Quyền con người và quyền công dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc sửa đổi một số nội dung về quyền con người và quyền công dân trong của Hiến pháp 1992 là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu mới.
Quyền con người và quyền công dân là những nội dung quan trọng của Hiến pháp. Việc chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân bảo đảm được tính khoa học về kỹ thuật lập hiến; tạo thuận lợi cho việc hiểu và thực thi quyền con người và quyền công dân trên thực tế là yêu cầu khách quan. Do đó, Dự thảo sửa đối Hiến pháp năm 1992 tiếp tục làm rõ hơn quyền công dân, quyền con người, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền công dân, quyền con người. Đồng thời, Dự thảo cũng bổ sung một số quyền mới, là kết quả quá trình phát triển và đổi mới đất nước, phù hợp với các điều ước Quốc tế về quyền con người mà nước ta là một thành viên. Đó là quyền sống (điều 21), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (điều 22), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (điều 23), quyền sở hữu tư nhân (điều 33), quyền được bảo đảm an sinh xã hội (điều 35), quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa (điều 44)…
Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa có sự phân biệt rõ quyền con người và quyền công dân, chưa thực sự khẳng định được một số nguyên tắc nền tảng quan trọng của quyền con người, đó là “nhân phẩm là giá trị cốt lõi của quyền con người” hay “quyền con người xuất phát từ phẩm giá vốn có của mỗi người.” Vì vậy, Chương II cần đặc biệt nhấn mạnh đến nhân phẩm và xem đó như là một điều khoản riêng biệt cần được nêu ngay ở phần đầu của chương.
Dự thảo vẫn còn chứa đựng sự không thống nhất trong cách dùng “công dân” và “mọi người” trong cách hiểu về chủ thể của các quyền và tự do cơ bản của công dân. Chẳng hạn Điều 24 quy định công dân có quyền tự do đi lại, Điều 36 là quyền có nơi ở hợp pháp, Điều 35 của Dự thảo quy định “công dân có quyền an sinh xã hội”, Điều 38 quy định “công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc”, Điều 41: “Công dân có quyền bảo vệ sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”... Đây là những quyền con người chứ không phải chỉ là quyền công dân. Đề nghị sửa lại là “mọi người có quyền….”
Một số quyền quan trọng là kết quả của quá trình đổi mới chưa được ghi nhận trong Hiến pháp như quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền tham gia vào quyết định các vấn đề về môi trường liên quan tới cuộc sống của mình, hoặc là quyền của một số đối tượng dễ bị tổn thương như là người cao tuổi, người khuyết tật, …
Bên cạnh đó, một số quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đamt thực hiện các quyền trên đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 nhưng lần sửa đổi này lại bị xóa bỏ là chưa phù hợp như quyền được hưởng các chế độ và chính sách về bảo hộ lao động của người lao động tại điều 55, quyền được hưởng các chính sách trong lĩnh vực y tế, giáo dục quy định tại điều 39 và điều 61, điều 59; quyền bất khả xâm phạm tại ý 2, điều 71 của Hiến pháp 1992./.
Thúy Vinh