Bài cuối: Chung niềm kính yêu bên dòng Mê Kông...

07/12/2012 19:10

Trong chuyến thăm đất nước Chăm Pa lần này, chúng tôi được đến thăm 2 địa điểm mà Bác Hồ đã từng dừng chân trên con đường tìm đường cứu nước và truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lê nin, xây dựng các tổ chức cộng sản đầu tiên: Một ở bản Xiềng Vang, xã Xiềng Mương, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn và một ở bản Mạy, thôn Na Chook, xã Nõn Giạn, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan. Cả 2 địa điểm này trước đây đều từng thuộc về đất nước Lào Lạn Xạng, nằm cách nhau khoảng 3 km, một ở bên này và một ở bên kia dòng Mê Kông. Ở cả hai điểm này, hai khu di tích về Bác Hồ đang được xây dựng.

(Baonghean) - Trong chuyến thăm đất nước Chăm Pa lần này, chúng tôi được đến thăm 2 địa điểm mà Bác Hồ đã từng dừng chân trên con đường tìm đường cứu nước và truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lê nin, xây dựng các tổ chức cộng sản đầu tiên: Một ở bản Xiềng Vang, xã Xiềng Mương, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn và một ở bản Mạy, thôn Na Chook, xã Nõn Giạn, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan. Cả 2 địa điểm này trước đây đều từng thuộc về đất nước Lào Lạn Xạng, nằm cách nhau khoảng 3 km, một ở bên này và một ở bên kia dòng Mê Kông. Ở cả hai điểm này, hai khu di tích về Bác Hồ đang được xây dựng.

>>Bài 2: Viêng Chăn - Nhịp điệu mới

Bác Hồ với bí danh nhà buôn “Thầu Chín”, nhà sư “Hạnh Đa” đã 2 lần đến Thái Lan để tổ chức kiều bào hoạt động cứu nước (lần thứ nhất từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929; lần thứ hai từ tháng 4-5/1930). Bác đã đến 9 tỉnh của Thái Lan, gồm: Thủ đô Băng Cốc, tỉnh Phi Chít, Ụ-Đôn Tha-Ni, Sa Côn Na Khôn, Noỏng Khai, U-bon Rát-cha-tha-ni, Mục Đa Hản, Ăm-nát-cha-rơn, Nakhonphanom… Từ Thà Khẹk, tỉnh Khăm Muộn, vượt cầu Hữu Nghị số 3 bắc qua dòng sông Mê Kông, chúng tôi đã đến tỉnh Nakhonphanom và từ cửa khẩu xuôi về phía Đông chừng 19km là đến bản Mạy, thôn Na Chook, xã Nõn Giạn, huyện Mương - nơi hơn 80 năm trước, Bác Hồ đã có những tháng ngày sinh sống cùng Việt kiều để tìm đường cứu nước, cứu dân.

Từ đại lộ của thị xã Nakhonphanom, rẽ vào con đường nhỏ trải nhựa phẳng lì không xa đã thấy một cổng chào bản Mạy quen thuộc với mái ngói đỏ, rồng phụng uốn lượn. Khung cảnh nơi đây chẳng khác gì Làng Sen quê Bác, khiến chúng tôi có cảm giác nơi đây vẫn lưu giữ hơi ấm của Người. Bản Mạy do những người Việt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình di cư sang đây thành lập từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bản hiện có 128 hộ, với trên 500 nhân khẩu. Người dân sống bằng nhiều nghề từ trồng lúa nước, làm vườn, trồng rau, trồng cau, cây ăn quả và đến buôn bán khắp vùng Đông Bắc. Ngôn ngữ sử dụng giao tiếp hằng ngày bằng cả tiếng Việt và tiếng Thái…

