Yên Thành: Loạn "công nông tự chế"

11/03/2013 14:46

Đã hơn 5 năm Yên Thành cũng như các địa phương khác triển khai thực hiện quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc  hỗ trợ thay thế xe công nông, xe cơ giới 3 bánh… bị đình chỉ tham gia giao thông. Nhưng thời điểm hiện tại, các loại xe công nông tự chế ở Yên Thành vẫn đang mặc sức “tung hoành”, trở thành nỗi khiếp sợ cho người đi đường.

(Baonghean) Đã hơn 5 năm Yên Thành cũng như các địa phương khác triển khai thực hiện quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe cơ giới 3 bánh… bị đình chỉ tham gia giao thông. Nhưng thời điểm hiện tại, các loại xe công nông tự chế ở Yên Thành vẫn đang mặc sức “tung hoành”, trở thành nỗi khiếp sợ cho người đi đường.

Về Yên Thành người ta thường sợ nhất là xe công nông tự chế mà người địa phương gọi là “công nông càng”. Loại xe này có thể chạy từ mọi ngõ ngách đường liên thôn, liên xã ra đến tỉnh lộ, quốc lộ. Khuất tầm nhìn, xe bất thình lình từ trong ngõ lao ra, đường dốc cao xe lao bổ từ trên xuống, đường rộng thì lạng lách, thậm chí có người còn lái công nông bằng chân.



Từng đoàn xe công nông chở đá trên đoạn đường qua xã Liên Thành.

Chúng tôi về Yên Thành đi trên tuyến Tỉnh lộ 538 chứng kiến đoàn xe “công nông càng” khoảng hơn 10 chiếc đang rú ga ầm ầm chở đá trên đường. Xe nào cũng chất ngồn ngộn những tảng đá, để lại phía sau là lớp bụi khói đen đặc. Chị Trần Thị Lê ở xã Liên Thành nói: Tốt nhất thấy loại xe này là phải tránh xa, nếu không muốn đá rơi gây tai nạn. Loại xe “công nông càng” này thường xuyên tập trung nhiều nhất ở các mỏ đá. Cứ khoảng 5 giờ sáng là đội quân “công nông càng” đã bốc đầy những xe đá và hầu hết không che bạt. Trung thu năm 2012 vừa qua, lượng xe công nông ở các xã Xuân Thành, Tăng Thành, Văn Thành, Hoa Thành… đổ ra đường “diễu hành” ở Thị trấn Yên Thành khoảng gần 200 chiếc gây ách tắc giao thông cho cả tuyến đường. Do đi sai phần đường nên một công nông đã gây tai nạn (đoạn gần Kho bạc Nhà nước Yên Thành) làm 1 người tử vong và 1 người bị thương nặng. Trong năm 2012, một lái xe công nông ở xã Bắc Thành chở gỗ bị lật xe khiến 1 người đi đường tử vong.

Theo khảo sát tại địa bàn Yên Thành có khá nhiều điểm “dựng” xe công nông. Nhưng quy mô và lớn nhất vẫn là cơ sở “dựng” xe công nông ở xã Bắc Thành (cách Trường THPT Yên Thành 2 khoảng 300m). Tại cơ sở này có khoảng gần 10 thợ gò hàn chuyên “dựng” thùng xe và bánh lồng. Theo một thợ hàn thì khoảng 5 thợ làm tích cực trong 5 ngày sẽ “dựng” được 1 xe công nông. Chi phí tuỳ theo chất lượng nguyên vật liệu, nếu chi phí cao thì trục xe sẽ được làm bằng loại ống sắt tốt. Còn chi phí giảm thì trục xe làm bằng loại sắt thường nên độ chịu lực yếu. Vì thế mà có rất nhiều xe công nông khi chở hàng cồng kềnh thường bị gãy trục.

Được biết, toàn huyện Yên Thành có khoảng trên 1.500 xe công nông, trong đó nhiều nhất là các xã Nhân Thành trên 500 chiếc, Nam Thành trên 150 chiếc, Trung Thành trên 170 chiếc… Nguyên nhân số lượng công nông ngày càng tăng, ngoài việc thuận tiện chở thuê đá, cát sỏi loại xe này còn có chức năng chính là dập ruộng, thay sức cày kéo của trâu bò, chi phí rẻ.

Vấn đề công nông tự chế “tung hoành” ở Yên Thành đang gây bức xúc cho người dân. Đề nghị các ngành chức năng Yên Thành vào cuộc, thực hiện nghiêm Quyết định 548/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc đình chỉ tham gia giao thông đối với xe công nông, xe 3 bánh; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành chuyển đổi, lập lại trật tự để giảm thiểu những tai nạn giao thông đáng tiếc do công nông gây ra.


Sông Dinh