Bài 3: Năng động người Hoa
Tại các huyện Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn... mỗi nơi chỉ có từ 2 - 5 hộ. Tôi hỏi về cộng đồng người Hoa ở huyện Kỳ Sơn, anh cán bộ văn hóa Và Bá Dìa ngạc nhiên, bởi cộng đồng này có vẻ ít được báo chí quan tâm, có thể vì họ là "thiểu số", còn trưởng phòng văn hóa Moong Văn Nhi thì lấy làm thú vị về ý tưởng của của tôi. Anh nhận xét, người hoa ở Kỳ Sơn không nhiều, chỉ có 4 hộ nhưng họ biết đoàn kết và thương yêu nhau, lại chấp hành tốt chủ trương chính sách, biết giữ gìn nếp sống truyền thống.
Thật khó phát hiện ra một người Hoa, mặc dù họ chỉ sinh sống chủ yếu tại thị trấn trung tâm huyện. Tại cái thị trấn vùng cao biên ải này, người ta dễ nhận thấy một bà "mế" từ bản người Thái, Mông hay Khơ mú nào đó với cái gùi trên lưng cách xa hàng trăm mét. Thế nhưng, với người Hoa thì... chịu, vì từ trang phục, đến vóc dáng và lối sinh hoạt họ căn bản đã giống với người Kinh. Tuy vậy, họ có tiếng cầu kỳ, nhất là trong ẩm thực, vì thế họ là chủ những hàng ăn đắt khách bậc nhất tại Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn).
Anh Và Bá Dìa dẫn tôi đến nhà ông Cổ Dân Phàn, người uy tín của cộng đồng với hơn 20 người Hoa tại đây. Vừa hay, ông Phàn đang đi Hà Nội chữa bệnh, anh con trưởng Cổ Trung Hòa ở nhà điều hành việc kinh doanh ăn uống. Buổi chiều, quán vắng khách. Chị vợ tỏ ra e ngại khi tiếp xúc với báo chí. Sau một lúc xoay xỏa với vài thứ việc, anh Hòa niềm nở bắt tay tôi và nói thật hiếm khi có báo chí quan tâm đến người Hoa mặc dù chính quyền địa phương thì tạo mọi điều kiện cho công việc làm ăn của gia đình mình cũng như những người Hoa tại đây. Hàng năm, vào ngày Quốc khánh nước Trung Hoa (1/10), các gia đình đều nhận được quà từ chính quyền. Anh Hòa bảo, sự quan tâm này khiến bản thân và những người Hoa ởđây rất cảm động!
Cộng đồng người Hoa ở Thị trấn Mường Xén đến đây vào năm 1993. Ngày ấy, họ sinh sống tại xã Mậu Đức (Con Cuông), phía tả ngạn sông Lam, cách trởđò giang, đời sống kinh tế vì thế mà rất chật vật. 2 "trưởng lão" của dòng họ Cổ và họ Hoàng bàn nhau đưa con cháu tìm lên mạn ngược tính kế sinh nhai, cải thiện cuộc sống. Họ chọn nơi dừng chân tại Mường Xén. Khi đó, anh Hòa mới 17 tuổi, học hết lớp 9. Hiện nay họđã có 4 gia đình đều kinh doanh ăn uống. Thực khách ưa thích cách nấu ăn của người Hoa nơi đây bởi sự khéo léo, lại vừa miệng mà họ gọi là những món "Tàu". Tôi từng thấy những kiểu nấu ăn cầu kỳ và khéo léo kiểu này tại nhiều hàng ăn Bắc bộ, khác hẳn lối ẩm thực thuần phác của người miền núi nơi đây, đôi khi không phù hợp khẩu vị thực khách phương xa.
Đèn lồng, vật trang trí cầu may của người Hoa ở Nghệ An.
Người Hoa ở Kỳ Sơn bài trí nhà ở cũng những gia đình người Kinh từ miền xuôi lên lập nghiệp. Anh Hòa cho cho hay: Người ta chỉ có thể nhận ra một điểm khác biệt trong văn hóa Hoa vẫn được duy trì, đó là những chiếc đèn lồng đỏ treo trước cửa, dưới trần nhà, trên lối đi lên gác. Mỗi năm, người ta chỉ thay đèn lồng một lần vào đầu năm mới âm lịch. Đèn lồng và giấy đỏ là vật trang trí cầu may của người Hoa. Mâm cúng ngày tết không thể thiếu món cá, quẩy, bánh bìa, bánh tét. Bánh chưng trong mâm cúng của người Hoa nơi đây có hình tứ diện, không vuông. Ngoài Tết Nguyên đán thì Tết Thanh minh (mồng 3/3) và Tết Trùng cửu (mồng 9/9 âm lịch) hàng năm được coi là những lễ lớn của người Hoa ở Nghệ An. Tết Thanh minh, lễ tảo mộ người Hoa tổ chức mở hội tại mộ người thân. Đây là dịp người dương giangặp gỡ người cõi âm.
Ngoài những nét văn hóa này, về căn bản người Hoa không còn gì khác biệt với người bản địa. Tiếng Hoa cũng chỉđược dùng trong gia đình, khi giao tiếp với người lớn tuổi. Ngoài ra, vào những lúc rỗi rãi, ông bà vẫn kể Tam quốc, Thủy hử vốn cũng chẳng xa lạ gì với người Việt cho con cháu nghe. Tuy nhiên, những em nhỏ sinh ra từ những năm 2000 phần lớn không còn giao tiếp bằng tiếng Hoa.
Anh Hòa "khoe" rằng, vì ít người nên cộng đồng người Hoa ở Nghệ An rất đùm bọc, thương yêu nhau. Trong những năm còn khó khăn, nhà có của giúp nhà thiếu thốn làm kinh tế, đến giờ người Hoa tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông đều đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá. Tuy sinh sống cách xa nhau hàng trăm cây số, họđều quan tâm đến đời sống và luôn qua lại với nhau rất thân thiết.
Trong những năm gần đây, đời sống kinh tế khấm khá, người Hoa tại Kỳ Sơn có nhiều điều kiện để tham gia những hoạt động cộng đồng tại địa phương. Họ cũng đã có đại diện và tiếng nói tham gia Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh nhà...
Hữu Vi