Xe dừng trước nhà bảo tàng Làng hữu nghị Việt – Thái, nghe tiếng Việt của người trên xe bước xuống lao xao, bà con Việt kiều vội vàng ra đón, tay bắt mặt mừng như anh em ruột thịt lâu ngày gặp lại. Anh Cao Văn, phụ trách bảo tàng đã kể cho đoàn nghe: Bác Hồ đã đến và ở nơi đây từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929. Ngày mới về, Bác cùng bà con dân bản dựng lên ngôi nhà gọi là "nhà hợp tác" để làm nơi sinh hoạt tập trung. Nhà được dựng ngay trong vườn ông Võ Trọng Đại, theo kiểu nhà trệt, vách ván; ngôi nhà hợp tác rộng chừng 50m2 , lúc nào cũng có 5 đến 7 hội viên sinh hoạt thường trực. Nhà được thiết kế hai phòng khá kín đáo, phía giữa là lối đi nhỏ thông ra sau vườn cây. Bác Hồ không bao giờ ngủ trong hai phòng riêng biệt đó. Đêm đến, Bác thường kê tấm phản nằm giữa nhà. Phía trước sân, Bác tự tay trồng một cây khế ngọt và 2 cây dừa. Những ngày ở trên đất Thái Lan, Người vận động bà con xin phép chính quyền sở tại mở lớp dựng trường dạy chữ Quốc ngữ cho con em, động viên người lớn học cả chữ Thái, chữ Việt để biết những điều cần thiết cho cuộc sống hiện tại, đồng thời tạo nền móng cho quá trình học tập lâu dài, để có những kỹ năng tự phân tích, tự tổng hợp ứng dụng vào làm ăn.
Bằng sự lôi cuốn và cảm hóa, Người mở mang tầm nhìn, cách nghĩ cho bà con qua các câu chuyện giản dị mà ẩn chứa nhân sinh quan sâu sắc, phổ biến cho bà con những kiến thức bổ ích về cách thức cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả, tìm chỗ đất thấp đào ao thả cá. Thời gian rảnh rỗi, Bác thường ra đồng giúp dân trồng lúa, trồng rau, bắt cá cải thiện cuộc sống, tổ chức chơi thể thao, đánh bóng chuyền với hội viên. Bác tranh thủ học tiếng Thái. Chỉ 4 tháng sau, Bác đã sử dụng tiếng Thái một cách thành thục... Anh Cao Văn cho hay: Bác Hồ là vĩ nhân của Việt Nam và thế giới nhưng rất giản dị. Dù Bác đã xa rời nơi này rất lâu nhưng người dân bản Mạy vẫn luôn thấy hình bóng Người ở đây. Bà con Việt kiều thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ về tiết kiệm. Trong thời kỳ đất nước tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước, đời sống bà con Việt kiều vô vàn khó khăn, nhưng mỗi nhà đều thực hiện Hũ gạo Bác Hồ. Hằng ngày, trước khi nấu cơm bốc một nắm gạo bỏ vào hũ, cuối tháng gom lại bán lấy tiền gửi về nước, đóng góp cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.



Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi cùng bà Trần Thị Sự

Giới thiệu cho mọi người những vật dụng sinh hoạt mà Bác đã dùng trong những hoạt động cách mạng tại Nakhon Phanom như tấm phản, chiếc áo tơi ra đồng, bộ ấm chè trà, chiếc điếu cày, chiếc mâm dọn cơm trong Nhà bảo tàng Làng hữu nghị, khu tưởng niệm Bác, anh Văn cho biết: Di tích Bác Hồ ở bản Mạy là địa điểm lịch sử quan trọng. Tháng 1/2004, từ sáng kiến của Đại tướng Chavalit Yongchaiyudh- Phó Thủ tướng Thái Lan, Chính phủ hai nước Việt Nam và Thái Lan đã tổ chức Hội nghị liên Chính phủ Việt - Thái và quyết định thành lập Làng hữu nghị Thái - Việt ở bản Mạy. Ngày 22/2/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawtra đã khai trương… Bút tích của Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawtra, Đại tướng Chavalit Yongchaiyudh được đặt trang trọng trong nhà bảo tàng. Đại tướng Chavalit Yongchaiyudh đã ghi: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người đặc biệt nhận được sự tôn kính của nhân dân Việt Nam mà còn là con người kiệt xuất được cả thế giới biết đến. Sự kính trọng nhà lãnh đạo của nước Việt Nam láng giềng đã từng có lịch sử gắn bó với đất nước Thái Lan sẽ là mốc son đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền vững và sâu sắc, đồng thời thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước”.

