì sao không ở khu kỹ thuật của đội để sẵn sàng ra sân, Đức Anh chỉ biết cười gượng. Thực tế, anh cũng chẳng biết phải trả lời ra sao, bởi mình không chấn thương, không treo dò, không án kỷ luật nhưng….


Vĩnh Liêm