Ngành tôn thép và bài toán giảm nhập siêu

04/02/2013 11:19

Sau câu chuyện bán phá giá đối với sản phẩm tôm đông lạnh, cá ba sa, giày dép… gần đây dư luận lại “nóng” lên với sản phẩm tôn thép của Việt Nam. Nếu như trước đây “sự cố” đến từ các nền kinh tế lớn ở Châu Âu hay Mỹ… thì lần này lại xuất phát từ các nước trong khu vực và do vậy, vấn đề đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

(Baonghean) - Sau câu chuyện bán phá giá đối với sản phẩm tôm đông lạnh, cá ba sa, giày dép… gần đây dư luận lại “nóng” lên với sản phẩm tôn thép của Việt Nam. Nếu như trước đây “sự cố” đến từ các nền kinh tế lớn ở Châu Âu hay Mỹ… thì lần này lại xuất phát từ các nước trong khu vực và do vậy, vấn đề đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Hãy bắt đầu từ việc nền kinh tế Việt Nam với các DN chưa mạnh như các nước khác trong khu vực, để thực hiện cam kết giảm thuế nhập khẩu về 0% đến 5 % khi tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Việt Nam luôn phải nhập siêu. Trước thực trạng đó, để góp phần tăng trưởng thương mại, các DN Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước ASEAN để giảm bớt nhập siêu và có điều kiện để tăng mậu dịch nội khối.

Nhưng gần đây, một số mặt hàng của Việt Nam vừa đẩy mạnh xuất khẩu đã bị các DN và hiệp hội ngành hàng của nước sở tại kiện về chống bán phá giá và tự vệ đặc biệt thương mại và cho rằng “tăng trưởng XK nhanh làm tổn hại đến họ và đe dọa sản xuất trong nước”. Cụ thể, mặt hàng tôn lợp nhà của Tập đoàn Hoa Sen khi xuất khẩu sang Thái Lan và Indonesia đã vấp phải các rào cản như điều tra về tự vệ thương mại đối với tôn lợp nhà và tiến hành kiện chống bán phá giá các sản phẩm của tập đoàn này. Trước đó, Liên đoàn Công nghiệp Sắt thép Malaysia (MISIF) gửi thư cảnh báo tôn phủ kim loại và sơn phủ màu của Việt Nam nằm trong nguy cơ bán phá giá. Các công ty của Indonesia cũng đã gửi đơn lên cấp nhà nước tuyên bố rằng họ bị tổn hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng và đề nghị chính phủ Indonesia áp dụng biện pháp tự vệ thương mại.

Ngày 17/12/2012, Bluescope Steel Việt Nam đã gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu cho các mặt hàng thép mạ và sơn phủ màu thuộc nhóm HS 7210.70 lên mức 15% và áp dụng từ năm 2013. Ngoài ra, Bluescope Steel Australia đã và đang thực hiện nhiều vụ kiện chống phá giá với các hàng hóa tương tự của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Điều này chứng tỏ Bluescope Steel đang bằng mọi cách chống lại các nhà xuất khẩu nước ngoài thực hiện giao dịch vào những nơi mà họ có hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Không khó để khẳng định, việc bảo hộ thái quá này xuất phát từ lợi ích của một số công ty và tập đoàn đa quốc gia nhằm độc chiếm thị trường. Điều này sẽ tạo ra bất bình đẳng trong quan hệ thương mại giữa các nước và tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, làm tổn hại đến mục tiêu tự do hóa thương mại trong ASEAN.

Rõ ràng, cấu trúc thị trường tự do mà các quốc gia ASEAN đang hướng tới đang dần bị phá vỡ, bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các DN trong khu vực ngày càng nới rộng. Vì vậy, các cơ quan của chính phủ các nước trong ASEAN cần phối hợp và có động thái tích cực, kịp thời để đảm bảo các nguyên tắc tự do thương mại đã cam kết được thực thi, bảo vệ giá trị cốt lõi của quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường, bảo vệ tối đa lợi ích của người tiêu dùng trong khu vực ASEAN và giảm bớt gánh nặng nhập siêu cho Việt Nam.

Câu chuyện của ngành tôn thép và bài toán giảm nhập siêu của Việt Nam rõ ràng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.


Phú Châu