Từ đó đến nay, Làng hữu nghị - Khu tưởng niệm rộng 4 ha này đã trở thành nơi sum họp của bà con Việt kiều NakhonPhanom nói riêng và cả vùng Đông Bắc Thái nói chung. Ở đây vào các dịp lễ tết, bà con Việt kiều lại tụ hội quây quần bên nhau thắt chặt tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt; trở thành địa điểm đặc biệt cho người Việt và người dân Thái đến thăm… Mới đây, tỉnh Nakhon Phanom cùng với bà con Việt kiều đã đóng góp 700 nghìn bath (hơn 450 triệu đồng tiền Việt) làm ngôi nhà gỗ mới theo đúng y hệt nhà cũ Bác từng ở để làm nhà thờ Bác, cách nhà cũ khoảng 500m, cách nhà bảo tàng 300m.

Cách bản Mạy không xa chừng 3 km, bên kia sông Mê Kông là bản Xiềng Vang, xã Xiềng Mương, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn của nước Lào. Những ngày hoạt động ở Thái Lan, Bác Hồ đã nhiều lần triệu tập các đồng chí Lào ở Viêng Chăn tới Noỏng Khai (Thái Lan) để nghe báo cáo tình hình ở Lào. Người khảo sát tình hình đời sống nhân dân Lào và Việt kiều, thực trạng tàn khốc dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, nỗi bất bình của người dân nhưng chưa tìm ra con đường giải phóng dân tộc... Từ những thực tế này, Người đã giúp đỡ các đồng chí Lào hướng đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ nhân dân về tinh thần yêu nước và xây dựng cơ sở. Khi ở NakhonPhanom, Bác Hồ đã đi đò qua sông Mê Kông đến bản Xiềng Vang, gặp gỡ bà con người Lào và người Việt sinh sống ở đây. Nói chuyện với bà con, Người tuyên truyền phát động lòng yêu nước, căm thù chế độ thực dân, căn dặn người Lào và người Việt phải đoàn kết giúp đỡ nhau, chung sức chung lòng đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Lào, ra khỏi Việt Nam, giải phóng hai nước thoát khỏi ách nô lệ. Người phổ biến kinh nghiệm cho bà con về việc tổ chức các đoàn thể yêu nước và đoàn thể cách mạng tại Lào.

Anh Bút Đa - Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khăm Muộn cho hay: Tại Xiềng Vang đang được lãnh đạo 2 nước Việt Nam và Lào cho xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được ra đời trên cơ sở nguyện vọng của cán bộ và nhân dân các bộ tộc Lào, bày tỏ sự biết ơn và ghi nhận những cống hiến to lớn của Người đã khai sáng và dày công vun đắp cho quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào thủy chung, trong sáng. Bộ trưởng Bộ Văn hoá Lào cùng Chủ tịch huyện Noỏng Bốc được giao nhiệm vụ chỉ đạo thi công, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng công trình... Xiềng Vang nằm cách Thị xã Thà Khẹk về phía Nam chừng 15km. Đây là ngôi làng thuần Việt trên đất Lào, nằm sát dòng sông Mê Kông. Xiềng Vang -theo tiếng Lào là bản vùng bãi ngang sông Mê Kông. Bản có 68 hộ với hơn 300 khẩu, bà con quê gốc từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An của Việt Nam đến đây lập làng. Thời kỳ những năm 1940-1945, dân cư ở đây khá đông đúc, có khi đến 500 hộ và tới hơn 5.000 nhân khẩu. Xiềng Vang nổi tiếng là căn cứ địa của những người Cộng sản Lào và Việt Nam, kiên cường, bất khuất, đấu tranh chống lại ách áp bức đô hộ của thực dân phong kiến.

