Hái lộc đầu Xuân- xin đừng thái quá

09/02/2013 20:55

(Baonghean.vn) - Bước sang năm năm mới, mỗi người, mỗi gia đình đều có những hoạt động tượng trưng cho tài lộc, chúc phúc vui Xuân. Ngày mồng Một Tết- ngày khởi đầu mùa Xuân, cũng là thời khắc xoay vần của vũ trụ, vạn vật, cỏ cây sau mùa Đông dài ủ rũ bỗng đón xuân mới nảy lộc, đơm chồi non. Cũng không biết tự bao giờ tục lệ mừng xuân mới với nhiều hoạt động, trong đó có thói quen đầu năm mới xin lộc và hái lộc.

(Baonghean.vn) - Bước sang năm năm mới, mỗi người, mỗi gia đình đều có những hoạt động tượng trưng cho tài lộc, chúc phúc vui Xuân. Ngày mồng Một Tết- ngày khởi đầu mùa Xuân, cũng là thời khắc xoay vần của vũ trụ, vạn vật, cỏ cây sau mùa Đông dài ủ rũ bỗng đón xuân mới nảy lộc, đơm chồi non. Cũng không biết tự bao giờ tục lệ mừng xuân mới với nhiều hoạt động, trong đó có thói quen đầu năm mới xin lộc và hái lộc.

Đầu năm mới đi lễ chùa, lễ đền xin lộc, hái lộc cây cối đưa về nhà là một nét đẹp văn hoá, cầu mong một năm có nhiều tài lộc về với gia đình mình. Tuy nhiên, nhiều người đã thể hiện hành vi hái lộc rất thái quá, dẫn đến thiếu văn hóa.

Theo quan niệm của những người dạng này cành càng to thì lộc càng nhiều, cây nào ở vị trí, khu vực đền chùa, khu vực cơ quan nắm giữ tiền tài, chính quyền, công quyền như kho bạc, ngân hàng, Uỷ ban nhân dân, thuế, tài chính… thì cứ đến đó mà hái lộc, xin lộc. Từ quan niệm máy móc, vô lý này mà nhiều người từ hái lộc, xin lộc đã biến thành… dùng dao chặt cành, chặt cây lấy lộc. Mấy năm trước, có những cây trồng ở khu vực các cơ quan kể trên, ngày 30 tết còn xanh tốt đầy đủ cành ngọn nhưng sau một đêm giao thừa “ bão tố”, sáng mồng Một đã bị chặt phá nghiêm trọng, cây cối tả tơi. Nhiều cơ quan đơn vị đã phân công nhân lực để túc trực bảo vệ cây nhưng cũng không ngăn nổi hành động "hái lộc" này.



Cần phải có ý thức cao hơn trong bảo vệ hệ thống cây xanh của Thành phố.

Từ quan niệm hái lộc đầu xuân máy móc đến việc chơi đào đá ngày Xuân cũng đang là tác nhân góp phần phá hoại môi trường sống trong lành. Nếu hái lộc đầu xuân vào thời khắc giao thừa thái quá phá hoại hệ thống cây xanh trong thành phố, khu vực đền chùa vốn linh thiêng, thì thú chơi đào đá, đào phai, đào Mông trong những ngày Tết cũng làm huỷ hoại môi trường sinh thái khu vực rừng đầu nguồn. Có những cành đào đá giá bán lên đến hàng chục triệu đồng, đặc biệt những cành thế đẹp, rêu phong, cổ kính có lộc, có hoa, thậm chí có quả, giá bán đẩy lên đến 50 triệu đồng/ cành.



Cần phải có giải pháp bảo vệ, bảo tồn đào đá, đào cổ thụ vùng miền Tây.

Vì lợi nhuận kinh tế quá lớn, trước Tết cổ truyền một tháng, cuộc săn tìm đào đá khắp dải rừng miền Tây đã bắt đầu. Là loại cây tự nhiên trên rừng nên hễ bắt gặp tìm được là các “ đào tặc” ngay lập tức đốn hạ tận gốc không thương tiếc. Để có một cây đào đá giá trị như vậy phải có hàng chục năm sống trên độ cao hàng ngàn mét quanh năm sương mù che phủ mới có được, bỗng chốc trơ gốc. Từ ngoài rằm tháng Chạp ngược các tuyến đường lên miền Tây ta dễ bắt gặp trên những chuyến xe về xuôi chất đầy cây, cành đào đá, đào phai.



Vì lợi nhuận nhiều người đã chặt luôn cả cây đào để bán.

Như vậy, từ việc chơi đào, chơi mai ngày Tết, đến hái lộc, xin lộc ngày Xuân, vốn là nét đẹp văn hoá nhưng đang dần bị thái quá, đang huỷ hoại môi trường sinh thái cũng như hệ thống lá phổi xanh của Thành phố, khu đô thị. Vui xuân đón Tết, hái lộc cần có ý thức hơn để bảo vệ hệ thống cây xanh, bảo vệ môi trường, để những ngày vui xuân đón Tết trọn vẹn./.


Hồng Sơn