Tin đồn thất thiệt: Trục lợi bằng cách phá hoại thành quả của người khác!

25/02/2013 18:22

Thật khó tin rằng trong xã hội thông tin hiện nay, mặc dù được hỗ trợ bởi nhiều loại phương tiện truyền thông, hàng chục nhà mạng viễn thông có phạm vi phủ sóng rộng rãi và khả năng kết nối mạnh, hàng trăm cơ quan báo chí, hàng nghìn trang tin điện tử chính thống, và vô số các kênh thông tin có thể hỗ trợ, cung cấp, xác nhận, xác tín thông tin một cách nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, tin cậy, vậy mà vẫn xuất hiện tin đồn thất thiệt và không ít trong số các tin đồn đó đã để lại những hậu quả, thiệt hại lớn.

(Baonghean) Thật khó tin rằng trong xã hội thông tin hiện nay, mặc dù được hỗ trợ bởi nhiều loại phương tiện truyền thông, hàng chục nhà mạng viễn thông có phạm vi phủ sóng rộng rãi và khả năng kết nối mạnh, hàng trăm cơ quan báo chí, hàng nghìn trang tin điện tử chính thống, và vô số các kênh thông tin có thể hỗ trợ, cung cấp, xác nhận, xác tín thông tin một cách nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, tin cậy, vậy mà vẫn xuất hiện tin đồn thất thiệt và không ít trong số các tin đồn đó đã để lại những hậu quả, thiệt hại lớn.

Chúng ta đã tuyên truyền, nâng cao cảnh giác đối với những tác hại khó lường của các loại tin đồn thất thiệt đối với tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Thế nhưng, tin đồn thất thiệt vẫn có những “mảnh đất màu mỡ” để tồn tại, hoành hành. Thậm chí, ngay cả với những người giữ khối lượng tài sản lớn, thường xuyên hoạt động trong môi trường năng động, hiện đại, sinh sống tại các trung tâm đầu mối của thông tin, vẫn có thể bị tác động mạnh bởi tin đồn thất thiệt dẫn đến bị thiệt hại lớn bởi nghe và tin theo tin đồn thất thiệt. Đó là điều rất đáng tiếc.

Tuần qua, tin đồn thất thiệt cho rằng Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt đã giáng đòn mạnh vào thị trường chứng khoán, thị trường vàng, thị trường ngoại tệ. Theo thống kê sơ bộ, riêng thị trường chứng khoán đã có gần 34 nghìn tỷ đồng “không cánh mà bay” do tỷ giá chứng khoán lao dốc ồ ạt từ khi xuất hiện tin đồn. Đó là chưa tính đến những thiệt hại do thương hiệu của BIDV bị ảnh hưởng. Những dấu hiệu bất thường trong hoạt động giao dịch cho thấy kẻ xấu đã tạo ra cơ hội để “đục nước béo cò”, trong khi nhiều chủ đầu tư tháo lui, hạ giá và bán tống bán tháo, thì sức mua vẫn tăng mạnh. Theo nhận định của các nhà lãnh đạo BIDV thì trong vụ việc này, những kẻ tung tin đồn đã tranh thủ trục lợi thu về ít nhất 500-700 tỷ đồng. BIDV cũng cho biết trên thị trường chứng khoán xuất hiện 4 mã nghi bị làm giá trong 3 phiên vừa qua. Đó là những cơ sở cần thiết để phục vụ cho quá trình điều tra.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tại sao vẫn tồn tại những “mảnh đất màu mỡ” lớn như vậy để cho kẻ xấu mặc sức “gieo” tin đồn gây nguy hại, tác động xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Phải chăng, thủ phạm tung tin đồn thất thiệt đã nắm được “gót chân Asin”/điểm yếu của nhiều nhà đầu tư, đó là phương pháp, cách thức tiếp cận thông tin và xử lý thông tin thiếu tính chuyên nghiệp, là lối làm ăn theo tâm lý đám đông. Đó là một bộ phận lớn giới đầu tư chứng khoán bị dẫn dắt bởi những quyết định không dựa trên cơ sở của lý tính, không dựa trên cơ sở của sự tính toán chính xác, tỉnh táo, khách quan, mà chỉ hành động theo đám đông một cách cảm tính, ngớ ngẩn. Trong khi họ hoàn toàn có thể bình tĩnh, thận trọng để kiểm chứng thông tin, xác tín thông tin trước khi đưa ra những quyết định quan trọng. Do đó, hậu quả là họ đã phải trả giá bằng sự thiệt hại cho chính mình, đồng thời cũng kéo theo sự thiệt hại đến xã hội. Trên 3 chục nghìn tỷ đồng bị “bốc hơi” trong một phiên giao dịch là con số không hề nhỏ, nhất là khi đem so sánh với tổng thu ngân sách năm 2012 của nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đó là chưa kể đến những hệ lụy, những ảnh hưởng liên quan đến vấn đề an ninh tiền tệ, chính sách tiền tệ của quốc gia.

