Trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao

02/05/2013 14:22

Từ đầu năm cho đến hết tháng 4, ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) gần như không có mưa, thiếu nước, cây mía đã bắt đầu quăn lá. Ấy nhưng 35 ha dâu của xã vẫn tốt bời bời, xanh mướt bên bờ sông Con. Cái nghề trồng dâu, nuôi tằm đã giúp nhân dân Nghĩa Đồng có cuộc sống khấm khá.

(Baonghean) - Từ đầu năm cho đến hết tháng 4, ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) gần như không có mưa, thiếu nước, cây mía đã bắt đầu quăn lá. Ấy nhưng 35 ha dâu của xã vẫn tốt bời bời, xanh mướt bên bờ sông Con. Cái nghề trồng dâu, nuôi tằm đã giúp nhân dân Nghĩa Đồng có cuộc sống khấm khá.

Mọi ngã đường từ trung tâm xã Nghĩa Đồng chạy ra bãi dâu gần như đều được đổ bê tông, thoáng rộng. Ven đường, nhà dân mái bằng, mái ngói, cao tầng san sát. Trồng dâu, nuôi tằm là một trong những thế mạnh của xã Nghĩa Đồng. Người xưa có câu “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để nói lên sự vất vả, nhọc nhằn của nghề dâu tằm. Song nay người dân Nghĩa Đồng cho rằng nghề dâu tằm không còn vất vả như xưa khi người nuôi tằm phải đi tìm kiếm lá dâu khắp nơi để cung cấp cho tằm ăn; giờ bà con trồng dâu thâm canh để cung cấp thức ăn cho tằm nên việc nuôi tằm khá nhẹ nhàng. Ngay cả trong thời điểm tằm ăn rỗi, là giai đoạn tằm ăn nhiều nhất, mỗi ngày cho ăn 4 - 5 lần, thì người nuôi cũng thấy chỉ làm… tranh thủ.



Ruộng dâu của gia đình Ông Hồ Sỹ Hoan ở xóm 3, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ).

Ông Hồ Sỹ Hoan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Đồng trồng 3 sào dâu, nuôi 3 vòng tằm/lứa, 1 vòng cho năng suất 14 - 16 kg kén. Bình quân mỗi năm nuôi 10 - 12 lứa tằm, cho thu hoạch gần 5 tạ kén, bán ra thị trường với giá hiện nay 95.000 đồng/kg kén, đem lại doanh thu hơn 40 triệu đồng/năm. Ông Hoan cho biết: Đầu tư trồng dâu, nuôi tằm rất rẻ nhưng đem lại lợi nhuận cao. Cây dâu chỉ trồng một lần cho thu hoạch trong suốt 14 - 15 năm, mỗi năm nhà nông đốn gốc dâu 2 lần, sau mỗi lần đốn gốc, tự nó lại mọc lên xanh tốt, không phải chăm sóc nhiều. Năm nào có mưa nhiều lá dâu to gần bằng lá mùng, tằm ăn không xuể. Sức sống của cây dâu vô cùng mãnh liệt, những vùng đất xấu, sản xuất kém hiệu quả, đưa dâu vào trồng lại phát triển tốt.

Dụng cụ nuôi tằm cũng rất đơn giản, gồm những cái nong lớn được làm bằng tre và những chiếc khung tre với nhiều que nhỏ để tằm nhả kén. Những dụng cụ này sản xuất thủ công, giá rẻ, sắm 1 lần dùng được cả hàng chục năm. Với chu kỳ nuôi 23 ngày/lứa tằm, người dân thường nuôi gối, cứ khoảng 14 ngày nhập kén/lần. Ưu điểm của nuôi tằm không gây ô nhiễm môi trường, tận thu được toàn bộ, đem lại giá trị thu nhập cao, có tiền liền tay, mỗi tháng có 3 - 4 triệu đồng tiền mặt.

Nói về nghề trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương, ông Nguyễn Xuân Giáo - Xóm trưởng xóm 3, xã Nghĩa Đồng rất tự hào: “Xóm 3, có hơn 70 hộ trồng dâu, nuôi tằm, mỗi năm thu hoạch 20 - 22 tấn kén, riêng tiền bán kén thu về hơn 2 tỷ đồng/năm, trong khi đó toàn xóm 3 chỉ trồng 10,5 ha dâu, thu nhập bình quân 180 – 200 triệu đồng/ha. Điều đặc biệt là vùng đất trồng dâu cằn cỗi, trước đây xã từng đưa cây sắn vào trồng nhưng sắn không sống nổi. Năm 2005, 18 hộ dân của xóm 3 xung phong khai hoang 2,4 ha vùng đất xấu bãi bồi cát tấp dọc sông Con để trồng dâu. Từ đó, năm 2006, Đảng uỷ, HĐND xã có chủ trương chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dâu và ngày càng mở rộng, hiệu quả. Hiện nay, trồng dâu nuôi tằm ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo mà còn làm giàu thực sự. Toàn xóm 3 có 187 hộ dân, trong đó hộ khá, giàu chiếm 2/3; chỉ có 8 hộ nghèo là những hộ ông già, bà lão độc thân”.

Hộ ông Nguyễn Xuân Giáo cũng làm giàu từ nghề trồng dâu nuôi tằm, với 4 sào dâu, nuôi 3,5 vòng tằm/lứa, mỗi năm nuôi 10 - 12 lứa cho thu hoạch hơn 5 tạ kén/năm, giá trị thu nhập 45 - 50 triệu đồng/năm. Ông Giáo cũng là người làm khâu trung gian chuyên cung ứng giống và thu gom sản phẩm kén cho dân, rồi nhập cho các doanh nghiệp. Là người có kiến thức và kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm lâu năm, ông Giáo chuyên tư vấn cho bà con trong xã cách trồng dâu, nuôi tằm khoa học, hiệu quả. Các hộ làm theo ông đều có kết quả tốt. Ông cho biết, nuôi tằm đòi hỏi môi trường nuôi phải sạch sẽ, mùa Hè thoáng mát, mùa Đông giữ ấm, che chắn gió cẩn thận. Người nuôi tằm thường xuyên phải theo dõi thời tiết, nhiệt độ 28 - 30 độ C là phù hợp với tằm…

Nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh trên đất Nghĩa Đồng từ năm 2001 đến nay. Hiện toàn xã có 7/15 xóm trồng dâu, nuôi tằm, với tổng diện tích 35 ha dâu, cho thu hoạch từ 150 – 180 triệu đồng/ha. Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, dâu là cây đem lại giá trị kinh tế cao nhất trên đất Nghĩa Đồng. Từ giá trị kinh tế cao mà cây dâu đem lại, UBND xã Nghĩa Đồng đã có chủ trương quy hoạch mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm đến cuối năm 2013 lên 50 ha, và đến cuối năm 2015 phấn đấu mở rộng diện tích từ 120 – 150 ha.

Ông Trần Đình Hướng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng nhận định: Trong khi nhiều mặt hàng nông sản đang xuống giá, thì đầu ra cho sản phẩm kén tằm vẫn ổn định, được giá; thu hút mọi độ tuổi từ các em học sinh đến người cao tuổi đều chăm chỉ làm việc; giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, nhân dân trong xã không phải đi làm ăn xa, an sinh xã hội, an ninh trật tự được đảm bảo. Nghề này đã thực sự góp phần xoá đói giảm nghèo tại địa phương, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở xã Nghĩa Đồng chỉ còn 4,7%...


Bài, ảnh: Quỳnh Lan