Người dân bản Xiềng Vang vẫn giữ ngôi làng theo phong cách Việt. Được biết, Đảng, Chính phủ Lào tạo nhiều thuận lợi cho bà con lập làng, giữ phong tục tập quán Việt Nam trên đất Lào, và coi đây là biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Lào. Bây giờ, bà con đã mang Quốc tịch Lào, nhưng mọi sinh hoạt vẫn thuần Việt, từ các món ăn cho đến giao tiếp. Trong các ngày lễ lớn của Việt Nam trong năm, bà con tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi. Đặc biệt, tại bản Xiềng Vang, nhiều gia đình và cá nhân được nhận huân, huy chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Nhà nước Việt Nam và Lào. Vào thời điểm này - khi chúng tôi đến, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng, dự kiến sẽ tiến hành bàn giao vào cuối tháng 12 năm nay; những người thợ Việt (đơn vị thi công) nắn nót viết từng dòng chữ, nắn lại khung ảnh, tô trát những hoa văn trang trí cuối cùng… Khu lưu niệm có tổng giá trị đầu tư vào khoảng 36 tỷ đồng, tổng diện tích 3ha; hiện mới chỉ xây dựng ½ diện tích, còn phía vòng ngoài sẽ được trồng cây cối, bố trí sân bãi sau. Khu lưu niệm được xây dựng với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Lào và Việt Nam, gồm 3 khối nhà: nhà thờ, nhà trưng bày hiện vật, nhà đón khách. Hiện nhà đón khách và nhà thờ đã xong; nhà trưng bày hiện vật, hình ảnh, tài liệu về hoạt động của Bác Hồ ở Lào, thân thế, sự nghiệp của Người, tình đoàn kết hai dân tộc Việt-Lào đang hoàn thiện. Trong Khu lưu niệm có vườn hoa, cây cảnh đem từ Việt Nam sang trồng xen kẽ với một số giống cây tiêu biểu của Lào, và đặc biệt là một ao cá Bác Hồ đã đi vào hoạt động. Bạn Lào và bà con Việt kiều tổ chức một đoàn rước cá từ chính ao cá Bác Hồ ở Thủ đô Hà Nội về đây…

Để xây dựng khu lưu niệm, ngoài nguồn kinh phí của 2 Nhà nước thì bà con Việt kiều và người dân Lào ở đây đã tự nguyện hiến nên toàn bộ diện tích đất 3 ha này. Chúng tôi đã gặp bà Trần Thị Sự, 82 tuổi (quê gốc xã Thanh Thủy, Thanh Chương, Nghệ An) nay đang sống ở Thị xã Thà Khẹk, về Xiềng Vang để thắp hương cho Bác và bố mẹ. Gia đình bà Sự chính là 1 trong số 13 gia đình hiến đất. Bà Sự kể: Lúc Bác sang Xiềng Vang thì bà chưa sinh, chỉ nghe bố mẹ kể lại chuyện Người thường xuyên đã đến nhà và ở lại đây. Anh ruột của bà là ông Trần Kim Cương đã đi theo Người hoạt động cách mạng, về Việt Nam tham gia giành chính quyền, xây dựng đất nước. Chia sẻ chuyện hiến đất mà không hề nhận lấy một tý đền bù nào, bà Sự cho hay: “Bác sống giản dị thanh cao, mênh mang tấm lòng yêu nước thương dân, còn lại chí khí phẩm chất của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Bà con ở đây đều kính yêu Bác, mong muốn Bác ở gần để tâm sáng, lòng trong, học theo Người”.

Trong sân Khu lưu niệm đầy nắng vàng óng ả của mùa khô Lào, anh Bút Đa cảm khái: Từ những hạt giống đỏ được Bác Hồ truyền trao, những cán bộ Lào đã giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin và lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nước Lào đi đến thắng lợi. Nhờ có Bác Hồ mà nhân dân Lào mới có sự độc lập, tự do, hòa bình hôm nay. Khu lưu niệm Chủ tich Hồ Chí Minh chính là địa chỉ đỏ cho các thế hệ trẻ Lào và Việt Nam, là biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt thủy chung Việt-Lào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phôm-vi-hản đã dày công vun đắp.


Thành Chung