Tuy nhiên, dù sao thì ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, đã kịp xuất hiện để bác bỏ tin đồn, các cơ quan báo chí và cơ quan chức năng cũng thông tin rộng rãi đến toàn xã hội để ngăn chặn những ảnh hưởng tiếp theo hoặc xua tan những nghi ngờ. Nhớ lại những năm gần đây, chúng ta cũng từng chứng kiến không ít tin đồn thất thiệt gây ra cảnh lao đao cho người sản xuất, kinh doanh, như: ăn bưởi gây ung thư, sữa tươi có đỉa, Việt Nam thiếu gạo, Việt Nam phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng, Việt Nam đổi tiền… May sao, những tin đồn ấy rồi cũng được phát hiện và bác bỏ.

Từ sự việc này có hàng loạt câu hỏi được đặt ra, cũng là những vấn đề cần được quan tâm: Chúng ta phải làm gì đối với những tin đồn đang tồn tại trong đời sống xã hội mà chúng ta chưa thể, không thể phát hiện và tìm cách bác bỏ được? Làm sao để bác bỏ những tin đồn thất thiệt đang trôi nổi trong đời sống, bởi không phải ai, không phải vấn đề gì cũng có thể nhanh chóng được giới truyền thông quan tâm cùng vào cuộc để hỗ trợ bác bỏ thông tin? Làm sao để các tin đồn thất thiệt không còn “mảnh đất màu mỡ” để tồn tại, tán phát?

Trong thực tế, không ít tin đồn liên quan đến một số cá nhân, nhân vật, các sản phẩm, hoặc các tổ chức, có thể đôi khi còn là các chính khách, cứ âm ỉ tồn tại, lan truyền, mà không thể lý giải hoặc khó tìm cách để bác bỏ tin đồn thất thiệt. Báo chí đã từng phản ánh chuyện một cô giáo tự dưng bị tung tin bị nhiễm bệnh HIV. Quá khổ sở, cô giáo này đã phải đi kiểm tra để thanh minh cho bản thân mình và kết quả kiểm tra cho thấy cô không bị vướng phải căn bệnh thế kỷ này. Thế nhưng tin đồn vẫn lan truyền, môi trường xã hội nơi cô công tác vẫn giữ cái nhìn lạnh lẽo, đối xử với cô như thể cô là một nạn nhân bị HIV. Mà sự thật thì cô chỉ là nạn nhân của tin đồn thất thiệt, và theo lời cô giáo này thì có khi nó còn kinh khủng hơn cả bị HIV, bởi có lúc cô đã phải nghĩ đến cái chết. Rồi có những chuyện như trong cơ quan, tập thể, không ít người bỗng nhiên được người khác “vẽ rắn thêm chân”, bỗng dưng bị gắn với những cử chỉ, hành vi, lời nói, câu chuyện, mà bản thân người đó cũng không hề hay biết. Tác hại của nó không thể xem thường. Do đó, không thể chủ quan với các loại tin đồn, cho dù đôi khi chỉ là những tin đồn ở phạm vi nhỏ.

Để hạn chế, ngăn chặn tác động của tin đồn, việc phát hiện, thực hiện những kẻ tung tin đồn thất thiệt cần được xử lý nghiêm, trừng trị đích đáng. Kẻ xấu, thế lực xấu tung tin đồn cũng có muôn vàn mục đích: có thể là sự phá hoại uy tín, năng lực cạnh tranh rõ mục đích kinh tế; có thể nhằm mục đích hạ thấp ảnh hưởng, hạ bệ hình ảnh của người khác vì mục đích chính trị… Những tin đồn thất thiệt đều không ngoài mục đích xấu, mục đích tranh giành ảnh hưởng bằng cách phá hoại thanh danh, uy tín, năng lực, sức mạnh, tài sản của cá nhân hoặc tập thể, nhằm mục đích trục lợi bất chính cả về kinh tế lẫn chính trị.

Một nội dung quan trọng khác cần được quan tâm thực hiện tốt là việc tăng cường các biện pháp, hình thức tuyên truyền, thường xuyên cảnh báo, khuyến cáo để nâng cao ý thức cảnh giác, hạn chế đến mức tối đa việc tạo “đất” cho tin đồn thất thiệt tồn tại. Khi tiếp nhận những thông tin bất thường, mỗi người có thể bình tĩnh, thận trọng kiểm chứng thông tin thông qua các địa tin tin cậy. Nên nghe, nắm bắt thông tin qua những “kênh” thông tin chính thức của cơ quan chức năng, cũng như thông tin từ những người bị đề cập đến. Đồng thời, các cá nhân, tổ chức liên quan đến tin đồn thất thiệt cần có động thái phối hợp tích cực với cơ quan chức năng để dập tắt tin đồn.


Đức Dương