Trưởng bản Mùa Chông Chà
Giọng nói sang sảng, Trưởng bản Mùa Chông Chà khoe với phóng viên là “bản ta giờ gần như giàu nhất xã”. Toàn bản Phù Khả 2 (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) có 58 hộ đồng bào Mông, hiện không còn nhà tranh, tre tạm bợ nữa, hầu hết các gia đình đã có xe máy, ti vi. Bản có khoảng 18 hộ giàu, nuôi được nhiều trâu, bò, làm được nhiều ngô, lúa, dong riềng… và mua sắm được hầu hết những vật dụng trong gia đình.
(Baonghean) - Giọng nói sang sảng, Trưởng bản Mùa Chông Chà khoe với phóng viên là “bản ta giờ gần như giàu nhất xã”. Toàn bản Phù Khả 2 (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) có 58 hộ đồng bào Mông, hiện không còn nhà tranh, tre tạm bợ nữa, hầu hết các gia đình đã có xe máy, ti vi. Bản có khoảng 18 hộ giàu, nuôi được nhiều trâu, bò, làm được nhiều ngô, lúa, dong riềng… và mua sắm được hầu hết những vật dụng trong gia đình.
Để có được cuộc sống hôm nay, người Mông ở Phù Khả 2 nghe theo bộ đội, định canh, định cư, đẩy mạnh khai hoang ruộng nước, trồng các loại cây có giá trị kinh tế và phát triển chăn nuôi. Ngay từ những ngày đầu lập bản mới, Mùa Chông Chà là một trong những người đầu tiên hưởng ứng và tích cực phối hợp với cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng QK4 vận động đồng bào định canh, phát triên kinh tế, xây dựng cuộc sống văn hóa nơi biên cương Tổ quốc.
Trưởng bản Mùa Chông Chà (trái) trò chuyện với cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng QK4.
Năm 2000, mới 30 tuổi, Mùa Chông Chà được bầu làm Trưởng bản Phù Khả 2. Còn trẻ tuổi so với nhiều dân bản nhưng trưởng bản đã mạnh dạn đề xuất nhiều cách phát triển kinh tế, xây dựng bản làng giàu đẹp. Trong đó, đẩy mạnh khai hoang ruộng nước được chọn làm khâu đột phá để hạn chế việc phá rừng làm rẫy. Sau nhiều mùa khai hoang, bản Phù Khả 2 có hơn 20 ha lúa nước, đem lại nhiều lúa gạo cho dân bản. Trưởng bản Mùa Chông Chà đã vận động đồng bào đưa giống lúa mới vào sản xuất, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò, lợn, gà. Bên bếp lửa hồng, Mùa Chông Chà tâm sự: Tính ra một năm, bên cạnh lúa nước, trồng cây màu nếu mỗi hộ nuôi được một con bò đã có trên 20 triệu đồng rồi, nuôi trâu còn thu được nhiều hơn nữa. Bây giờ hộ nào cũng nuôi vài con trâu bò có nhiều hộ nuôi từ 10 con trở lên…
Hơn 12 năm làm trưởng bản, Mùa Chông Chà đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang trên địa bàn vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Đến nay, ở bản không còn hiện tượng cúng vía khi có người bị ốm đau nữa mà phải đi khám và uống thuốc. Việc cưới, việc tang cũng không kéo dài thời gian so với qui định của Nhà nước. Năm 2009, Phù Khả 2 được công nhận là Làng Văn hóa. Thiếu tá Quách Công Khôi, Bí thư Chi bộ Bệnh xá quân dân y Đoàn 4 cho biết: Bệnh xá đóng quân gần với bản Phù Khả 2 nên có sự gắn bó mật thiết với dân bản nơi đây. Đặc biệt, Mùa Chông Chà là người có uy tín cao trong cộng đồng, luôn nhiệt tình trong tất cả các công việc phối hợp giữa đơn vị với dân bản.
“Bây giờ kinh tế tốt rồi. Nhưng người Mông ta vốn hay lấy vợ, lấy chồng sớm. Từ trước tới nay, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra, ta cũng nói mãi mà một số hộ còn vi phạm. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi, ta và ban quản lý bản sẽ tăng cường vận động dân bản xóa bỏ hẳn nạn tảo hôn để vừa đảm bảo đúng pháp luật, đồng thời đảm bảo con cháu ta sinh ra khỏe mạnh…”- Trưởng bản Mùa Chông Chà tâm sự như vậy, khi tiễn chúng tôi...
Bài, ảnh: Nguyên Sơn